DMagazine

Khỏe hô hấp, an tâm thích ứng với Covid-19

(Dân trí) - Hệ hô hấp khỏe mạnh không những giúp cơ thể tăng khả năng chống chọi trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2 mà còn giảm rủi ro mắc di chứng hậu Covid-19 nếu lây nhiễm, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam từng bước "bình thường hóa" Covid-19.

Hệ hô hấp khỏe mạnh không những giúp cơ thể tăng khả năng chống chọi trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2 mà còn giảm rủi ro mắc di chứng hậu Covid-19 nếu lây nhiễm, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam từng bước "bình thường hóa" Covid-19.

Khỏe hô hấp, an tâm thích ứng với Covid-19 - 1
Khỏe hô hấp, an tâm thích ứng với Covid-19 - 3

Khỏi Covid-19 gần cả tháng, nhưng triệu chứng ho của anh Thanh Minh (40 tuổi, quận 7 - TPHCM) vẫn chưa thuyên giảm. Anh không ho sặc sụa, mà cứ chốc chốc lại húng hắng vài tiếng. Khó chịu nhất là cổ họng lúc nào cũng có cảm giác ngứa khiến anh phải hắng giọng hoặc ho, tình hình thường nghiêm trọng hơn khi ở trong phòng máy lạnh hoặc lúc ngủ. Điều này kéo dài khiến anh có cảm giác ngại với đồng nghiệp và thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm, khó ngủ lại. Nhiều lần anh nghi ngờ bản thân tái nhiễm, nhưng test nhanh để kiểm tra đều cho kết quả âm tính.

Những dấu hiệu hậu Covid-19 xuất hiện sớm và rõ ràng hơn ở bé Nhím (Thủ Đức - TPHCM). Chị Hằng - mẹ bé cho biết, 2 tuần sau khi âm tính, bé bắt đầu thở khò khè, ho có đờm. Đêm đang ngủ, bé khóc ré vì đờm đặc cổ họng, không thở được. Đến nửa đêm, bé bắt đầu sốt và thở rút lõm ngực với tần suất gấp đôi trẻ bình thường, đến 70-80 lần/phút. Sáng sớm hôm sau, chị Hằng ôm con vào bệnh viện mà đến nơi con đã tím tái, khó thở. Bác sĩ cho biết, bé bị viêm phổi hậu Covid-19, phải uống kháng sinh kèm xông khí dung 4-5 lần/ngày để giãn đường thở.

"Tôi rất lo lắng bệnh thành mãn tính hoặc chuyển thành hen suyễn. Tôi không ngờ những di chứng hậu Covid-19 nặng nề đến thế. Phải chi tôi biết cách chăm sóc hệ hô hấp cho con từ sớm thì có thể đã giúp bé giảm những rủi ro này", bà mẹ một con chia sẻ.

Khỏe hô hấp, an tâm thích ứng với Covid-19 - 4

Chị Nguyễn Bình (quận 5, TPHCM) thì cố gắng hết sức để giữ cho con mình "bất tử" - cách gọi dí dỏm về những trường hợp chưa nhiễm Covid-19 ở giai đoạn hiện nay. Bà mẹ này cho biết, không sợ con bị F0 mà lo lắng trước nguy cơ mắc hội chứng Covid-19 kéo dài. Nỗi lo của bà mẹ này xuất phát từ việc chứng kiến nhiều trường hợp người quen, bạn bè bị viêm phổi, ho kéo dài, khó thở… hậu Covid-19. Đến nay, chị vẫn chưa cho con quay lại trường mà nhờ ông bà trông giúp. Người lớn ra ngoài về phải xịt khử khuẩn và tắm rửa sạch sẽ mới được đến gần bé. Chị cũng hạn chế cho con ra ngoài, trừ trường hợp thật sự cần thiết như tiêm ngừa định kỳ hoặc khám chữa bệnh.

Khỏe hô hấp, an tâm thích ứng với Covid-19 - 5

Sự lo lắng của anh Minh, chị Hằng hay chị Bình cũng là tâm trạng mà rất nhiều người dân bày tỏ trong giai đoạn từng bước tiến tới xem Covid-19 như bệnh đặc hữu. Theo thông báo số 73/TB-VPCP, kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến lần thứ 13 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, dịch Covid-19 trong những tuần vừa qua có tăng cao trên diện rộng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát trên phạm vi cả nước.

"Trong thời gian tới, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo; thuận lợi, thời cơ ít hơn khó khăn và thách thức, đòi hỏi các ngành, các cấp tiếp tục đề cao cảnh giác tuyệt đối không lơ là, chủ quan; phải luôn bám sát tình hình, thực tiễn để chủ động có biện pháp phù hợp phòng, chống dịch bảo đảm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19" theo đúng tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, từng bước "bình thường hóa" với dịch bệnh Covid-19", trích thông báo số 73.

Khỏe hô hấp, an tâm thích ứng với Covid-19 - 7
Khỏe hô hấp, an tâm thích ứng với Covid-19 - 9

Hiện nay tuy số ca nhiễm trong cộng đồng vẫn còn nhiều nhưng tỷ lệ chuyển nặng đã giảm thấp. Đa phần người bệnh chỉ có các triệu chứng nhẹ như cảm cúm thông thường nên người dân không còn quá lo lắng về Covid-19 như giai đoạn đỉnh dịch, chưa được phủ vaccine. Dù vậy, nỗi lo Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm, người dân đã nhiễm canh cánh nỗi lo hậu Covid-19, người chưa nhiễm càng muốn cẩn trọng để hạn chế nguy cơ mắc bệnh và quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe hô hấp.

Khỏe hô hấp, an tâm thích ứng với Covid-19 - 11

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa, hậu Covid-19 hay hội chứng mắc Covid-19 kéo dài xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm bệnh, thường là 3 tháng kể từ khi bắt đầu mắc Covid-19 với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế. Ước tính có khoảng 80% các bệnh nhân bị mắc Covid-19 có ít nhất một triệu chứng tồn tại lâu dài sau khi hết giai đoạn Covid-19 cấp tính. Phổ biến là di chứng ở cơ quan hô hấp, chiếm khoảng 30-40% tổng số biểu hiện hậu Covid-19.

Theo BS.CK1. Huỳnh Thị Thùy Trang, Trưởng phân khoa Nội Hô hấp tại Phòng Khám Jio Health, hệ hô hấp được chia thành 2 phần: hô hấp trên gồm mũi, hầu, họng, xoang, thanh quản có nhiệm vụ lấy không khí bên ngoài cơ thể, làm ẩm, sưởi ấm và lọc không khí trước khi đưa vào phổi; hô hấp dưới gồm khí quản, cây phế quản, phế nang, màng phổi, phổi… thực hiện lọc không khí và trao đổi khí.

Trong đó, hầu họng là cửa ngõ quan trọng bảo vệ các tác nhân từ bên ngoài vào cơ thể, khi các bộ phận này bị viêm sẽ lây lan xuống thanh quản, phế quản… Khi tấn công vào cơ thể, đầu tiên virus SARS-CoV-2 sẽ khu trú ở niêm mạc mũi, miệng, sinh sôi ở đường hô hấp trên. Việc giảm tải lượng virus trong giai đoạn này đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chúng xâm nhập sâu hơn vào cơ thể, hỗ trợ phòng lây nhiễm, chống virus phát tán mạnh hơn.

Khỏe hô hấp, an tâm thích ứng với Covid-19 - 12

Ngược lại, nếu hầu họng bị viêm thì giai đoạn 2 sẽ là virus ủ bệnh rồi di chuyển xuống đường hô hấp dưới tấn công tế bào phổi, chủ yếu là lớp tế bào bảo vệ lông mao, sau đó làm bong tróc lớp bảo vệ này. Khi mất đi lớp bảo vệ, đường hô hấp sẽ bị chất bẩn, dịch lỏng và virus tràn ngập. Nếu hệ miễn dịch bệnh nhân đủ khỏe, sẽ hồi phục. Khi sang giai đoạn 3, tổn thương phổi nặng sẽ tiếp tục lan rộng dẫn tới suy hô hấp cấp tính (thở nhanh, khó thở, tím tái…). Với một số trường hợp bệnh nhân hồi phục sau đó, phổi có thể sẽ mang những tổn thương nặng và khó phục hồi khỏe mạnh như trước.

Khỏe hô hấp, an tâm thích ứng với Covid-19 - 14

"Những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra hậu Covid-19 như viêm phổi do virus SARS-CoV-2 tấn công vào phổi của người bệnh, làm tổn thương phổi và sau khi khỏi người bệnh có thể dễ bị viêm phổi. Đây là lý do nhiều người khỏi bệnh nhưng vẫn còn ho không dứt, kéo dài dai dẳng trong 2 - 3 tháng. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, người bệnh cần phải được nhập viện để điều trị viêm phổi. Hay di chứng hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS) hậu Covid-19 do tổn thương phế nang lan tỏa, di chứng xơ phổi hậu Covid-19", bác sĩ Trang chia sẻ.

Khỏe hô hấp, an tâm thích ứng với Covid-19 - 15

"F0 sau khi khỏi bệnh có thể gặp phải các di chứng hậu Covid-19 với nhiều tác động xấu đến sức khỏe. Người bệnh cũng phải tốn thời gian cách ly điều trị, làm gián đoạn công việc. Chưa kể, dù đã tiêm vaccine, không lớn tuổi, không bệnh nền thì vẫn có thể mắc bệnh và khó tránh khỏi hoàn toàn nguy cơ mắc bệnh nặng. Ngoài ra, F0 còn có khả năng lây lan, làm xáo trộn cuộc sống người khác. Cứ mỗi lần mắc bệnh thì virus sẽ nhân bản lên, nhiều khả năng gây biến chủng mới. Với tâm lý lơ là cảnh giác và làm cho tỷ lệ lây nhiễm cao thì biến chủng mới sẽ càng có cơ hội nhiều lên nữa", bác sĩ cảnh báo.

Khỏe hô hấp, an tâm thích ứng với Covid-19 - 17

Trong bối cảnh "bình thường hóa" Covid-19, bác sĩ Trang khuyến cáo, mỗi người dân nên chủ động tăng cường sức đề kháng và bảo vệ hệ hô hấp của mình. Bên cạnh các biện pháp phòng chống lây nhiễm Covid-19 như tiêm vaccine Covid - 19, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước, che miệng và mũi bằng khẩu trang khi ở gần người khác, hạn chế tụ tập đông người… mọi người cần lưu ý các vấn đề dưới đây để tăng cường bảo vệ hệ hô hấp trong giai đoạn mới:

  • Tránh xa các tác nhân gây hại như khói thuốc, rượu bia và các chất độc hại: Trong khói thuốc, đã tìm thấy 7.000 hóa chất độc hại gây bệnh cho đường hô hấp và cơ thể. Các sản phẩm khác như thuốc phiện, rượu bia, chất độc hại… cũng tác động không nhỏ lên hệ hô hấp.
  • Đeo khẩu trang: Trong không khí có rất nhiều tạp chất như khói bụi, vì vậy việc đeo khẩu trang không những bảo vệ đường hô hấp tránh được các tác nhân đó, mà còn giúp phòng chống được các bệnh do vi khuẩn, virus...
  • Tập thể dục: Đi bộ, chạy, tập yoga kết hợp các động tác hít thở sâu nhằm tống hết các khí tồn dư trong 2 lá phổi. Các bài tập thở như thở chúm môi, thở cơ hoành rất tốt cho hô hấp.
  • Giữ ấm và chăm sóc các cơ hô hấp: Có nhiều cơ tham gia vào quá trình hít thở của chúng ta, gồm: cơ liên sườn, cơ hoành, cơ vùng bụng. Việc chăm sóc và rèn luyện các cơ này vô cùng quan trọng, đảm bảo cho quá trình hít thở một cách tự động, đều đặn, bình thường và không mệt mỏi. Giữ ấm lồng ngực, hơi thở, tránh các luồng không khí lạnh, khô.
  • Chế độ ăn lành mạnh, giàu chất chống oxy hóa: Chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng cũng giúp tăng cường sức khỏe cho hệ hô hấp nói riêng và toàn bộ cơ thể nói chung. Đồng thời, chúng ta cần tăng cường các loại thực phẩm tốt cho phổi: rau họ cải như bông cải xanh, súp lơ, bắp cải...; thực phẩm chứa carotene; thực phẩm chứa axit béo Omega-3 như cá hồi, cá thu, cá ngừ, hạt óc chó, hạnh nhân...; thực phẩm chứa folate (vitamin B9) như rau chân vịt, măng tây, củ cải và đậu lăng.....
Khỏe hô hấp, an tâm thích ứng với Covid-19 - 19
  • Tham khảo bác sĩ sử dụng các sản phẩm tốt cho phổi: Một số sản phẩm có chứa xuyên tâm liên, rễ cây hoàng kỳ, lá nhót tây, cỏ xạ hương… có thể giúp tăng cường sức khỏe hô hấp.

Trong đó, xuyên tâm liên là vị thuốc thanh nhiệt, giải độc thường dùng trong y học cổ truyền. Xuyên tâm liên có tác dụng kháng vi khuẩn, virus và chống viêm. Dược liệu này được dùng để hỗ trợ giảm đau họng, cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp.

Rễ cây hoàng kỳ có vị ngọt, tính ôn và rễ phơi khô có tác dụng bổ khí. Từ xưa dân gian đã dùng rễ hoàng kỳ chữa các bệnh cảm cúm thông thường. Thảo dược này còn có công dụng tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ hệ miễn dịch.

Lá nhót tây hay "tỳ bà diệp", theo y học cổ truyền, có vị đắng, tính hơi hàn nên có thể trừ nhiệt, làm mát phổi, giảm ho do phổi nhiệt, hỗ trợ các chứng cảm sốt, ho khan.

Cỏ xạ hương (thyme) là loài thực vật trong họ hoa môi, chứa tinh dầu thơm và chất flavonoid chống oxy hóa, tăng cường khả năng miễn nhiễm của đường hô hấp đối với virus hay vi khuẩn. Cỏ xạ hương giúp giảm ho, giảm khó thở, chống co thắt phế quản, làm dịu sự đau rát họng. Y học sử dụng cỏ xạ hương để trị liệu ho, cảm lạnh, cúm, viêm phế quản, hen phế quản.

"Các loại thảo dược đều có tác dụng chữa bệnh nhưng đồng thời cũng có những chống chỉ định, tác dụng phụ, nên khi dùng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ", bác sĩ Trang nhấn mạnh.

  • Uống nhiều nước: Nước có thể làm loãng các dịch nhầy, đàm trong phổi hay đường thở, giúp việc "tống khứ" các chất này ra ngoài dễ dàng hơn và đường thở sẽ trở nên thông thoáng hơn. Mỗi người cần uống đủ lượng nước theo thể trạng của mình.
Khỏe hô hấp, an tâm thích ứng với Covid-19 - 21
  • Phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp: Cách đơn giản và hiệu quả nhất là súc họng và rửa tay đúng cách. Ngoài ra, mọi người có thể sử dụng các sản phẩm xịt họng có chiết xuất từ thiên nhiên. Hiện nay, trên thị trường có sản phẩm xịt họng kháng khuẩn có nguồn gốc từ keo ong, tinh dầu bạc hà, mật ong... thường chứa các kháng sinh tự nhiên giúp giảm sự phát triển của vi khuẩn. Keo ong (Propolis) là một hỗn hợp gồm nhựa từ các chồi cây, hoa được ong mật thu thập, kết hợp với nước bọt của ong mà thành. Đây được coi là "liều thuốc kháng sinh tự nhiên hoàn hảo nhất", có hoạt tính kháng virus, kháng khuẩn, kháng nấm, chống oxy hóa, chống viêm và có thể thúc đẩy hệ thống miễn dịch.
Khỏe hô hấp, an tâm thích ứng với Covid-19 - 22
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Để có thể phát hiện sớm các bệnh lý về đường hô hấp cũng như các bệnh lý ở cơ quan khác.

Một hệ hô hấp khỏe không chỉ giúp cơ thể tăng cường khả năng chống chọi với dịch Covid-19 mà còn giảm những rủi ro gặp di chứng hậu Covid-19. Điều đó có nghĩa, việc "gia cố" cho hệ hô hấp là cần thiết với cả người chưa nhiễm, đang nhiễm và từng nhiễm Covid-19.

Khỏe hô hấp, an tâm thích ứng với Covid-19 - 23

Nội dung: Trường Thịnh

Thiết kế: Thủy Tiên