Khi nào nên tầm soát ung thư phổi bằng chụp cắt lớp vi tính liều thấp?
(Dân trí) - BS Nguyễn Đức Thuyết, khoa Phẫu thuật Lồng ngực & Mạch máu, BV Bạch Mai cho biết, đây là phương pháp tầm soát ung thư phổi được khuyến cáo thực hiện cho những đối tượng có nguy cơ cao.
Ung thư phổi là căn bệnh nguy hiểm hàng đầu trên thế giới với hơn 2 triệu người mắc mới và hơn một triệu người tử vong mỗi năm. Tại Việt Nam, trong số các bệnh nhân nhập viện, có đến 62,5% không còn khả năng phẫu thuật.
Để phát hiện sớm ung thư phổi, việc tầm soát là rất quan trọng. Tuy nhiên, đây là loại ung thư không dễ phát hiện do dấu hiệu khởi phát nghèo nàn, chụp X-quang thường không phát hiện được khối u kích cỡ nhỏ.
Chụp cắt lớp vi tính liều thấp (low-dose computed tomography hay low-dose CT scan, hoặc LDCT) là một phương pháp tầm soát được khuyến cáo thực hiện sàng lọc với những đối tượng có nguy cơ cao. Khi chụp LDCT, người bệnh nằm trên bàn của máy chụp CT, máy sử dụng tia X-quang liều thấp để tạo dựng hình ảnh chi tiết phổi. Quá trình chụp chỉ mất vài phút và không gây đau đớn.
Những ai cần tầm soát ung thư phổi?
Cơ quan Y tế dự phòng Hoa Kỳ (The U.S. Preventive Services Task Force (USPSTF)) khuyến cáo tầm soát ung thư phổi hàng năm với chụp LDCT với những người sau đây:
- Người hút thuốc 20 bao/năm hoặc nhiều hơn (Đơn vị bao/năm = (số điếu thuốc hút trung bình 1 ngày/20 x số năm hút thuốc).
- Hiện tại đang hút thuốc hoặc bỏ hút thuốc trong vòng 15 năm trở lại đây.
- Tuổi từ 50 - 80
Tuy nhiên, việc thực hiện tầm soát này có thể gây dương tính giả, khi gợi ý một người có ung thư phổi trong khi thực tế thì không phải ung thư. Dương tính giả có thể dẫn đến việc thực hiện thêm các xét nghiệm khác và phẫu thuật không cần thiết, điều này làm tăng thêm các nguy cơ cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, tia xạ từ chụp LDCT lặp lại nhiều lần có thể là nguyên nhân gây ra ung thư ngay cả đối với người bình thường.
Vì thế, việc tầm soát ung thư phổi chỉ được khuyến cáo cho người lớn có các nguy cơ cao phát triển bệnh do tiền sử hút thuốc lá và tuổi tác, và người không có các vấn đề sức khỏe làm giảm năng lực hoặc tuổi thọ, người mong muốn phát hiện sớm ung thư và nếu có thể phẫu thuật nếu cần.
Trong các nguyên nhân này, tác nhân thuốc là nguy hiểm nhất. Đặc biệt với ung thư tế bào nhỏ do thuốc lá rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong rất cao, chỉ khoảng 6% sống được 5 năm, do bệnh thường phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn, cơ hội sống sót thấp.
Tại Việt Nam, 90% bệnh nhân ung thư phổi có liên quan đến khói thuốc. Vì vậy, cách tốt nhất để giảm nguy cơ ung thư phổi là không hút thuốc và tránh hút thuốc thụ động. Tầm soát ung thư phổi không thể thay thế việc bỏ hút thuốc.