Không có phép màu trị nếp nhăn!
Để xóa những nếp nhăn ở các vùng giữa hai chân mày, trán, đuôi mắt, các thẩm mỹ viện thường gợi ý khách hàng tiêm Botox. Tuy nhiên, việc sử dụng nó có thể mang lại tác dụng phụ, nhất là khi không được chính bác sĩ thực hiện.
Botox là tên thương hiệu của sản phẩm Botulinum Toxin type A do công ty Allergan (Mỹ) sản xuất. Loại thuốc chống nếp nhăn này có nguồn gốc từ ngoại độc tố do vi khuẩn yếm khí clostridium botulinum sản sinh ra.
Độc tố botulinum đã được sử dụng khoảng 20 năm nay. Lúc đầu, các nhà phẫu thuật mắt và não dùng nó để làm tê liệt các cơ bắp, không cho chúng co giật vì tác dụng chính của Botox là ngăn chặn luồng xung động thần kinh, làm yếu phần cơ mặt dưới lớp da. Từ gần 10 năm trước, Botox được dùng trong chuyên khoa thẩm mỹ ở một số nước châu Âu để xóa các nếp nhăn, trẻ hóa khuôn mặt.
Ở châu Á, Singapore là nước đầu tiên ứng dụng botulinum. Từ mấy năm trước, trung tâm da liễu quốc gia nước này đã nghiên cứu dùng botulinum để tẩy xóa các vết nhăn lớn trên mặt bằng cách tiêm một liều lượng nhỏ độc tố vào các cơ bắp được xác định là gây ra vết nhăn.
Chất này sẽ ngăn "lệnh truyền" từ não đến các cơ bắp, làm chúng bị tê liệt, không thể co giãn, từ đó các nếp nhăn dần bị tẩy mờ. Botulinum đã được thử nghiệm là có thể giúp tẩy xóa các vết nhăn trên trán, vết nhăn giữa cặp lông mày, và các dấu chân chim (gần khóe mắt).
Tiến sĩ Trần Thị Anh Tú thuộc Trung tâm Đào tạo cán bộ y tế TPHCM cho biết, do hiệu quả nhanh hơn hầu hết phương pháp xóa nhăn khác nên Botox được coi là một "phép màu" trong trẻ hóa da.
Nhưng nó cũng có các mặt hạn chế mà người sử dụng cần biết rõ trước khi dùng: Botox là một chất đạm (protein) thiên nhiên tinh chất cao, được trích xuất từ vi khuẩn, tương tự như thuốc penicilline sản sinh từ nấm mốc.
Nó không làm thay đổi bản chất diện mạo hoặc làm cho bạn trông giống như vừa căng da mặt. Nó không có khả năng làm bạn trẻ hơn 20 tuổi, không hiệu quả khi xóa các rãnh nhăn sâu do co rút cơ.
Hiện nay tại một số thẩm mỹ viện, các thao tác dùng Botox được thực hiện rất đơn giản, thậm chí do những người không phải là bác sĩ chỉ định. Theo tiến sĩ Trần Thị Anh Tú, chỉ các bác sĩ có kinh nghiệm mới có thể xác định chính xác từng cơ nào trên khuôn mặt nào nên dùng Botox với liều lượng bao nhiêu, độ sâu chích bao nhiêu…để đạt được kết quả tốt nhất cho từng dạng nếp nhăn.
Botox có thể mang lại các tác dụng phụ: đau nhức, bầm nhẹ nơi chích, nhức đầu, bị chùng mí mắt... Botox tuyệt đối không được sử dụng cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, hoặc các bệnh nhân bị bệnh thần kinh cơ.
Theo Sài Gòn tiếp thị