Khó như chăm sóc người cao tuổi
Chúng ta có thể chăm sóc người cao tuổi bằng hai phương thức tại các cơ sở y tế và tại nhà. Mỗi một hình thức có những ưu nhược điểm riêng và có những lựa chọn áp dụng riêng.
Người cao tuổi là những đối tượng cần được sự quan tâm đặc biệt, nhất là khía cạnh sức khoẻ. Đó là vì người cao tuổi là lứa tuổi hay bị bệnh nhất, nặng nhất và thường là kết hợp nhiều bệnh nhất. Vì ở độ tuổi này có sự lão hoá đồng đều và mạnh mẽ.
Theo những ước tính y học, người ta thấy hầu như không một bộ phận nào của người già lại không có sự lão hoá. Từ thần kinh, cơ, tim mạch, đến hô hấp, ruột, thận, nhất loạt đều có sự đi xuống như não bộ của một “cụ” 85 tuổi sẽ bị giảm thể tích và khối lượng khoảng 20% so với thời trẻ. Suy giảm thể tích và khối lượng thường do sự chết đi của các tế bào thần kinh, thần kinh đệm. Đã thế, sự kết nối chức năng thần kinh giữa những tế bào còn sót lại lại không hoàn hảo, làm cho chức năng của não bộ suy giảm toàn diện.
Hệ tiêu hoá thì có sự sa sút nghiêm trọng. Nhu động cơ của ống tiêu hoá bị giảm từ miệng đến thực quản, ruột. Thế nên người già hay khó nuốt, khó tiêu. Thức ăn bị tồn lưu lại lâu trong dạ dày làm cho cảm giác đầy hơi rất rõ rệt. Dịch tiêu hoá tiết ra ít và thường là không đủ nên nếu như ăn thức ăn khó tiêu thì kể như cả ngày không cần ăn nữa. Chính vì sự khác biệt ấy mà việc chăm sóc người cao tuổi cần có những chuẩn mực riêng.
Chăm sóc ở đâu và thế nào?
Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, chúng ta cần chú ý đến bệnh tật. Do người cao tuổi không bị bệnh thì thôi chứ bị bệnh thì thường là nặng và nguy hiểm.
Chúng ta có thể chăm sóc người cao tuổi bằng hai phương thức tại các cơ sở y tế và tại nhà. Mỗi một hình thức có những ưu nhược điểm riêng và có những lựa chọn áp dụng riêng.
Chăm sóc tại bệnh viện và các cơ sở y tế thì chúng ta được thụ hưởng một chế độ thăm khám thường xuyên, bài bản, có đầy đủ các xét nghiệm để tìm ra căn nguyên bệnh. Do đó mà việc điều trị trở nên dễ dàng hơn. Chăm sóc tại bệnh viện cũng tránh được tình huống bệnh nặng hơn do đó dễ dàng kiểm soát được bệnh. Ưu điểm lớn nhất của nó là mang lại sự đảm bảo y tế một cách chuyên nghiệp. Nhưng nhược điểm của quá trình chăm sóc tại bệnh viện là có thể dẫn đến nhiễm trùng chéo, nhiễm trùng bệnh viện nếu cơ sở y tế quá chật chội. Bên cạnh đó yếu tố tâm lý thường không được bảo đảm. Người cao tuổi rất quan trọng về mặt tâm lý. Họ có thể “no” và không mệt khi vui vầy cùng con và cháu. Nhưng điều kiện có mặt gia đình là khó khi chúng ta áp dụng hình thức này. Thêm vào đó là vấn đề dinh dưỡng, mỗi một người cao tuổi có một sở thích ăn uống riêng vì thế mà việc chăm sóc tập thể khó lòng mà đáp ứng được. Người cao tuổi không ăn nhiều nhưng cần ăn đúng sở thích nếu không dinh dưỡng hoàn toàn không được đáp ứng đủ.
Ngược lại, hình thức chăm sóc tại nhà lại khắc phục được những nhược điểm trên như đảm bảo không khí gia đình vui vẻ, đảm bảo dinh dưỡng đủ và hợp với sở thích, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, có thể chăm sóc thường xuyên, liên tục. Nhưng nhược điểm là không đảm bảo về mặt chuyên môn cũng như việc dùng thuốc.
Như vậy, việc chăm sóc người cao tuổi ở các bệnh viện chỉ được sử dụng khi người cao tuổi mắc các bệnh cấp cứu như ho ra máu, nôn ra máu, mắc các bệnh cấp tính hay giai đoạn cấp tính của một bệnh như viêm phế quản, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính đợt bùng phát, tiêu chảy cấp, sốt cao, đột qụy não. Còn với các bệnh mạn tính và chăm sóc đòi hỏi kéo dài thì nên chăm sóc tại gia. Đó là các trường hợp như gầy mòn, hồi phục vận động sau đột qụy não, hồi phục sức khoẻ sau mổ. Nhưng chăm sóc tại nhà vẫn nên tham khảo sự hướng dẫn của bác sỹ để có dinh dưỡng phù hợp; Có các bài xoa bóp cho bệnh nhân, biết cách chống hăm lở loét vết thương tại vùng da bị tỳ đè do nằm lâu ngày, hoặc các biện pháp xoa, vỗ rung để giảm nguy cơ viêm phổi do đờm dãi tụ đọng trên một thể trạng suy kiệt.
Theo BS Yên Lâm Phúc
Sức khỏe & An toàn thực phẩm