1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Không có bằng chứng khoa học về việc ăn 3 bữa một ngày tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe”

Trên các diễn đàn và mạng xã hội, người dùng mạng đang truyền tay nhau thông tin từ một bài báo điện tử cho rằng: “Ngày ăn 3 bữa là đang giết chết cơ thể?”, trong đó, tác giả bài báo khẳng định, “thói quen ăn 3 bữa một ngày tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại tới sức khỏe”.

Để tìm hiểu vấn đề này phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã gặp chuyên gia dinh dưỡng - Ths.BS Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Qua đây, không chỉ các nhà báo mà ngay cả những người dùng mạng xã hội cần có trách nhiệm trước khi chia sẻ thông tin cho người khác, không nên viết, chia sẻ hoặc lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng khoa học, gây hiểm nhầm, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Mời các bạn theo dõi cuộc trao đổi của chúng tôi.

“Không có bằng chứng khoa học về việc ăn 3 bữa một ngày tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe” - 1

Phóng viên: Vừa qua có một số thông tin đăng trên một tờ báo điện tử cho rằng thói quen ăn 3 bữa một ngày tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại tới sức khỏe, xin bà cho biết dưới góc độ là một chuyên gia dinh dưỡng, điều này có đúng không?

Ths.BS Lê Thị Hải: Ngày nay với sự phát triển như vũ bão của ngành công nghệ thông tin, chỉ cần vào “google” người ta có thể tìm thấy mọi thứ mình cần. Đặc biệt sự ra đời của hàng loạt các trang báo điện tử với rất nhiều các thông tin trái chiều nhau làm cho người đọc không biết tin vào cái gì? Cái gì là đúng cái gì là sai làm cho nhiều người hoang mang, nhất là những bạn đọc không có chuyên môn về y học, về dinh dưỡng.

Theo tôi những thông tin trên chỉ là ý kiến đơn lẻ của một người, không phải là ý kiến của một tổ chức quốc tế, cũng không có bằng chứng khoa học nào cụ thể chứng minh “việc ăn 3 bữa một ngày tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe”. Về mặt khoa học khi chúng ta ăn vào thức ăn lưu lại trong dạ dày muộn nhất là 8 giờ, thông thường chỉ khoảng 4 – 5 giờ là thức ăn đã được tiêu hóa hết ở dạ dày, vì vậy nếu để bữa ăn quá xa nhau thì lại bị đói quá, có khi hạ đường huyết rất nguy hiểm.

Việc ăn uống gây hại cho sức khỏe không phải là do số bữa ăn hàng ngày mà là ăn cái gì? Ăn bao nhiêu? Cách chế biến thế nào? Mặt khác việc tiêu hóa hấp thu của mỗi người khác nhau, nên số bữa ăn của mỗi người cũng khác nhau, số bữa ăn còn tùy thuộc vào tình trạng sinh lý, bệnh lý, tuổi tác , nghề nghiệp… Ví dụ trẻ em cần ăn nhiều bữa hơn người lớn, người bệnh bị tiểu đường cần ăn nhiều bữa, ăn ít một để tránh tăng đường huyết sau ăn, cũng như hạ đường huyết khi bữa ăn quá xa nhau…Cho nên với người khỏe mạnh bình thường theo tôi ăn 3 bữa 1 ngày là hợp lý không có gì ảnh hưởng đến sức khỏe cả.

“Không có bằng chứng khoa học về việc ăn 3 bữa một ngày tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe” - 2

Phóng viên: Thưa bà, bài báo đã trích dẫn một nghiên cứu từ Đại học Bath của Anh cho rằng, bỏ bữa và nhịn đói có thể có lợi cho sức khỏe, giúp giảm cân và củng cố hệ thống miễn dịch. Xin bà cho biết, cơ thể con người sẽ như thế nào nếu nhịn đói, hoặc không được cung cấp đủ năng lượng để hoạt động?

Ths.BS Lê Thị Hải: Một nghiên cứu khoa học chỉ thực sự có giá trị khi được thiết kế có nhóm nghiên cứu và nhóm chứng rõ ràng, với một cỡ mẫu đủ lớn và phải được thông qua một hội đồng khoa học trước khi làm nghiên cứu, và kết quả nghiên cứu đó cũng phải được hội đồng khoa học công nhận và phải được đăng tải trên những tờ báo khoa học quốc tế có uy tín, có tên tuổi , học hàm học vị, nơi làm việc của tác giả. Còn những nghiên cứu chỉ nói chung chung như từ đại học A, B ... nào đó từ nước nọ nước kia thì cũng không đáng tin cậy lắm. Chúng ta đều biết cái gì điều độ cũng đều tốt cho sức khỏe : ăn uống điều độ , làm việc điều độ, vui chơi điều độ … đều tốt cho sức khỏe cả.

Vấn đề nhịn đói và bỏ bữa có thể giúp cho những người bị thừa cân béo phì giảm được cân, đang bị béo mà giảm cân thì đương nhiên sức khỏe sẽ tốt hơn, sẽ cảm thấy sẽ khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên vấn đề nhịn đói để giảm cân cũng không phải là việc làm tốt vì cơ thể chúng ta luôn cần năng lượng để hoạt động, cần các chất dinh dưỡng nhất là chất đạm, các vitamin và khoáng chất ( vi chất dinh dưỡng) để tái tạo các mô trong cơ thể. Cho nên để giảm cân khi béo phì chỉ nên ăn giảm chất ngọt, chất béo (giảm năng lương), nhưng vẫn phải đầy đủ chất đạm, các vitamin và khoáng chất, và tốt nhất nên kết hợp giữa ăn uống và luyện tập thể dục thể thao, có như vậy thì mới có cơ thể cân đối khỏe mạnh và rắn chắc.

Nếu nhịn đói trước tiên có thể bị ngất xỉu do hạ đường huyết, cơ thể mệt mỏi không thể lao động và học tập được vì mọi hoạt động đều cần năng lượng, lúc đó cơ thể sẽ lấy năng lượng từ các mô mỡ, mô cơ, nhưng lấy từ mô cơ nhiều hơn, lúc đó cơ bắp sẽ bị nhẽo, bị teo đi cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi thậm chí đi không vững thì làm sao có thể hoạt động , làm việc được.

“Không có bằng chứng khoa học về việc ăn 3 bữa một ngày tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe” - 3

Phóng viên: Vậy theo khuyến cáo dinh dưỡng, một người bình thường nên ăn uống như thế nào để đảm bảo sức khoẻ, phòng chống bệnh tật?

Ths.BS Lê Thị Hải: Nhu cầu về năng lượng, các chất dinh dưỡng của mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào tuổi tác, nghề nghệp, cường độ lao động, giới tính, tình trạng sinh lý, bệnh lý, trọng lượng cơ thể …Nhưng nói chung với một người bình thường, khỏe mạnh đang ở tuổi lao động thì năng lượng cần khoảng : 2000 – 2200 Kcalo (đối với nữ), 2300 – 2700 Kcalo (đối với nam giới), nếu lao động nhẹ hơn cần năng lượng ít hơn, chất đạm cần khoảng 0,8 – 1g/kg/ngày, chất béo chỉ nên ăn 18 – 20% nhu cầu năng lượng, đặc biệt nên ăn nhiều rau xanh và quả chín tối thiểu nên ăn 300- 400g rau quả/ngày.

Nên ăn đa dạng thực phẩm để cung cấp đủ các loại chất dinh dưỡng. Nên ăn thức ăn thô, nguyên hạt như: gạo lức, đậu đỗ, rau quả tươi, hạn chế ăn thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhiều dầu mỡ, muối mặn, nhiều đường ngọt, uống đủ nước sạch hàng ngày ( 2 – 2,5 lít/ngày) không nên uống nước ngọt có ga, nước sản xuất công nghiệp, hạn chế rượu bia, không hút thuốc . Điều quan trọng là lựa chọn thực phẩm phẩm sạch an toàn, khi chế biến , bảo quản thực phẩm phải sạch an toàn. Ngoài ra để có sức khỏe tốt và phòng ngừa bệnh tật phải kết hợp giữa ăn uống và luyện tập thể dục thể thao đều đặn hàng ngày.

“Không có bằng chứng khoa học về việc ăn 3 bữa một ngày tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe” - 4

Phóng viên: Hiện nay vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm khiến cho nhiều người tiêu dùng lo lắng, họ không biết lựa chọn thực phẩm thế nào là sạch, và việc sơ chế thực phẩm cũng khiến nhiều người hoang mang. Hiện mỗi gia đình đều tự áp dụng những cách thức riêng để vệ sinh thực phẩm sau khi mua về như ngâm nước muối, rửa dưới vòi nước, hay ngâm nước pha dung dịch I ốt, theo bà chúng ta nên làm như thế nào để loại bỏ các hoá chất trên thực phẩm?

Ths.BS Lê Thị Hải: Đúng là hiện nay vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang khiến rất nhiều người lo lắng. Khi mua thực phẩm cũng không biết chọn thực phẩm nào là sạch, khi mà cả những siêu thị lớn, những cửa hàng bán thực phẩm sạch cũng vẫn có thực phẩm bẩn, cho nên chỉ còn cách khi mua về nhà trước khi chế biến chúng ta làm cho thực phẩm “ bớt bẩn” đi thôi. Theo tôi cách dễ làm và đơn giản nhất là rửa sạch thực phẩm dưới vòi nước chảy, rửa ít nhất là 3 lần, với rau ăn lá rửa nhẹ nhàng từng lá một, tránh làm dập nát, với quả chín và rau củ, quả thì cũng phải rửa sạch dưới vòi nước rồi mới gọt vỏ. Với các loại đậu đỗ, bầu ,bí, su su, su hào khi mua về rửa sạch, lau khô nước cho vào túi đựng thực phẩm để trong tủ lạnh 2 -3 ngày mới nên ăn rau củ vẫn tươi và thời gian đó cũng làm phân hủy bớt thuốc bảo vệ thực vật . Với thực phẩm như : thịt và cá có thể pha dung dịch dấm để rửa.

Phóng viên: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi.

Theo Hải Yến

Sức khoẻ & Đời sống