Không đủ tiền mua thuốc điều trị bạch hầu, bệnh nhân xin về... chết
(Dân trí) - (Dân trí) -Có bệnh nhân bị bạch hầu biến chứng viêm cơ tim, gia đình kiên quyết xin về vì chi phí điều trị quá tốn kém. Khi vừa ra đến cổng viện, em bé đã rơi vào rối loạn nhịp, tử vong. Có bệnh nhân đang điều trị thì gia đình... trắng tay, hối bác sĩ cho về vì không thể gánh nổi chi phí điều trị.
Thuốc đắt tiền, không nằm trong danh mục được bảo hiểm thanh toán
Thực trạng trên đang xảy ra tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM là tuyến cuối tiếp nhận và điều trị các loại bệnh truyền nhiễm tại khu vực phía Nam. Trong số 4 ca bệnh được chuyển đến điều trị bệnh bạch hầu thời gian gần đây thì có 1 ca tử vong, 3 trường hợp khác là bệnh nhi cùng ngụ tại buôn Ekia, xã Ia Rsai, huyện Krông Pa, Gia Lai.
Trước khi các bé nhập viện, tại buôn Ekia đã có 3 người tử vong nghi mắc bệnh bạch hầu.
Sau nhiều tuần điều trị tích cực, tình trạng sức khỏe của 2 trẻ bình phục tốt nên được xuất viện. Ngày 6/11 còn 1 bệnh nhi đang phải tiếp tục theo dõi, điều trị là bé Kpă H’Rớt (4 tuổi) với chẩn đoán mắc bạch hầu có biến chứng viêm cơ tim, rối loạn nhịp.
Tuy nhiên, nhiều ngày qua cha mẹ của bé liên tục yêu cầu bác sĩ phải cho bệnh nhi xuất viện vì chi phí quá tốn kém, gia đình nghèo, không đủ sức chi trả.
Phân tích chuyên môn của BS Phan Tứ Quý, Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc Trẻ em, khi người bệnh có biểu hiện nghi ngờ hoặc được chẩn đoán xác định mắc bạch hầu thì cần phải sử dụng thuốc kháng độc tố bạch hầu kết hợp với kháng sinh. "Những ca bệnh nặng, có biến chứng việc điều trị phải kết hợp với các giải pháp chuyên môn khác, chi phí rất tốn kém với mức trung bình từ 40 đến 70 triệu đồng", BS Quý cho biết..
Khoảng 5 năm trở lại đây, bệnh bạch hầu chủ yếu xuất hiện tại những vùng dân tộc thiểu số ở những vùng còn rất khó khăn. Tuy nhiên, nhiều năm qua thuốc kháng độc tố bạch hầu trong nước đã ngưng sản xuất, nguồn hàng chủ yếu phải nhập từ nước ngoài với chi phí hơn 2 triệu đồng mỗi lọ.
Một trường hợp bệnh bình thường cũng phải sử dụng khoảng 10 lọ thuốc, ca bệnh nặng việc sử dụng thuốc kháng độc tố bạch hầu cần nhiều hơn. Chi phí trung bình cho loại thuốc này trong quá trình điều trị của người bệnh tốn từ 20 đến 30 triệu đồng, chiếm khoảng 1/2 trong tổng chi phí điều trị của bệnh nhân. Tuy nhiên, loại thuốc kháng độc tố bạch hầu hiện không được Bảo hiểm Y tế chi trả nên người bệnh phải tự thanh toán.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do quy định thuốc nằm trong danh mục bảo hiểm phải thông qua đấu thầu tập trung. Nhưng trên thực tế nhu cầu thuốc kháng bạch hầu quá ít, thuốc có thời hạn sử dụng tử 12 đến 24 tháng, những năm không có ca bệnh các bệnh viện gần như không dùng tới. Vì vậy, dù bệnh viện mời thầu nhưng không có đơn vị tham gia dự thầu.
2 năm nay khi có dịch bệnh xảy ra, nguồn thuốc thông qua đấu thầu không có sẵn nên phía bệnh viện phải mua trực tiếp (không qua đấu thầu) để cứu chữa bệnh nhân. Vì lý do này Bảo hiểm Y tế từ chối thanh toán tiền thuốc kháng độc tố bạch hầu cho người bệnh.
Người bệnh bỏ điều trị sẽ mất mạng, nguy cơ làm phát tán dịch
BS Phan Tứ Quý chia sẻ: “Cùng thời điểm này năm trước, dù chúng tôi đã hết lời giải thích, can ngăn nhưng gia đình của một ca bệnh bạch hầu đã yêu cầu cho xuất viện vì hết tiền điều trị, vừa rời khỏi cổng bệnh viện bệnh nhi đã rơi vào rối loạn nhịp, tử vong.
Tình trạng tương tự đang đe dọa sự sống của bệnh nhi Kpă H’Rớt, cháu bị bạch hầu biến chứng viêm cơ tim, rối loạn nhịp nếu không được theo dõi, điều trị sẽ khó tránh khỏi nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, nhiều ngày qua cha mẹ của bé đã liên tục đòi đưa con về vì gia đình không có tiền”.
Từ thực tế điều trị, BS Tứ Quý cho hay: “Bạch hầu là bệnh có thuốc điều trị đặc hiệu nên có thể điều trị hiệu quả. Kháng độc tố bạch hầu là thuốc quyết định thành công trong điều trị, được sử dụng phù hợp với chỉ định và tuân thủ theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế.
Bệnh nhân có bảo hiểm y tế thì có quyền được sử dụng thuốc, được hưởng quyền lợi bảo hiểm theo quy định, cơ quan Bảo hiểm Xã hội và các bên liên quan cần sớm tháo gỡ vướng mắc để người bệnh có bảo hiểm y tế được hưởng quyền lợi của họ”.
Ở góc độ chuyên môn, BS Tứ Quý cho rằng, khi có dịch bệnh xảy ra ngoài việc khoanh vùng, cách ly, chủng ngừa thì điều trị là giải pháp cấp bách để hạn chế tối đa nguy cơ tử vong cho người bệnh, từ đó chấm dứt nguồn lây bệnh.
Trường hợp bệnh nhân xuất viện khi chưa khỏi bệnh sẽ trở thành nguồn lây bệnh nguy hiểm cho cộng đồng. Do đó, ngay cả khi Bảo hiểm Y tế không thanh toán thuốc kháng bạch hầu cho người bệnh vì lý do bệnh viện mua thuốc không thông qua đấu thầu tập trung thì việc chi trả bảo hiểm y tế hoặc hỗ trợ chi phí điều trị cho người mắc bệnh bạch hầu cần phải triển khai theo phương án chống dịch để tránh nguy cơ dịch lây lan, bùng phát trên diện rộng.
Vân Sơn