Khóc không tốt cho não trẻ nhỏ?

(Dân trí) - Một thông tin gây sốc được khẳng định bởi chuyên gia nhi khoa Anh đang làm dấy lên cuộc tranh luận về những ảnh hưởng khi trẻ khóc.

 

Khóc không tốt cho não trẻ nhỏ? - 1


 

BS Penelope Leach tin rằng những trẻ mà thường bị bỏ mặc khi khóc có nguy cơ gặp nhiều vấn đề về phát triển sau này hơn. Bà khẳng định rằng nghiên cứu mới nhất đã chứng minh rằng khóc trong một thời gian dài có thể làm tổn thương sự phát triển não bộ, dẫn đến học hỏi khó khăn sau này.

 

BS Leach, tác giả cuốn sách Trẻ em: từ lúc chào đời đến 5 tuổi, cho biết: “Đây không phải là một học thuyết nhưng có một thực tế là có những tổn thương tiềm tàng nếu bỏ mặc trẻ khóc. Hiện chúng tôi đã biết đó là gì và tại sao có nguy cơ đó?”.

 

Quan điểm của BS Leach đối lập với quan niệm phổ biến là có thể để trẻ khóc thoải mái trong vòng 20 phút. Chẳng hạn như chuyên gia nổi tiếng Gina Ford, tác giả cuốn The Contented Little Baby, khuyên các bậc cha mẹ nên để trẻ khóc cho đến khi cảm giác buồn ngủ xuất hiện trong việc tạo nếp ngủ đúng giờ và ngủ riêng cho trẻ.

 

Nhưng BS Leach cho rằng trẻ nhỏ chưa phát triển đầy đủ về tinh thần để “học” cách tự ngủ đúng giờ. Bà cho rằng: “Một đứa trẻ bị bỏ mặc khi khóc sẽ tự ngừng khóc sau một thời gian đủ dài nhưng không phải vì bé học được rằng ngủ riêng là hạnh phúc mà vì bé đã mệt lử và tuyệt vọng vì không được giúp đỡ”.

 

BS Leach nói rằng việc khóc lâu sẽ làm gia tăng lượng hormone stress cortisol. Khóc lâu có thể khiến lượng hormone stress tiết ra nhiều đến mức gây tổn thương não bộ trẻ.

 

“Điều đó không có nghĩa rằng một đứa trẻ không nên khóc hay cha mẹ nên lo lắng khi thấy con khóc. Tất cả mọi đứa trẻ đều khóc, một số thậm chí còn khóc nhiều hơn những trẻ khác. Biểu hiện khóc lóc không phải là xấu đối với mọi trẻ em mà là thái độ không đáp ứng khi trẻ khóc”, BS Leach nhấn mạnh.

 

Những lời khuyên của BS Leach được đăng tải trên tờ The Independent, xung đột với nghiên cứu được đăng tải tháng trước trên tạp chí Viện Nghiên cứu trẻ em Murdoch (Australia). Theo đó, sau khi nghiên cứu 225 trẻ 6 tuần tuổi, những trẻ được can thiệp về thói quen ngủ, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy “khóc có kiểm soát” hay để trẻ khóc trong 1 khoảng thời gian mở - không gây những ảnh hưởng tiêu cực đối với cảm xúc hay sự phát triển hành vi ở trẻ. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hơn 50% bậc cha mẹ gặp rắc rối với chuyện ngủ của con, thường trục trặc trong quan hệ vợ chồng.

 

Nhân Hà

Theo Dailymail