Khi các toa thuốc “đá” nhau!

Vì quá lo lắng, nhiều người bệnh cứ nghe nói bác sĩ nào tốt là tìm đến, nhận một số toa thuốc về nhà để rồi… gặp rắc rối

Tìm đến một vị bác sĩ (BS) quen ở gần nhà, ông Nguyễn Trần Cao M. (56 tuổi) chìa ra kết quả xét nghiệm cho thấy men gan của mình đang tăng cao. Ông M. khẳng định trước đây, kết quả kiểm tra sức khỏe của ông đều tốt; ông lại sống lành mạnh, ít sử dụng bia rượu… Hỏi chuyện kỹ, vị BS khẳng định rằng gan ông M. chẳng sao cả, con số xét nghiệm bất thường này chỉ tại… cái đầu gối đang đau của ông!

Một bệnh, 3 toa thuốc

Cách đây 2 tuần, ông M. bị chấn thương đầu gối do va chạm giao thông, bị giãn dây chằng, rách sụn chêm nhẹ. Vốn năng động và thích di chuyển, tổn thương này quả là phiền toái nên ông đã đi khá nhiều nơi để khám.

Khi vị BS yêu cầu đem đến tất cả hồ sơ khám bệnh, ông M. đã chìa ra đến… 3 toa thuốc của 3 cơ sở y tế tại TP HCM: Bệnh viện (BV) quận Bình Thạnh, BV Nhân dân Gia Định và một phòng khám quốc tế ở gần cơ quan ông. Thì ra, trong 3 toa thuốc này có khá nhiều loại trùng lắp nhau. Nguyên nhân ông bị tăng men gan đơn giản là do sử dụng các loại thuốc giảm đau quá nhiều. Ví dụ, một toa kê panadol, một toa kê efferalgan, ông cứ tưởng là 2 loại thuốc khác nhau nên uống cả mà không biết thành phần của chúng đều là hoạt chất paracetamol!

BS Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Thống Nhất (TP HCM), cho biết việc sử dụng cùng lúc nhiều toa thuốc cho một bệnh có thể do người bệnh chưa hiểu rõ tác hại của cách dùng này; do người lớn tuổi hay quên, chữa bệnh chỗ này rồi lại đi chữa tiếp ở nơi khác mà không nói với BS về những loại thuốc mình đang sử dụng. Một tình huống nữa có thể xảy ra là người bệnh hôm nay khám bệnh này ở cơ sở y tế A, vài hôm sau lại khám bệnh khác ở cơ sở B nhưng không báo lại với BS ở cơ sở B về toa thuốc của cơ sở A.

“Các bệnh khác nhau vẫn có thể dùng một số loại thuốc giống nhau, nếu uống cả 2 toa sẽ quá liều hoặc có thể dùng thuốc khác nhau nhưng thuốc của bệnh này làm giảm tác dụng hay tương tác bất lợi với thuốc của bệnh kia…” - BS Vũ giải thích.


Khám bệnh tại Trung tâm Chẩn đoán Y khoa (MEDIC) TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Khám bệnh tại Trung tâm Chẩn đoán Y khoa (MEDIC) TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Khi nào kết hợp đông- tây y?

Theo BS Huỳnh Ngọc Hớn, Trưởng Khoa Khám bệnh BV Trưng Vương (TP HCM), tại đa số các BV lớn hiện nay, công nghệ thông tin đã được ứng dụng để lưu trữ hồ sơ bệnh án. Khi một người đi khám 2 bệnh vào 2 lần khác nhau ở cùng một BV, BS có thể nắm bắt được quá trình điều trị của lần khám trước. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đi khám ở 2 cơ sở khác nhau mà quên “khai” thì việc các toa thuốc “đá” nhau là khó tránh.

BS Hớn khuyên: “Để chắc chắn, tốt nhất bệnh nhân hãy đem theo kết quả khám, xét nghiệm, toa thuốc… của lần khám trước dù thuốc đó được kê cho cùng căn bệnh mình muốn khám đợt này hoặc kê cho một bệnh khác có vẻ như không liên quan”.

Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, cảnh báo về những suy nghĩ sai lầm rằng sử dụng đồng thời thuốc tây y và thuốc đông y sẽ không gặp tương tác bất lợi do sự khác nhau của 2 loại thuốc. Trong thực tế, một số bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, gút… có thể áp dụng đông - tây y kết hợp nhưng một số bệnh khác chỉ có thể dùng một trong hai thứ. Nếu bệnh nhân đang chữa thuốc Tây mà lẳng lặng tìm thêm thầy thuốc đông y và đem thêm một toa thuốc về dùng, 2 toa thuốc này có thể làm giảm tác dụng lẫn nhau hoặc tương tác bất lợi.

“Nếu đang trị bệnh bằng thuốc tây mà muốn dùng thêm hoặc chuyển sang thuốc đông y, bệnh nhân nhất thiết phải lựa chọn một thầy thuốc đông y được đào tạo bài bản, biết về tây y và hãy nhớ đem theo toa thuốc tây để thầy thuốc này có chỉ định phù hợp” - lương y Đinh Công Bảy khuyên.

Không nên dùng thuốc… loạn xạ

Một số người đang trong thời gian điều trị bệnh, thuốc dùng chưa hết nhưng nghe “mách nước” chỗ khác có thầy thuốc hay hơn thì vội đi khám, mang về một toa thuốc khác và bỏ ngang toa đang dùng. Theo các BS, điều này rất không nên. Cùng một bệnh, các BS khác nhau, các đơn vị y tế khác nhau có thể áp dụng nhiều phác đồ điều trị, loại thuốc khác nhau chứ không hẳn là khác thuốc nghĩa là toa này đúng, toa kia sai.

Bên cạnh đó, việc đang dùng dở dang thuốc này mà thay thuốc khác có thể dẫn đến các rối loạn trong cơ thể người bệnh, tăng nguy cơ kháng thuốc mà bệnh có khi không hết vì không loại thuốc nào được dùng đủ liều lượng cả. Tốt nhất, nếu muốn đổi thì hãy dùng cho hết toa thuốc đang dùng.

Theo Anh Thư

Người lao động