Không nên uống bằng ống hút?
(Dân trí) - Ống hút rất ít có tác dụng bảo vệ răng khỏi tổn thương nghiêm trọng và sử dụng ống hút có thể lợi bất cập hại.
Nhiều người thích uống bằng ống hút bảo vệ men răng, ngăn ngừa vết ố trên răng và giảm tiếp xúc với các mầm bệnh và vi khuẩn trên ly cốc ở nhà hàng hoặc trên cốc cà phê mang đi.
Thật vậy, các nghiên cứu kéo dài hàng thập kỷ qua cho thấy uống bằng ống hút có thể làm giảm nguy cơ sâu răng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo điều này có thể là một quan niệm sai lầm: ống hút rất ít có tác dụng bảo vệ răng khỏi tổn thương nghiêm trọng và sử dụng ống hút có thể lợi bất cập hại.
1. Bạn có thể mang “đôi môi của người hút thuốc lá”
Uống bằng ống hút có thể gây lão hóa da sớm quanh miệng.
Khi uống bằng ống hút, bạn sẽ phải chúm môi lại nhiều lần giống như người hút thuốc lá và theo thời gian, điều này làm tăng sự hình thành các nếp nhăn xung quanh miệng", bác sĩ thẩm mỹ Lana Rozenberg ở New York nói.
Nguyên nhân là do những người thường xuyên sử dụng ống hút sẽ phải liên tục sử dụng cơ vòng môi, gây ra những nếp nhăn sâu xung quanh miệng.
Việc co các cơ này sẽ tạo ra những nếp nhăn nhỏ song song xung quanh miệng sâu dần theo thời gian khi da già đi.
Hơn nữa, một nghiên cứu năm 2005 được công bố trên tờ Cell Research cho thấy những người hút thuốc lá có xu hướng phát triển các nếp nhăn quanh miệng do thường xuyên chụm môi để rít thuốc lá.
2. Không ngăn được vết ố trên răng
Nhiều người tin rằng uống bằng ống hút sẽ bảo vệ răng khỏi những đồ uống gây vết ố trên răng như cà phê và rượu vang đỏ, nhưng một số chuyên gia cho rằng không phải như vậy.
Theo BS. Mark Burhenne ở California, ý tưởng uống bằng ống hút sẽ làm giảm sự tiếp xúc của răng với chất gây vết ố - thậm chí còn được sự ủng hộ của một số nha sĩ - là "hoàn toàn không đúng sự thật".
"Lần tới khi bạn uống bằng ống hút, hãy thử để ý xem bạn có cảm thấy đồ uống từ ống hút chạm vào răng hay không.
"Tôi đảm bảo bạn sẽ cảm thấy đồ uống trên răng", ông nói thêm.
Ngay cả khi đồ uống có đường và có chất gây ố răng vượt qua các răng cửa thì những răng ở phía sau vẫn tiếp xúc.
Cách duy nhất để bảo vệ răng là đặt ống hút phía sau lưỡi và nuốt thẳng đồ uống xuống cổ họng. Nhưng cách này khá khó chịu và không thực tế, giống như uống rượu mạnh.
Lưỡi cũng có thể góp phần làm cho răng bị ố.
"Lưỡi tiếp xúc thường xuyên với răng, vì vậy nếu soda hoặc cà phê chạm vào lưỡi của bạn, nó cũng sẽ dính vào răng. Nếu bạn đã uống thì kiểu gì răng cũng bị tiếp xúc”, BS Burhenne nói.
3. Uống bằng ống hút có thể gây sâu răng
BS Paul Sussman thuộc Trung tâm Nha khoa thẩm mỹ cho biết uống qua ống hút không làm giảm nguy cơ sâu răng.
"Chất lỏng chứa đường hoặc axit vẫn tiếp xúc với răng, do đó, mảng bám vẫn có thể vẫn hình thành và dẫn đến sâu răng nếu bạn không thực hiện vệ sinh răng miệng tốt", ông nói.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy uống qua ống hút có thể làm tăng nguy cơ sâu răng.
Một báo cáo công bố trên tờ General Dentistry năm 2005 thấy rằng ống hút có thể làm tăng nguy cơ sâu răng nếu thường xuyên hướng chất lỏng vào một vùng cụ thể trong miệng.
Hướng tập trung của đường có thể khiến răng bị hỏng nhanh hơn.
Báo cáo cũng cho thấy mọi người có nguy cơ cao bị sâu răng cửa nếu uống qua ống hút đắt ở phía trước miệng, ngay sau môi và phía trước răng.
"Khi uống thức uống có đường và axit qua ống hút, hãy chắc chắn đặt ống hút phía sau răng để giảm thiểu sự tiếp xúc của chất lỏng với răng, nếu không răng bạn sẽ tắm trong đường và acid có thể gây sâu răng và mòn răng", BS Rozenberg nói thêm.
4. Uống bằng ống hút có thể gây chướng bụng và đầy hơi
Mỗi lần nhấp đồ uống quá ống hút bạn cũng sẽ hút vào không khí, có thể dẫn đến chướng bụng và đau bụng.
BS. Rozenberg giải thích: "Khi bạn uống qua ống hút, bạn cũng sẽ hút không khí vào cùng với đồ uống, gây ra đầy bụng và chướng hơi.
Jennifer Inra, bác sỹ chuyên khoa tiêu hóa của Bệnh viện Brigham và Phụ nữ ở Boston nói: "Một điều tôi khuyên các bệnh nhân là tránh sử dụng ống hút.
'Nó làm cho bạn nuốt thêm không khí. Bạn không chỉ nhận được chất lỏng mà bạn đang uống, mà bạn còn nhận được không khí bị mắc kẹt ở phần trên của ống hút”. Điều này có thể gây ra chướng bụng, đầy hơi và đau bụng.
Cẩm Tú
Theo DM