Khi bé không chịu ăn...

(Dân trí) - Chuyện ăn uống của con luôn là vấn đề thời sự của nhiều bà mẹ, đặc biệt là các bé tuổi chập chững (từ 1 tới 3 tuổi). Khi bé không ăn, thay vì chừng phạt, la mắng để bắt bé ăn, bạn nên tập trung vào việc giúp trẻ phát triển các thói quen ăn uống tốt.

Nên

 

Việc đầu tiên khi bé tự nhiên bỏ ăn là bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ để phát hiện ra các dấu hiệu bệnh.

 

Nếu bé không có bất kỳ dấu hiệu bệnh nào, bạn có thể giúp bé hình thành thói quen ăn uống tốt.

 

- Điều chỉnh để bé quen dần với 3 bữa chính và 3 bữa phụ trong ngày.

 

- Không để bé ăn vặt gây ảnh hưởng tới giờ ăn của các bữa sau.

 

- Chuẩn bị nhiều loại thức ăn, những loại mà bé thích, bé đang tập làm quen hoặc bé không thích. Có thể sẽ phải mất nhiều thời gian và công sức với các món bé không thích nhưng hãy kiên nhẫn bởi bé càng ăn đa dạng thực phẩm, cơ thể bé càng nhận được đủ chất.

 

Lưu ý: Đối với thức ăn mà bé không thích thì chỉ nên thỉnh thoảng xuất hiện.

 

- Bạn có thể cho bé tự chủ với thìa bát và các món ăn của mình để tạo sự hứng thú.

 

Với các bé chưa biết xúc, bạn có thể cho bé một cái bát và một chiếc thìa con để bé có thể bắt chước bạn xúc cơm. Như thế bé có thêm cơ hội tập xúc ăn.

 

Với các bé đã biết xúc, bạn có thể cho bé vài cọng rau, cà rốt luộc nhừ, bông cải hấp,… để bé có thể nhón ăn.

 

- Nếu “bố mẹ ăn gì bé ăn nấy” thì nên cho bé ngồi ăn cùng và để bé tự chọn món. Bé sẽ cảm thấy mình độc lập hơn và thoải mái hơn.

 

- Lặp đi lặp lại các thói quen hàng ngày.

 

Ví dụ, tới giờ ăn cơm là tắt tivi, tới giờ ăn cơm là ngưng chơi và lên ghế… Nếu bé tỏ vẻ chưa hứng thú với bữa ăn, bạn có thể đưa cho bé nhấm nháp một vài cọng rau để kích thích dịch vị, khiếnh bé thích thú với giờ ăn.

 

- Nên hạn chế bớt sữa vào nước hoa quả.

 

Nếu bé uống sữa hoặc nước hoa quả trước bữa ăn thì chắc chắn bé sẽ không hứng thú gì với bữa ăn bạn chuẩn bị rồi.

 

- Không nên nóng vội.

 

Bạn cũng nên thư giãn và giải toả căng thẳng khi bé không ăn. Không chỉ riêng bạn gặp phải vấn đề này, mà rất nhiều các bậc phụ huynh cũng đang cùng hoàn cảnh với bạn.

 

Ăn là bản năng sinh tồn của giống loài, cho nên không đứa trẻ nào chịu nhịn đói cho tới khi kiệt sức. Nếu sau nhiều bữa bé không chịu ăn, bạn có thể bày một số món ăn nhẹ có lợi cho sức khoẻ mà bé yêu thích trên bàn và chỉ cho bé thấy để bé có thể tự lấy khi bé đói.

 

Không nên

 

- Không nên bắt bé phải ăn hết khẩu phần.

 

Khi bạn mệt, cuộc sống có nhiều căng thẳng, hoặc các món nấu không ngon, bạn có cảm thấy muốn ăn không? Bé cũng vậy, nhưng vì bé chưa trải qua nhiều kinh nghiệm nên bé sẽ không cố gắng ăn như bạn khi chán ăn. Do đó, bạn nên để bé tự quyết định khi nào bé đói và khi nào bé no.

 

- Không nên dùng kẹo, bánh, kem để dụ bé ăn hết khẩu phần. Bởi bạn sẽ gặp phải một vấn đề mới: Bé sẽ nhất định không chịu ăn để ăn kẹo, bánh. Hơn nữa, với phần thưởng đó, vô tình bạn đã khuyến khích kẹo, bánh trở thành một món đặc biệt.

 

- Không nên khuyến khích bé ăn bằng việc xem tivi.

 

Bởi khi bé tập trung xem tivi, bé sẽ không tập trung vào việc ăn uống. Đó là nguyên nhân làm giảm sự ngon miệng của bé.

 

- Không nên làm bé sao lãng để ăn nhiều hơn (bế bé đi ăn dong).

 

Đây là thói quen của nhiều bà mẹ khi thấy bé lười ăn. Thực ra, mục tiêu cuối cùng của bạn là giúp bé cảm thấy hứng thú với các thức ăn và giờ ăn chứ không phải cố gắng cho bé ăn hết khẩu phần. Khi bé không ăn, ông, bà, bố, mẹ làm trò để dụ bé ăn. Vô tình, bạn đã truyền cho bé một thông điệp rằng: Nếu bé không ăn, bé sẽ có rất nhiều trò thú vị để xem. Vậy thì vì lý do gì mà bé phải ăn tự giác?

 

- Không vừa chạy theo bé vừa xúc ăn.

 

Nếu chú ý, bạn sẽ thấy khi bé thực sự đói, bé sẽ ngồi yên để bạn xúc. Nhưng khi bé no hoặc khi bé đã chán ăn, bé thường sẽ chạy đi chỗ khác. Do đó, bạn không nên chạy theo bé để xúc cho bé ăn hết khẩu phần của mình.

 

Khi bé bắt đầu chạy đi, bạn nên ngưng bữa lại và nói rõ cho con biết: Nếu con tiếp tục muốn ăn thì cần ngồi một chỗ. Và sau đó để bé tự quyết định có ăn tiếp hay không. Thông thường, nếu bé hơi đói, bé sẽ ăn ngon hơn vào bữa sau.

 

Nếu cân nặng của bé dưới mức phát triển bình thường hoặc bạn đã thử nhiều cách mà mọi việc vẫn không tiến triển, bạn có thể đưa bé tới gặp bác sĩ để thảo luận những vấn đề mà bạn quan tâm. 

Ngô Thu Hiền

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ