Khi trẻ có thói quen ăn vặt

(Dân trí) - Đối với trẻ nhỏ, ăn vặt không phải là một thói quen xấu bởi bữa ăn chính không thể cung cấp đủ lượng dinh dưỡng mà cơ thể bé cần. Dưới đây là một số thông tin hữu ích giúp bạn tạo cho bé thói quen ăn uống phù hợp với sức khỏe.

Snack là một phần không thể thiếu trong các hoạt động giải trí, vui chơi của trẻ em và theo thống kê tại Mỹ, cứ 4 đứa trẻ có 1 đứa luôn phải có một thứ gì đó nhấm nháp giữa 2 bữa ăn chính. Bạn cho rằng các thực phẩm đóng gói sẵn (giàu calo, ít dinh dưỡng) là thủ phạm gây tăng cân và béo phì ở trẻ nhỏ? Đúng nhưng chưa đủ bởi thực tế cho thấy chính lượng snack bọn trẻ ăn vào mới là thủ phạm đích thực.

 

Bữa ăn phụ - Quan trọng không kém bữa chính

 

Đúng vậy bởi dạ dày của trẻ chưa đủ "lớn" để chứa tất cả nhu cầu dinh dưỡng chúng cần trong một ngày chỉ thông qua các bữa ăn chính. Vậy nên lượng thực phẩm cần được chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày.

 

Một trong những nguyên tắc tính lượng dinh dưỡng của trẻ tuổi tập đi là thêm 1 thìa thức ăn khi tăng thêm 1 tháng tuổi. Bạn cũng có thể cho bé ăn nhiều hơn nếu bé cảm thấy đói.

 

Sự tăng trưởng và phát triển của trẻ sẽ chậm dần sau sinh nhật đầu tiên. Do nhu cầu về lượng calo giảm xuống nên bọn trẻ sẽ ăn ít hơn nhưng tiếp tục tạo thói quen lựa chọn các thực phẩm có lợi cho sức khỏe trong các bữa ăn chính hay phụ của trẻ lúc này vẫn rất quan trọng. Bạn cũng nên lưu ý: không cố gắng tìm mọi cách, thậm chí là ép buộc trẻ phải ăn hết khẩu phần do bạn định ra.

 

Đối với trẻ dưới 3 tuổi, những loại snack dưới đây có thể là nguyên nhân dẫn tới đầy bụng, khó tiêu: rau sống (cà chua, dưa chuột), bỏng ngô, hạnh nhân, lạc, hoa quả khô (nho), xúc xích…

 

Đừng làm hỏng bữa tối

 

Những trẻ được chiều chuộng thường ít có cảm giác đói khi đến giờ ăn tối bởi chúng vừa vòi vĩnh và được cho một gói bim bim trước đó ít phút.

 

Vậy nên, cách tốt nhất là luôn giám sát và nhắc nhở người chăm sóc con bạn không được cho chúng ăn vặt trước giờ ăn chính 2 tiếng rưỡi. Tức là nếu bữa tối của bé là 18h thì bữa ăn phụ trước đó phải diễn ra muộn nhất là lúc 16h30. Nếu bé có nhu cầu, bạn có thể cho ăn thêm sau bữa ăn tối.

 

Viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo:

 

- Trẻ dưới 6 tuổi: không uống quá 200ml/ngày.

 

- Trẻ 7-18 tuổi: uống 250-350ml/ngày.

 

- Không cho trẻ dưới 6 tháng  tuổi uống nước ép.

Nước quả: Bạn hay thù?

 

Trẻ nhỏ thường thích nước quả ép hơn hoa quả tươi bởi do hương vị của nước quả hấp dẫn hơn. Đúng là nước quả rất bổ dưỡng nhưng khi uống quá nhiều thì lại là một vấn đề khác bởi nó cũng rất giàu calo. Khi cho trẻ uống nhiều, vô hình chung, bạn đã tạo cơ hội để bé lên cân và bị sâu răng.

 

Hãy nhớ nhé: Ngay cả với nước quả nguyên chất (không pha thêm đường) thì hàm lượng calo cũng đã nhiều hơn so với các đồ uống có ga. Nước quả cũng ít chất xơ hơn rất nhiều so với các loại hoa quả.

 

Viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị rằng trẻ không nên uống nhiều hơn 100g nước quá mỗi ngày. Ngoài ra nên chọn các loại nước quả giàu can-xi, đặc biệt là với những trẻ không thích uống sữa và các sản phẩm từ sữa.

 

Đường hủy hoại răng

 

Các đồ ăn thức uống có hàm lượng đường cao như nước ngọt có ga và nước quả có thể dẫn tới các bệnh về răng. Nguyên nhân là vi khuẩn trong miệng sẽ chuyển hóa đường thành một loại axit có khả năng ăn mòn men răng và tác dụng phá huỷ của nó kéo dài tới 20 phút.

 

Bạn có biết:

 

-Kẹo dẻo dễ gây sâu răng nhất bởi chúng thuộc nhóm bướng bỉnh hơn hẳn các loại kẹo cứng.

 

- Cho trẻ uống nước quả bất kỳ lúc nào trong ngày cũng làm răng nhanh bị sâu hơn.

 

Mở rộng sự lựa chọn

 

Khi bọn trẻ ở độ tuổi đến trường, chúng có cơ hội để chọn nhiều loại thực phẩm hơn nên việc kiểm soát chế độ dinh dưỡng khó khăn hơn. Tuy nhiên, bạn không vì thế mà lơ là, nhìn cách trẻ ăn ở nhà bạn sẽ biết bé thường ăn gì ở ngoài.

 

Nấu cho bé ăn là cách rất tốt vì sẽ tạo thói quen thích ăn những thực phẩm nấu tại nhà. Với những thực phẩm ăn ngay như rau sống và hoa quả tươi, hãy chọn những loại có thể cắt nhỏ và để được trong tủ lạnh.

 

Một số đồ ăn nhanh có lợi cho sức khỏe:

 

- Ngô nổ trong lò vi sóng

 

- Sứa ít béo hoặc sữa rút béo, phô mai hoặc sữa chua

 

- Các thực phẩm làm từ ngũ cốc nguyên cám

 

Nước ngọt có ga

 

Hãy luôn để mắt tới đồ uống của trẻ bởi theo thống kê tại Mỹ, 1/3 các cô bé và già nửa số bé trai trong độ tuổi 14 uống ít nhất 8 ounce nước ngọt có ga mỗi ngày.

 

Bạn có biết: Khi kiểm tra mức đường và calo trong nước ngọt có ga, người ta nhận thấy, cứ mỗi chai nước ngọt loại nhỏ bất kỳ đều chứa ít nhất là 100 calo.

 

Đọc kỹ thành phần dinh dưỡng

 

Chúng ta thường chỉ quan tâm tới nhãn sản phẩm với dòng chữ in đậm, in lớn: Ít béo, giảm béo, ít calo, không đường, không chất béo. Đừng quá tin tưởng vào nhãn hàng khi chọn mua thực phẩm cho bé, hãy xem xét giá trị thực của sản phẩm bằng cách kiểm tra thành phần dinh dưỡng ở phía sau.

 

Bạn có biết: Đôi khi nhãn hàng không phản ánh thực tế sản phẩm. Ví như một sản phẩm có thể ghi là không/ít chất béo nhưng vẫn có thể rất giàu calo, hầu hết các loại snack đều ghi “Không cholesterol” nhưng thực tế chúng lại rất giàu chất béo, chất béo no và đường.

 

Hạn chế thời gian xem truyền hình

 

Bọn trẻ thường đòi mua các loại snack, bim bim, đặc biệt nếu nhìn thấy các sản phẩm này trong các chương trình quảng cáo trên tivi. Vậy nên cách tốt nhất là hạn chế thời lượng xem truyền hình của trẻ và tránh những giờ phát nhiều quảng cáo. 

 

Những trẻ xem tivi nhiều hơn 5 tiếng/ngày sẽ có nguy cơ béo phì gấp 4 lần so với những trẻ xem tivi ít hơn 2 tiếng/ngày. Trẻ cũng sẽ năng vận động, hoạt bát hơn khi cha mẹ hạn chế thời gian ngồi trước màn hình (bao gồm cả tivi, máy tính và trò chơi điện tử) không nhiều hơn 2 tiếng/ngày.

 

Bạn có biết: Vừa ăn vừa xem luôn là một thói quen xấu ở bất kỳ lứa tuổi nào bởi chúng ta sẽ không ý thức được lượng thực phẩm ăn vào do “mải xem, mải chơi”.

 

Bí kíp chuẩn bị bữa phụ

 

Rất khó để thuyết phục trẻ ăn các thực phẩm có lợi cho sức khỏe trong các bữa ăn phụ. Hãy thử theo cách dưới đây:

 

- Tạo cơ hội lựa chọn. Ví dụ: bạn đừng nói: “Con muốn ăn kem hay bánh quy? Mà hãy hỏi: “Con ăn gì nào, sữa chua đá hay sữa chua mềm? Táo hay cam? Nước cam hay sữa?...

 

- Thực phẩm phong phú. Hãy chọn các loại snack làm từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau. Nếu chỉ có vài món quen thuộc, bé sẽ nhanh chán và càng thấy “thèm” khoai tây chiên, kẹo ngọt…

 

- Luôn sáng tạo. Hãy trình bày các món rau và hoa quả sao cho hấp dẫn, cuốn hút bé nhất. Ví dụ hãy phết lên miếng cà rốt một ít phô mai; bánh quy nhiều vị (có phô mai, không phô mai); phô mai nhiều vị (hành, sôcôla…); thái nhỏ rau và trộn nhiều loại để tạo cảm giác vui mắt, hấp dẫn.

 

Ăn đúng giờ

 

Đừng quên tạo cho trẻ thói quen ăn uống hợp lý, khoa học. Bạn sẽ không thể bắt chúng ăn súp lơ, uống sữa khi bạn vừa cho bé ăn khoai tây chiên trước đó ít phút.

 

Nếu trẻ có thói quen ăn vặt thì cũng đừng nóng vội, buộc chúng phải thay đổi chỉ trong 1 đêm. Hãy kiên nhẫn và dạy trẻ cách chọn thực phẩm trong những lúc bạn chuẩn bị đồ ăn.

 

Nhân Hà

Theo About

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ