Không thể lơ là kiểm soát phụ gia thực phẩm
“Sẽ lập lại trật tự trong buôn bán, sử dụng phụ gia thực phẩm; các doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm nặng nề hơn về chất lượng các sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh”, ông Nguyễn Công Khẩn-Cục trưởng Cục ATVSTP khẳng định.
Ông Khẩn nói: “Sử dụng phụ gia là tất yếu trong công nghệ chế biến thực phẩm, phụ gia giúp công nghệ chế biến hoàn hảo hơn, đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định trong một thời gian cho phép, giúp sản phẩm đẹp, hấp dẫn hơn. Đơn giản như bánh mỳ cũng chứa phụ gia (bột nở), chất hỗ trợ chế biến”.
Công nghệ chế biến thực phẩm hiện đại cần phụ gia, nhưng nhiều loại phụ gia có vẻ đang bị sử dụng quá mức. Bánh kẹo, nước giải khát, đồ ăn sẵn, sản phẩm chế biến từ gạo, thịt... đều dùng phẩm màu nhân tạo, còn phẩm màu từ thiên nhiên lại yếu thế dù vẫn được ca ngợi là an toàn. Vì sao vậy, thưa ông?
Tần suất sử dụng phẩm màu từ thiên nhiên chưa cao vì giá thành khá cao, mặc dù sẵn cso nhiều tại VN. Có thể tạo màu từ một số cây “nguyên liệu” như dành dành, gấc, đó là nguồn phẩm màu từ thiên nhiên rất an toàn. Nhưng tiếc rằng phẩm màu từ thiên nhiên chưa sống được trong đời sống, hạn chế về tính ổn định chất lượng là một trong những cản trở.
Nhưng rõ ràng phụ gia phẩm màu tổng hợp lại tiềm ẩn nguy cơ cho sức khoẻ, đặc biệt là dễ xảy ra tình huống “trà trộn” phụ gia công nghiệp cho thực phẩm?
Bởi vậy, tôi cho rằng quan trọng nhất là xây dựng danh mục phụ gia, vì tình trạng sử dụng phụ gia ngoài danh mục, không rõ nguồn gốc hiện đang là vấn đề lo ngại. Tác hại của phụ gia cấm sử dụng khi cho vào thực phẩm cần căn cứ vào tần suất sử dụng sản phẩm bị nhiễm đó. Tần suất sử dụng chưa cao thì nguy cơ thấp hơn. Ở VN, tần suất sử dụng sản phẩm chế biến sẵn chưa cao, các sự cố về phụ gia vẫn trong kiểm soát. Tuy nhiên, kiểm soát phụ gia thực phẩm vẫn đặc biệt được chú trọng vì nó là vấn đề sức khoẻ, chất lượng giống nòi. Không có thử nghiệm nào trên người về tác hại của các phụ gia công nghiệp, tác hại của phụ gia cấm trên người nhưng nghiên cứu trên động vật cho thấy có những khả năng gây dị ứng, ung thư, ảnh hưởng khả năng sinh sản v.v. Với chúng ta hiện nay, vấn đề lo ngại nhất là dị ứng do phụ gia.
Về các giải pháp trong quản lý, giám sát sử dụng phụ gia thực phẩm, theo ông đâu là biện pháp mấu chốt?
Chúng ta vẫn phải nói đến giải pháp đồng bộ. Trước hết, cần phải có các quy định về kinh doanh, sử dụng phụ gia. Phụ gia cho thực phẩm phải kinh doanh riêng, không được chung với sản phẩm hoá chất công nghiệp, xi măng vôi vữa. Buôn bán kinh doanh phụ gia của chúng ta đang khá thoải mái dễ dẫn đến lạm dụng.
Ngoài ra cần có các quy định chặt chẽ về quy tắc sử dụng chế biến phụ gia. Chỉ những cơ sở đủ điều kiện về thiết bị, con người mới sản xuất thực phẩm có sử dụng phụ gia. Vì phụ gia đòi hỏi tính chính xác cao, cho phép sai số liều lượng, hàm lượng rất ít, đòi hỏi có hiểu biết và thực hành đúng. Trong khi đó, các cơ sở nhỏ lẻ, lao động thủ công sẽ rất khó tuân thủ tốt. Ví dụ như màu của xúc xích heo là có hỗ trợ màu của phụ gia, chứ không chỉ hoàn toàn là màu của thịt nguyên liệu.
Chất lượng sản phẩm gắn với phụ gia an toàn đang trở thành tâm điểm của người tiêu dùng. Thậm chí thông tin không chính thống về tồn tại của các phụ gia không an toàn cũng khiến người tiêu dùng hoang mang, quay lưng với sản phẩm mình vốn ưa dùng. Ông nhận xét gì về điều này?
Theo luật hiện hành, việc cấp chứng nhận đăng ký sản phẩm bản thân nó không có sức mạnh nhưng vẫn được các nhà kinh doanh “tận dụng” rất tốt chứng nhận này trong kinh doanh. Tờ giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm trở thành tấm bùa hộ mệnh cho sản phẩm. Mặc dù trong các văn bản giấy tờ thì nói rõ “doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về chất lượng của mình” nhưng khi có giấy chứng nhận thì họ đã biến nó thành “giấy thông hành” trong quảng bá, trong việc khẳng định chất lượng sản phẩm. Đó là sự thật. Việc cấp phép cho nội dung quảng cáo cũng có sức nặng tương tự như công bố chất lượng sản phẩm, nhưng có khi quảng cáo thể hiện chất lượng sản phẩm theo hướng “thổi phồng”. Bởi vậy khi lọt qua “cửa” này, một lần nữa sản phẩm lại được khẳng định vị thế của mình.
Với ưu thế của cơ quan cấp phép, trong một số trường hợp, chính cơ quan cấp phép cho nội dung quảng cáo sản phẩm đã “châm ngòi” cho những tranh cãi về phụ gia?
Đó cũng có thể được coi là một nguyên nhân. Bởi việc thẩm định nội dung cấp phép đã cho phép tồn tại cách quảng bá “Sản phẩm không có chất A gây nguy hại” chắc chắn đã “giúp” người tiêu dùng hiểu sản phẩm khác có chất A, là sản phẩm gây nguy hại” trong khi chất A đó vẫn được phép sử dụng. Nội dung gây tranh cãi này đã được thẩm định. Bởi vậy khi thông tin trên đưa ra công chúng, dù không phải là nguồn chính thống nhưng chắc chắn có ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Như vậy, thay vì phải cố gắng để xoá đi các nội dung gây hiểu lầm thì vẫn còn tình trạng nội dung của quảng cáo lại gây hiểu không đúng.
Tất nhiên việc quảng cáo sẽ phải bàn thêm nhưng tôi chỉ xin khẳng định cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn luôn cập nhật danh mục phụ gia được phép sử dụng, với tiêu chuẩn về liều lượng an toàn làm cơ sở cho các nhà sản xuất tuân thủ. Đặc biệt, sử dụng phụ gia đang là nội dung được giám sát chủ động để đảm bảo an toàn cho tiêu dùng. Năng lực kiểm nghiệm trong nước đã cho phép xét nghiệm nhanh, chính xác các chất phụ gia trong và ngoài danh mục, giúp cho việc kiểm soát chất lượng.
Theo Sức khỏe & An toàn thực phẩm