“Kem trộn” trắng da - Sát thủ hủy hoại sắc đẹp!

Đầu tháng 9/2007, tại bệnh viện Da liễu Cần Thơ đã tiếp nhận tới 11 cô gái với gương mặt khủng khiếp do làn da bị tàn phá sau khi sử dụng một loại “kem trộn” làm trắng da.

Sự tàn phá khủng khiếp

 

“Em mới bị vầy”, cô kể, “Lúc đầu nổi vài mụn, em đi mua một hộp kem không rõ nhãn mác về bôi, mụn hơi xẹp xuống nhưng chỉ được một tuần thì mụn nổi nhiều như bây giờ, nóng và ngứa lắm”.

 

Cô Lê Thị B. (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) hai má của khuôn mặt như bị ép hai miếng cơm cháy. “Em xài kem trộn”, cô đau khổ kể, “da em hơi đen, bạn bè bảo bôi kem trộn sẽ trắng ra. Tháng đầu bôi thì trắng ra chút ít nhưng sang tháng thứ hai thì mặt mọc dày đặc mụn như thế này”.

 

Cô Nguyễn Thị C. mới 14 tuổi là học sinh ở quận Ninh Kiều và cô Trần Bích D. buôn bán tại chợ huyện Thốt Nốt (đều ở Cần Thơ) cũng theo bạn bè mua kem về bôi lên mặt, được 3 ngày thì mụn nổi đỏ, ngứa và mặt sưng lên.

 

Cô Lê Thị M. hơn 20 tuổi, thợ may ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh) đã phải điều trị 6 tháng nay. Cô kể: “Da em bình thường mịn màng nhưng hơi đen. Bạn bè bảo mua kem trộn của Trung Quốc về bôi sẽ trắng ra. Mỗi túi giá 200.000 đồng có 3 hộp bôi trong một tháng.

 

Em mua 3 túi bôi 3 tháng, da sáng lên, mịn hơn nên thích lắm. Nhưng sang tháng thứ 3 thì mụn li ti bắt đầu nổi lên, em sợ quá vội ngừng bôi kem không ngờ mụn nổi lên càng dữ dội, mụn lớn và dày đặc má, trán. Mặt em sưng húp, há miệng ăn cơm cũng khó”.

 

Cô đã phải nằm viện 1 tháng và điều trị ngoại trú 5 tháng tiếp theo. Bây giờ mụn đã xẹp nhưng sẹo vẫn còn, mỗi khi nắng nóng các vết mụn lại đỏ rực lên. “Mấy đứa bạn em bôi cũng bị như em, có đứa không có tiền đến bệnh viện điều trị nên tội lắm”, M. nói.

Chúng tôi theo chân một nhân viên bỏ mối một loại kem khá nổi tiếng đến một tiệm mỹ phẩm ở quận Cái Răng (Cần Thơ). Tiệm nhỏ có tủ kính bày nhiều loại kem đặt bên ngoài. Bên trong, cô chủ đang dùng đũa khuấy “kem trộn” ở một hộp nhựa.

 

Hóa ra “kem trộn” là trộn một số kem lại với nhau và thêm thắt thứ nọ thứ kia theo “kinh nghiệm dân gian”. Sau đó, cô ta dùng thìa múc vào các hộp và … bán.

 

Cô khẳng định với anh nhân viên bỏ mối kem là “kem trộn” của cô tốt hơn kem chính hãng của anh. Nhưng cô vừa dứt lời thì một cô gái chạy đến hớt hải nói: “Em tôi xài kem của cô bây giờ mặt bung bét hết trơn rồi, giờ làm sao đây?”. Cô chủ tiệm há hốc mồm, im lặng.

 

Hậu quả của sự kém hiểu biết

 

Trao đổi với Thạc sĩ, Bs Huỳnh Văn Bá, Giảng viên Bộ môn Da liễu, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, giải thích: “Tình trạng trứng cá ấy là do dị ứng thuốc bôi. Các cô gái khi bị mụn hay vết nám đã tự ý bôi thuốc không có sự hướng dẫn của thầy thuốc mà theo thói quen hoặc theo truyền miệng của những người xung quanh.

 

Phần lớn, các loại thuốc ấy có chứa chất CORTICOID. Bên cạnh, một tỉ lệ không nhỏ bệnh nhân sử dụng “kem trộn” với mục đích trị mụn, làm trắng. “Kem trộn” thường có Cortibion, Becozym, Aspirin PH8, Vitamin E… đem trộn với nhiều loại kem khác nhau.

 

Người ta cho rằng bôi “kem trộn” da có vẻ trắng hơn, hết mụn và truyền miệng từ người này sang người khác. Các loại “kem trộn” không nhãn hiệu, đang được bày bán và sử dụng ở khắp mọi nơi từ thành thị đến nông thôn. Đặc biệt, phổ biến ở Nam Bộ”.

 

“Kem trộn” dùng trong thời gian đầu, nhiều người có da đẹp hơn, giảm mụn. Tuy nhiên, ngay sau đó là hàng loạt tác dụng phụ xảy đến: Teo da, giãn mao mạch, đỏ da, rạn nứt da, nhạy cảm ánh sáng,  trứng cá mụn mủ, rối loạn sắc tố được biểu hiện với hình ảnh các vùng da đen và trắng hoặc trắng và đỏ xen kẽ nhau.

 

Bác sĩ Bá nói thêm một tác dụng phụ khác rất nguy hiểm thường xảy ra, đó là tình trạng lệ thuộc CORTICOID, tức là sau khi sử dụng kem trộn có CORTICOID thì làn da rất khó thích ứng với sản phẩm nào khác.

 

Như trường hợp cô M ở Trà Vinh kể trên: Sau 3 tháng bôi kem, mụn li ti nổi lên, ngừng bôi là mụn phình lớn ra. Phải tiếp tục bôi nó thì mụn mới giữ ở dạng li ti và đó là sự lệ thuộc đã trở thành bệnh lý, da luôn ửng đỏ và ngứa. Việc điều trị rất phức tạp.

Về “kem trộn”, ngoài các tác dụng bất lợi do có chứa CORTICOID, còn vấn đề khác là sự tương tác giữa các tá dược khác nhau.

 

Thuốc bôi ngoài da thường có hai thành phần: Dược chất là những chất có tác dụng dược lý với tính chất lý hoá khác nhau. Tá dược là những thành phần có ý nghĩa trong việc ổn định thể chất thành phẩm, giúp cho dược chất ngấm vào da dễ dàng hơn để phát huy tác dụng.

 

Như vậy, mỗi thành phẩm khác nhau thường có các tá dược khác nhau nếu đem trộn chúng lại có thể sinh ra những chất độc và bôi chúng lên da tương tự như sự tự hủy họai làn da của mình.

 

Với những làn da mặt đã bị tàn phá do “kem trộn”, có thể chữa được không? Bác sĩ Bá khẳng định là chữa được, song mất thời gian và tốn kém.

 

Và do đó, khuyến cáo có thể nêu lên ở đây là dứt khoát không bôi lên mặt các sản phẩm không có nguồn gốc, các sản phẩm tự pha chế theo sự truyền miệng không có độ tin cậy về chuyên môn.

 

Theo Sáu Nghệ

Tiền phong