Khó như điều trị viêm mũi dị ứng?
(Dân trí) - Không gây tử vong cũng chẳng cần tới sự can thiệp “mạnh” của bác sĩ nhưng viêm mũi dị ứng luôn là 1 thách thức đối với ngành y và cả người bệnh bởi chẩn đoán không dễ và đòi hỏi sự kiên trì trong điều trị.
Bác sĩ: Khám mắt quên mũi…
Các bác sĩ khám tai mũi họng thường ít chú ý đến các biểu hiện ngứa mắt, tai... ở bệnh nhân viêm mũi dị ứng
Bệnh nhân N.T.N (45 tuổi, ở Hưng Yên) bị tình trạng ngứa, đỏ, chảy nước mắt liên tục mỗi khi thời tiết thay đổi. Đi khám, cô N. được kê thuốc chống dị ứng nhóm kháng histamin (Chlorpheniramine). Uống thuốc, triệu chứng nhanh chóng thuyên giảm nhưng lại rơi vào tình trạng mệt mỏi, đau đầu, buồn ngủ. Vậy là cô N. đã chủ động lên khám tại viện Mắt rồi tự đến khoa Tai - Mũi - Họng, bệnh viện Bạch Mai vào 1 ngày thời tiết chuyển mùa khi xuất hiện cả biểu hiện ngứa, chảy nước mắt, ngứa mũi, hắt hơi từng tràng, chảy nước mũi.
Tại khoa Tai - Mũi - Họng, TS Lê Công Định, Trưởng khoa, đã khai thác tiền sử gia đình, phát hiện ngoài các triệu chứng trên, bệnh nhân còn thường xuyên bị mẩn ngứa và đặc biệt có người thân (bố ruột) bị hen phế quản, đang phải điều trị.
Dựa trên các dữ liệu này cùng với kinh nghiệm và nghiên cứu nhiều năm, TS. Lê Công Định, khẳng định bệnh nhân đã bị viêm mũi dị ứng. Như vậy, sau hơn nửa đời người, cô N. mới thực sự biết mình bị bệnh gì.
Đây không phải là trường hợp hiếm gặp bởi theo TS. BS Lê Công Định, biểu hiện của viêm mũi dị ứng rất đa dạng và đôi khi dễ nhầm với các bệnh khác. Ví dụ chảy mũi, ngạt mũi, hắt hơi, ngứa mũi là các triệu chứng cơ bản của viêm mũi nhưng cũng là biểu hiện của cúm, viêm đường hô hấp trên… Tình trạng đỏ mắt, ngứa và chảy nước mắt dễ nhầm với viêm kết mạc dị ứng. Mẩn ngứa dễ nhầm với viêm da cơ địa…
Ngoài ra, ngay cả khi các triệu chứng này kết hợp, bác sĩ tai - mũi - họng cũng thường ít chú ý đến biểu hiện ở mắt và ngược lại. Hậu quả là chẩn đoán chưa đủ, chẩn đoán sai… dẫn tới điều trị sai, kết quả không khả quan như mong đợi.
Bệnh nhân: Ngại điều trị
Một nghiên cứu cách đây 5 năm tại Anh cho thấy: hơn 40% bệnh nhân viêm mũi dị ứng vừa bị khó chịu ở mũi vừa ở mắt; hơn 90% bệnh nhân thấy khó chịu vào ban ngày và gần 50% khó chịu vào buổi tối (gây khó ngủ, tỉnh dậy rồi không ngủ lại được…)
Theo GS Glenis Scadding, bệnh viện Tai - Mũi - Họng Hoàng gia Anh, chủ tịch Hội Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng Anh, nguyên nhân của tình trạng này là do bệnh nhân phối hợp không tốt - thiếu sự hướng dẫn - sợ/ không thích điều trị; do điều trị chưa đầy đủ, không thường xuyên của người bệnh.
TS. BS Lê Công Định cũng đồng tình với nhận định này và chia sẻ trường hợp của chị N.T.H (28 tuổi, Hà Nội). Mặc dù mỗi sáng thức dậy hắt hơi cả trăm lần (khi thời tiết thay đổi), mắt ngứa ngáy nhưng chị không đi khám cũng chẳng dùng thuốc. Chị tin rằng mình phải “sống chung với lũ” suốt đời vì ngày bé, bố mẹ đã từng đưa chị đi khám, bác sĩ kết luận chị bị viêm mũi dị ứng nhưng không kê thuốc, chỉ nói rằng về nhỏ mũi nước muối sinh lý, giữ ấm cơ thể…. Chỉ đến khi tình trạng hắt hơi liên tục xảy ra vào ban đêm, khiến chị bị mất ngủ kéo dài, chị mới tái khám tại bệnh viện chuyên khoa lớn. Lúc này chị mới biết rằng đã có rất nhiều tiến bộ trong điều trị căn bệnh này.
Điều trị viêm mũi dị ứng
Theo GS Glenis Scadding, để có thể chấm dứt những phiền toái của chứng bệnh dai dẳng này, cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, có thể là sự phối kết của các “phương án” sau: - Xịt rửa mũi, nhỏ mắt nước muối sinh lý - Phòng tránh tiếp xúc với dị nguyên - Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong việc dùng thuốc bởi nếu tự dùng thuốc (các thuốc kháng histamin tại chỗ, toàn thân hoặc Steroid dạng tiêm, uống, tại chỗ: nhỏ mắt, xịt mũi; thuốc ổn định tế bào Mast dạng xịt mũi, nhỏ mắt; thuốc đối kháng Leukotriene; thuốc giảm xung huyết niêm mạc mũi - mắt hay miễn dịch trị liệu) có thể khiến lợi bất cập hại. |
Nhân Hà