1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Khói thuốc và ô nhiễm môi trường làm gia tăng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

(Dân trí) - Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là 4,1% ở người trên 40 tuổi và bệnh có xu hướng tiếp tục tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường gia tăng.

Sáng 16/12, tại lễ mittinh “Ngày hội truyền thông tăng cường nhận thức về phòng, chống Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới.

Khói thuốc và ô nhiễm môi trường làm gia tăng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính - Ảnh 1.

Căn bệnh này gây ra hơn 3 triệu người chết trong năm 2012, tương đương với 6% của tất cả các trường hợp tử vong trên toàn cầu. Hơn 90% các ca tử vong xảy ra do COPD là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Theo dự đoán của WHO số người mắcCOPD sẽ tăng 3-4 lần trong thập kỷ này và dự đoán đến năm 2020 COPD sẽ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3.

Tại Việt Nam, theo những kết quả trong nghiên cứu dịch tễ học tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là 4,1% ở người trên 40 tuổi và có xu hướng tiếp tục tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường gia tăng.

Tại lễ mittinh, nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng phòng chống căn bệnh nguy hiểm này, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng bà Nguyễn Thúy Anh – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, lãnh đạo Bảo hiểm Y tế Việt Nam, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam... cùng nhiều đại biểu đã đạp xe, tuyên truyền, kêu gọi ý thức của cộng đồng phòng chống căn bệnh này.

Khói thuốc và ô nhiễm môi trường làm gia tăng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính - Ảnh 2.

COPD và hen phế quản đều là những bệnh lý mãn tính nhưng được kiểm soát tốt nếu phát hiện sớm, điều trị đúng cách. Vì thế, Bộ trưởng Y tế kêu gọi người bệnh tuân thủ điều trị, tránh xa các yếu tố tác nhân gây bệnh (khói thuốc chủ động, thụ động, khói bếp than...)

Bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao sức khỏe chú trọng vào tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân biết cách phát hiện sớm bệnh, tuân thủ điều trị tại nhà khi mắc bệnh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao sức khỏe tại cộng đồng như: câu lạc bộ người bệnh không lây nhiễm, trường học nâng cao sức khỏe, nơi làm việc nâng cao sức khỏe, thành phố sức khỏe.

“Có như vậy, chúng ta mới có thể đạt mục tiêu đến năm 2025 là giảm 30% số người hút thuốc, giảm 10% số người uống rượu bia ở mức có hại, giảm 10% số người thiếu hoạt động thể lực, kiểm soát thừa cân béo phì xuống dưới 15%, kiểm soát tăng cholesterol dưới 35%, kiểm soát gia tăng huyết áp dưới 30% … như đã đề ra trong Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Hồng Hải