1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Khó điều trị dị ứng thuốc nam

Toàn thân dày đặc bọng nước hay loang lổ với những mảng da non, da chết xám xịt trông giống như da một người bị phỏng nặng. Đó là tình trạng của nhiều bệnh nhân dị ứng thuốc nam tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (DƯMDLS) Bệnh viện (BV) Bạch Mai, Hà Nội.

Nổi mẩn, béo tròn vì thuốc nam

 

Bệnh nhân mới nhất được chuyển đến Trung tâm DƯMDLS điều trị là Trần Thị T. (44 tuổi, ở Hưng Yên) bị dị ứng khá nặng. Toàn bộ vùng mặt, mắt, cằm, má sưng phù, da nổi ban đỏ từng mảng lớn. Hai khớp gối sưng, phần da quanh khớp gối tấy đỏ. Người nhà của chị T. cho biết  2 tuần trước, chị T. bị đau, mỏi khớp toàn thân nên đã tìm đến ông lang ở Hải Dương để đắp lá điều trị. “Ông lang này không bắt mạch, kê đơn mà chỉ bấm huyệt và đắp lá vào khớp để điều trị với chi phí 500.000 đồng cho 10 ngày thuốc. Trong 2 ngày đầu đắp thuốc, cơn đau không giảm mà còn nhức nhối hơn nhiều.

 

Bệnh nhân bị dị ứng thuốc nam tại Trung tâm Dị ứng -
Bệnh nhân bị dị ứng thuốc nam tại Trung tâm Dị ứng -  Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội

 

Thế nhưng, được thầy lang giải thích “đó là do thuốc đã ngấm và sẽ hết đau dần” nên vợ chồng tôi cũng yên tâm”- chồng chị T. kể. Sau khi  đắp lá được 12 ngày thì các khớp bị sưng to hơn, toàn bộ vùng da quanh khớp đỏ thẫm, mặt cũng sưng phù, ngứa nên gia đình đưa chị T. vào khám tại BV địa phương rồi được chuyển lên BV Bạch Mai.

 

Bác sĩ Bùi Văn Khánh, Trung tâm DƯMDLS, cho biết bệnh nhân được chẩn đoán dị ứng do lá đắp điều trị khớp. “Do bị đau họng nên nhiều người tưởng mình bị viêm họng chứ không nghĩ rằng đó là các biểu hiện ban đầu của dị ứng thuốc”- bác sĩ Khánh nhấn mạnh.

 

Trước bệnh nhân T., Trung tâm DƯMDLS cũng tiếp nhận một bệnh nhân nữ, 39 tuổi, nhập viện trong tình trạng nổi mẩn ngứa toàn thân sau khi uống thuốc lá điều trị dạ dày. Vốn bị bệnh dạ dày mãn tính nên khi nghe có người mách, chị T. đã nhờ mua một loại lá tận Nghệ An về đun lấy nước uống. Khoảng 2 tuần đầu, uống thấy đỡ đau dạ dày nhưng sau đó mẩn ngứa nổi toàn thân, phải điều trị tại Trung tâm DƯMDLS. Bác sĩ xác định bệnh nhân có dị ứng với loại lá được cho là có tác dụng điều trị đau dạ dày.

 

Trước đó, một bệnh nhân nữ, 42 tuổi, ở TPHCM nghe một thầy lang chữa hen suyễn cao tay đã phải vất vả nhờ người nhà mua thuốc từ Hà Nội gửi vào nhưng lạ thay, sau khi dùng những chén thuốc quý giá đó, chị này có một hình hài hoàn toàn khác và trọng lượng cơ thể tăng từ 38 kg lên 53 kg!

 

Thuốc nam “tẩm” tân dược

 

TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm DƯMDLS, cho biết dị ứng thuốc ngày càng tăng và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí có trường hợp đã tử vong. “Ngoài những biểu hiện ngoài da, bệnh nhân dị ứng thuốc nam còn có những triệu chứng như tăng cân vùn vụt, mặt to, căng tròn, chân tay teo đét, huyết áp tăng...” - TS Đoàn cho biết.

 

Theo TS Đoàn, thuốc nam (hoặc thuốc đông y) cũng như thuốc tây đều có thể gây dị ứng trên một số người. Thông thường, dị ứng thuốc nam diễn ra muộn (sau 10-20 ngày) với các triệu chứng: ban đỏ, ngứa, sốt, nổi mày đay, mụn nước trên da, loét, viêm gan, viêm thận... Tình trạng dị ứng thuốc nam thường nặng hơn các loại thuốc khác vì có cả tổn thương nội tạng như gan, thận, rất khó khăn trong điều trị.

 

TS Đoàn cũng cho biết từng có bác sĩ ở BV tỉnh Bắc Giang sau khi người nhà đau dạ dày và tăng cân đột ngột do dùng thuốc nam của một lang băm đã đi kiểm nghiệm những gói thuốc đó thì hóa ra hơn 80% thứ bột nam dược thần diệu ấy là Dexamethazone... “Để có tác dụng nhanh, không ít ông lang đã trộn tân dược vào thuốc nam. Điều này khiến nhiều bệnh nhân tin tưởng vào hiệu quả “ngay lập tức, tuy nhiên lâu dài, sẽ gây hậu quả khôn lường như loãng xương, phù mặt, nhiễm độc gan, thận và nhiều biến chứng nguy hiểm khác”- TS Đoàn cảnh báo.

 

Bác sĩ Bùi Văn Khánh lưu ý bệnh nhân cần ngưng sử dụng khi thấy có dấu hiệu bất thường như khó thở, nóng rát da, nổi mày đay, viêm loét miệng và nên đến khám tại cơ sở chuyên khoa.

 

 Dị ứng sừng tê giác

 

Theo bác sĩ Trần Hữu Trường, Trung tâm DƯMDLS, tại đây từng tiếp nhận nhiều trường hợp bị dị ứng nặng sau khi sử dụng mật gấu hay sừng tê giác chữa bệnh. Đơn cử như bệnh nhân P.T.H., 21 tuổi, ở Hà Nội bị nhiệt miệng kéo dài, dùng nhiều thuốc không khỏi nên đã mua sừng tê giác về uống vì nghe nói có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Tuy nhiên, sau khi uống được 2 ngày, chị bắt đầu thấy xuất hiện các nốt mụn mủ và ban đỏ ở mặt, ngứa và đau rát, sau đó lan ra 2 cánh tay, sốt nhẹ. Đến khám tại Trung tâm  DƯMDLS, chị H. được chẩn đoán nhiễm độc da dị ứng do sừng tê giác. Theo bác sĩ Trường, do có thành phần khá phức tạp với nhiều loại hoạt chất có nguồn gốc xa với loài người nên sừng tê giác hoàn toàn có nguy cơ gây  các phản ứng  dị ứng và nhiễm độc.

Theo Khánh Anh

Người lao động