1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Khoa U gan Chợ Rẫy đơn vị đi đầu trong điều trị ung thư

(Dân trí) - (Dân trí) – Khoa U gan, bệnh viện Chợ Rẫy là trung tâm duy nhất trên cả nước điều trị toàn diện cho bệnh nhân ung thư gan bằng các phương pháp hiện đại. Sự nỗ lực của y bác sĩ đang mang lại kết quả khả quan trong cuộc chiến với căn bệnh “giết người thầm lặng”.

Ung thư gan là từ thường dùng để chỉ ung thư biểu mô tế bào gan (Hepatocellular Carcinoma – HCC). Nguyên nhân dẫn đến ung thư gan chủ yếu liên quan đến nhiễm virus viêm gan B (HBV) và virus viêm gan C (HCV). Ngoài ra, còn có một số yếu tố nguy cơ khác nữa nhưng tỉ lệ rất thấp. Nếu như ở Mỹ, Nhật, châu Âu và các nước phát triển, ung thư gan đa phần liên quan đến HCV thì phần còn lại của thế giới chủ yếu liên quan đến HBV.

BS Nguyễn Đình Song Huy, Trưởng khoa U gan, bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, Việt Nam đang nằm trong vùng dịch tễ của nhiễm HBV với t lệ nhiễm cao, kéo theo tỷ lệ mắc ung thư gan cũng cao. Thống kê, tại khoa thời gian từ 2010 đến 2014 có tới 15.371 bệnh nhân ung thư gan mới được phát hiện, số người mắc bệnh ngày càng gia tăng. Nếu năm 2010 chỉ ghi nhận 2.595 bệnh nhân thì đến năm 2014 số bệnh nhân mới được phát hiện tăng lên 3.543 trường hợp.

HBV lây truyền theo đường máu, qua quan hệ tình dục và từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai. Người nhiễm bệnh nếu không được điều trị trong vòng 10 đến 15 năm, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn ung thư. Điều rất nguy hiểm là hầu như tất cả các trường hợp ung thư gan đều không có biểu hiện ra ngoài rõ ràng, đến khi có triệu chứng rõ thì bệnh đã tiến triển xa, không còn khả năng điều trị. Tại khoa U gan, bệnh viện Chợ Rẫy trong thời gian 2010 đến 2014 tới 43% bệnh nhân vừa được phát hiện ung thư gan đã trong giai đoạn muộn.

Một nam bệnh nhân đang được điều trị tại khoa U gan, bệnh viện Chợ Rẫy
Một nam bệnh nhân đang được điều trị tại khoa U gan, bệnh viện Chợ Rẫy

Theo BS Song Huy, để chủ động phòng bệnh, người dân nên tiêm vắc xin phòng HBV nếu đi xét nghiệm cho thấy chưa nhiễm HBV. Tuy nhiên, tiêm ngừa HBV chỉ làm giảm bớt một yếu tố nguy cơ của ung thư gan, vì vẫn còn các yếu tố khác như nhiễm HCV (hiện chưa có vắc xin ngừa) hoặc xơ gan (thường liên quan đến ăn uống, thực phẩm, rượu bia)... Để phát hiện bệnh sớm giúp điều trị hiệu quả, người dân cần phải tầm soát định kỳ ung thư gan trên các đối tượng có yếu tố nguy cơ (nhiễm HBV, HCV, xơ gan) 6 tháng một lần.

Được biết, trước năm 2005, bệnh nhân u gan đến khám tại bệnh viện Chợ Rẫy bị phân tán nhiều khoa như khoa Nội Tiêu hóa, khoa Ngoại Gan Mật Tụy, khoa Điều trị Viêm gan, v.v…, Mỗi khoa điều trị theo phương hướng riêng, việc hội chẩn chỉ được tiến hành riêng lẻ và thường không có bác sĩ Ngoại khoa tham gia. Do đó, bệnh nhân không được tiếp nhận phương án điều trị tối ưu cũng như ít được tư vấn đầy đủ về tình trạng bệnh của mình, đồng thời việc nghiên cứu và giảng dạy về u gan cũng bị phân tán, thiếu chiều sâu và thiếu sự nhất quán.

Từ năm 2005, nhận thấy số lượng bệnh nhân u gan ngày càng tăng cao trong khi việc chẩn đoán và điều trị chưa tương xứng, ban Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy đã quyết định tập trung bệnh nhân u gan về một mối, thành lập Đơn vị U gan ngày 14/02/2005, đến năm 2006 thì nâng lên thành khoa U gan. Từ năm 2010, khi thành lập Trung tâm Ung Bướu bệnh viện Chợ Rẫy, khoa U gan chuyển về trực thuộc Trung tâm.

Hiện, khoa đang thực hiện các chức năng: Chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân u gan (chủ yếu là ung thư gan) của toàn bộ khu vực miền Nam và miền Trung; Theo dõi định kỳ và đánh giá kết quả điều trị, làm cơ sở xây dựng và phát triển phác đồ chẩn đoán và điều trị u gan tại Việt Nam; Chỉ đạo và hỗ trợ tuyến trước trong chẩn đoán và điều trị u gan; Giảng dạy sinh viên, học viên sau đại học của Đại học Y Dược, TPHCM đến thực tập tại bệnh viện Chợ Rẫy; Thực hiện nghiên cứu khoa học (tại bệnh viện và hợp tác quốc tế) đồng thời phổ biến kiến thức về phát hiện và phòng chống ung thư gan nguyên phát cho nhân dân các tỉnh phía Nam.

Đến nay, khoa U gan, bệnh viện Chợ Rẫy đã áp dụng nhiều phương pháp hiện đại trong điều trị ung thư gan như: Phẫu thuật cắt gan; thủ thuật phá hủy khối u gan bằng sóng cao tần (RFA) và vi sóng (MWA, lần đầu tiên tại Việt Nam); nút mạch hóa chất (TACE). Số lượng bệnh nhân được điều trị tại khoa cao nhất trong cả nước. Cụ thể năm 2014, khoa đã thực hiện 598 lượt phẫu thuật cắt gan cho 575 bệnh nhân, 1.226 lượt RFA cho 1.048 bệnh nhân, 553 lượt MWA cho 490 bệnh nhân, 2.931 lượt TACE cho 1.723 bệnh nhân, ... Hiệu quả điều trị rất khả quan, t lệ sống trên 3 năm ở bệnh nhân được điều trị hơn 70%. Khoa đã soạn thảo phác đồ điều trị ung thư gan tại Việt Nam, được Bộ Y tế công nhận và ban hành áp dụng trong cả nước từ năm 2012.

BS Song Huy khẳng định, ngoài các phương pháp điều trị đã nêu, bệnh ung thư gan hiện chưa tìm ra được một hóa chất nào chứng minh có thể điều trị lui bệnh. Các phác đồ điều trị ung thư gan trên thế giới cho đến nay vẫn không đặt vấn đề sử dụng hóa chất trong điều trị ung thư gan. Chỉ mới có một loại thuốc chống ung thư thuộc nhóm điều trị đích là Sorafenib được công nhận. Tuy nhiên, do chi phí quá cao nên thuốc này cũng chỉ được dùng cho các bệnh nhân đã quá chỉ định điều trị nhằm mục đích làm chậm sự phát triển của khối u, với điều kiện chức năng gan còn khá.

Sắp tới, khoa U gan sẽ triển khai việc tầm soát và theo dõi điều trị ung thư gan bằng các chất chỉ điểm ung thư mới đang sử dụng hiện nay trên thế giới (AFP-L3, PIVKA II), cũng như một số biện pháp điều trị ung thư gan như DEB-TACE và SIRT (vi cầu phóng xạ).

Trên cả nước, khoa U gan, bệnh viện Chợ Rẫy là trung tâm duy nhất và lớn nhất có thể điều trị toàn diện cho bệnh nhân u gan bằng các phương pháp hiện đại. Gần đây, ngoài bệnh nhân ở khu vực phía Nam, khoa đã bắt đầu tiếp nhận một số bệnh nhân từ phía Bắc vào điều trị. Mô hình khoa U gan đã nhận được sự đánh giá cao về cách tổ chức và về hiệu quả hoạt động từ các đoàn khách nước ngoài. Với những đóng góp quan trọng cho ngành Y tế, khoa đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, riêng BS Nguyễn Đình Song Huy, Trưởng khoa vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình cứu chữa người bệnh, BS Song Huy cho rằng, quan niệm “đã ung thư thì không được đụng dao kéo vào” là hết sức sai lầm đang trở thành vật cản lớn đối với bệnh nhân và những người làm chuyên môn. Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân từ chối các biện pháp điều trị do bác sĩ đề xuất, sau một thời gian uống thuốc Nam, thuốc Bắc,... khi trở lại thì bệnh đã tiến triển xa, không còn điều trị được.

Việc điều trị ung thư gan cần phải phối hợp với việc điều trị các yếu tố nguy cơ (nhiễm HBV, HCV, xơ gan, ...) để giảm nguy cơ các khối ung thư gan tiếp tục phát triển, cũng như giảm nguy cơ xuất hiện các khối ung thư mới tại gan. Chúng tôi chân thành khuyên quý bệnh nhân nên điều trị đúng cách, đúng chỉ định mà các bác sĩ chuyên ngành đã đề xuất để không bỏ lỡ cơ hội điều trị, đẩy lùi bệnh ung thư gan bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của mình.

Vân Sơn (lược ghi)