Khói từ điếu thuốc đang cháy "độc" hơn cả khói người hút hít vào

Hà An

(Dân trí) - Khói thuốc tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy độc hại hơn gấp 26 lần so với khói thuốc do người hút hít vào. Vì vậy, hút thuốc lá thụ động cũng có thể gây ung thư.

Theo TS.BS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), hút thuốc lá là nguyên nhân của 30% trong số các bệnh ung thư ở người, gồm ung thư phổi, thanh quản, thực quản, khoang miệng, bàng quang, tụy và ung thư dạ dày. Riêng với ung thư phổi, hút thuốc lá là nguyên nhân của trên 90% trường hợp mắc bệnh.  

Ngoài ra, cơ quan Nghiên cứu quốc tế về ung thư gần đây đã đưa ra một số bằng chứng cho thấy hút thuốc lá gây ra ung thư vú ở phụ nữ, và các bác sĩ phẫu thuật đã kết luận rằng hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. 

Khói từ điếu thuốc đang cháy độc hơn cả khói người hút hít vào - 1

Trong khói thuốc không chỉ có chất nicotine ảnh hưởng đến hệ tim mạch mà còn có trên 70 loại hóa chất độc hại khác nhau có thể gây ung thư. Đặc biệt, trong số này có tới 43 chất đã được chứng minh là gây bệnh ung thư như benzopyrene, nitrosamine, cadmium, niken, urethaan, toluidin. Đặc biệt chất 3-4 benzopyrene là chất gây ung thư rất rõ trong thực nghiệm.

Người hút thuốc có nguy cơ mắc và chết do ung thư phổi và thanh quản cao gấp 10 đến 30 lần so với người không tiếp xúc với khói thuốc. Hút thuốc ở người tuổi càng trẻ, thời gian hút càng dài, số lượng hút trong một ngày càng nhiều thì càng có nguy cơ cao. 

Hút thuốc thụ động cũng làm tăng nguy cơ ung thư

Trong khi đó, tiếp xúc lâu dài với khói thuốc bị động cũng làm tăng nguy cơ. Dòng khói từ đầu điếu thuốc lá đang cháy có chứa các chất gây ung thư còn nhiều hơn dòng khói chính do người hút hít vào trong phổi của mình.  

Khói từ điếu thuốc đang cháy độc hơn cả khói người hút hít vào - 2

Những người không hút thuốc nhưng sống cùng với người hút thuốc và hít phải khói thuốc lá thì cũng có nguy cơ mắc các loại bệnh liên quan đến hút thuốc như chính người hút nhất là phụ nữ và trẻ em. Đây được gọi là hút thuốc lá thụ động. 

Vì vậy, có những bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư phổi nhưng họ không hút thuốc, mà có thể họ đã tiếp xúc với một số lượng đáng kể khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động, hít phải khói thuốc lá trong thời gian dài). Tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Phổi Trung ương, trung bình 130 trường hợp điều trị nội trú thì khoảng 20 - 25% là do hút thuốc thụ động, một con số không hề nhỏ. Phần lớn vào viện khi tình trạng đã muộn.

Mỗi năm, khói thuốc gián tiếp gây ra khoảng 7.000 ca tử vong do ung thư phổi ở những người không hút thuốc. Tiếp xúc với khói thuốc gián tiếp làm tăng nguy cơ bệnh phổi, bao gồm ung thư phổi, bệnh mạch vành và đau tim.

Người đang hút thuốc mà bỏ thì nguy cơ gây bệnh sẽ giảm dần theo thời gian. Sau 5 năm ngừng hút, nguy cơ bị ung thư phổi giảm 50%, sau 10 năm ngừng thì nguy cơ còn không đáng kể, gần như bằng với người không hút.

Vì vậy, bỏ thuốc lá không những tốt cho sức khỏe của chính người hút mà còn là biện pháp hữu hiệu bảo vệ người thân, gia đình và cộng đồng. Nếu tất cả người lớn ngừng hút thuốc và trẻ em không sử dụng thuốc lá, khoảng một phần ba số ca tử vong do ung thư có thể được ngăn ngừa, tiết kiệm hàng tỷ đôla và hàng triệu người trong gia đình và bạn bè sẽ tránh được bệnh tật và tử vong.