Khỏi bệnh thận nhờ... hip-hop

Hơn 20 năm gắn bó với hip-hop đã đưa Nguyễn Viết Thành, sinh năm 1974, trưởng nhóm nhảy Big Toe thành vũ công đầu tiên của Việt Nam được mời làm trọng tài tại cuộc thi hip-hop thế giới tổ chức ở Canada tháng 7/2012.

Hip-hop đã mang đến cho Nguyễn Viết Thành hào quang, đưa nhóm Big Toe trở thành nhóm nhảy Việt có nhiều thành tích nhất. Và cũng nhờ bộ môn nghệ thuật đường phố này, anh mới thoát được căn bệnh thập tử nhất sinh.

 

Phép mầu đến từ… trồng chuối

 

Viết Thành trên sân khấu. Ảnh: Đông Tây
Viết Thành trên sân khấu. Ảnh: Đông Tây

 

Năm 1978, ba mẹ Viết Thành đớn đau khi nghe bác sĩ thông báo con trai mình mắc phải bệnh thận hư nhiễm mỡ, một dạng bệnh mất chất đạm qua đường tiểu. Nằm viện hơn một năm, bác sĩ nói “bó tay” và trả Thành về nhà. Thành trở nên buồn rầu, ít nói, luôn tách biệt trong thế giới riêng. Thời gian đó, ba mẹ Thành quyết định sinh thêm hai đứa con vì nghĩ Thành không qua khỏi.

 

Tia hy vọng mong manh chợt đến khi một bác sĩ ở Đức cho biết bệnh này cầm cự được qua 18 tuổi thì khả năng sống rất cao, bù lại Thành phải chịu khó tập luyện thể thao nhẹ.

 

Từ giường bệnh, khát khao được sống và đến trường, vui với bạn bè đã khiến Thành ngồi dậy, tập đi bộ đều đặn mỗi ngày. Từ đi bộ nhanh, chuyển sang tập chạy chậm và rồi năm lớp 12, Viết Thành đã có thể chạy được ba vòng hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).

 

Tốt nghiệp cấp 3, lần đầu tiên Thành tiếp xúc với hip-hop khi xem một kênh truyền hình của Nga, thế là Thành bắt đầu tự tập các động tác cơ bản qua các băng đĩa hiếm hoi từ nước ngoài mang về. Sáng mở mắt, vừa chạm chân xuống đất, Thành đã nhảy. Anh nhảy mọi lúc, mọi nơi bất cứ khi nào rảnh. Kể cả khi đến trường, tranh thủ năm, mười phút giải lao, anh lại bật nhạc nhảy, nhiều bạn học thấy vui cũng bắt chước.

 

Khi tập trung vào những điệu nhảy, Thành không còn nghĩ gì đến bệnh tật nữa. 19 tuổi, quay trở lại bệnh viện, bác sĩ cho biết ở anh hoàn toàn không còn dấu hiệu của bệnh thận hư nhiễm mỡ. “Hip-hop với tôi như một phép mầu. Khi nhảy, tôi thấy khoẻ. Tôi có thể nhảy cả ngày mà không biết mệt. Từ những động tác nhẹ như lắc đầu, vặn vẹo đến khó hơn như trồng chuối, tất cả đều khiến cơ thể luân chuyển và đầu óc thông thoáng. Vì lẽ đó mà tôi khỏi bệnh chăng!”, Viết Thành chia sẻ.

 

Thấy con khỏi bệnh, vui sống, ba mẹ Thành không ngăn cản anh chơi hip-hop dù thời điểm đó, nhiều gia đình Việt Nam vẫn cho rằng bộ môn này chỉ phù hợp với trẻ đường phố, bụi đời. “Ba mẹ thấy tôi gia nhập Big Toe, đi diễn và có bạn bè khắp nơi nên mừng lắm. Ba mẹ bắt đầu lắp sàn tập cho tôi. Cuộc đời đã không còn đen tối nữa”, Thành kể.

 

Lành chân cũng nhờ hip-hop

 

Một lần tập trên mặt cỏ, do không kiểm tra kỹ nên khi làm động tác lộn xoay vòng và tiếp đất, chân Thành lọt vào hố, trong khi người theo đà lao về phía trước. “Gãy cổ chân. Bác sĩ lạnh lùng nói bị như thế đi... chấm phẩy thì may ra chứ đừng mơ màng đến chuyện nhảy nhót trở lại!”, Viết Thành kể lại tai nạn năm 1998.

 

Vậy mà trong thời gian chờ chân bình phục, Thành bắt đầu tập nhảy bằng tay. Chính nhờ vậy, Thành Big Toe là một trong những vũ công có trình độ biểu diễn bằng tay rất dẻo dai. Anh cũng chính là người khởi xướng phong trào nhảy tay ở Việt Nam.

 

Ý chí đã khiến Thành thoát chết từ căn bệnh thận hư nhiễm mỡ cũng là phương thuốc giúp anh tập luyện để chân hoạt động trở lại bình thường. Hơn một năm sau đó, anh hồi phục toàn diện và bắt đầu toả sáng trong bộ môn hip-hop cùng với vũ đoàn Big Toe của mình, dần chinh phục các giải đấu trong nước và từ từ vươn ra quốc tế.

 

“Khi đeo đuổi con đường hip-hop, tôi đã vượt qua rất nhiều định kiến xã hội. Cũng cô đơn lắm khi bạn bè nhiều lúc vì gia đình, vợ con, vì cái nhìn của mọi người đã đổi nghề hết. Nhưng nghĩ kỹ lại, mình sống thì buộc phải chọn lựa đâu là lý tưởng, là hạnh phúc của mình. Hip-hop đã cứu tôi khỏi bàn tay thần chết, đã giúp tôi được mọi người biết đến, đã giúp tôi sống, thì không bao giờ tôi từ bỏ hay phản bội lại nó”, Viết Thành nói.

 

Chia tay vợ vì hiếm ai chịu được một người đang đêm bật dậy, đứng trước gương luyện tập khi chợt nghĩ ra một ý tưởng nào đó, Viết Thành giờ đây tìm được sự đồng cảm mới nơi người bạn gái cũng là người cùng nghề, người không khó chịu vì anh lúc nào cũng trong bộ dạng của một thanh niên đường phố vênh vênh chiếc nón trên đầu bất kể sáng khuya!

 

Theo Trâm Anh

Sài Gòn tiếp thị