Bệnh nhân tử vong:
Kém chuyên môn hay do tắc trách?
“Đi khám, bác sĩ (BS) chẩn đoán là u nang mũi môi lành tính, chỉ cần phẫu thuật là khỏi. Vậy mà, chồng tôi lại bị tử vong vì nhiễm trùng huyết”. Chị Võ Thị Yến Phi đau đớn ôm di ảnh chồng vào lòng, vừa khóc vừa nói.
U nang “bình thường” - diễn biến bất thường
Chị Võ Thị Yến Phi (khóm 2, thị trấn Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) kể: chồng chị là anh Trương Hoàng Bá có mọc một cái mụn bên cánh mũi phải, thỉnh thoảng lại tái phát, gây mất ăn mất ngủ.
Ngày 24/8/2006, anh Bá tới khám tại Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BVĐHYD) và được bác sĩ K.H chẩn đoán là “U nang mũi môi” lành tính, có thể mổ lấy nang được. Sáng 28/8, anh Bá nhập viện và đến chiều thì được BS K.H mổ.
Ngày 29/8, sau khi mổ, anh Bá có biểu hiện sốt cao kèm theo run dữ dội, sức khỏe giảm thấy rõ. Bên má phải, quanh vùng mổ sưng tấy. 3 ngày tiếp theo, bệnh tình của anh vẫn chẳng hề thuyên giảm.
Đến sáng 31/8, sau khi thay băng, BVĐHYD cho anh xuất viện và chuyển sang BV Truyền máu Huyết học (BVTMHH) để làm xét nghiệm tủy đồ và điều trị vì cho rằng anh có khả năng bị suy tủy hoặc bệnh lý về máu. Tại BVTMHH, từ ngày 31/8 đến 6/9, anh Bá vẫn bị sốt cao, có lúc rét run, phải dùng đèn để sưởi ấm, đi tiêu ra máu. Đến sáng 6/9, tức là sau gần một tuần nằm ở BVTMHH, nơi đây cho biết anh Bá bị “hội chứng thực bào máu” .
Anh được chuyển xuống phòng chăm sóc tăng cường. Tại đây, thân nhiệt anh tuy bình thường nhưng bụng bắt đầu căng, chân bị phù, không tiểu được. Không an lòng nên trưa ngày 8/9, người nhà anh xin phép chuyển anh sang BV Chợ Rẫy. Nhưng đến 5 giờ sáng ngày 9/9, anh đã qua đời tại BV Chợ Rẫy.
Chị Yến Phi bức xúc: BS K.H ở BVĐHYD cho rằng bệnh của chồng chị là nhẹ, đã đúng chưa? Tại sao BVĐHYD TP nhận định ca mổ bình thường, không biến chứng hay tai biến. Trong khi, kết luận của BVTMHH và BV Chợ Rẫy cho thấy nguyên nhân tử vong của anh là do nhiễm trùng huyết cấp tính và tổn thương đa cơ quan… Như vậy, nhiễm trùng máu này do đâu?
Nguyên nhân tử vong?
Chuyển câu hỏi này đến BVĐHYD, chúng tôi được BS Đỗ Trọng Hải, Trưởng Phòng nghiệp vụ và BS K.H, người trực tiếp mổ cho anh Bá cho biết: Vì đây là nang không mủ, lành tính và ở vùng này ít mạch máu nên không thể có nhiễm trùng máu. Hai là, bạch cầu không cao và giảm cả 3 dòng (?). Sau khi mổ, BN có thể sẽ bị sưng từ 2 - 3 tuần. Khi bệnh nhân sốt cao, kết quả xét nghiệm thấy hồng cầu, tiểu cầu và đặc biệt là bạch cầu của BN có hiện tượng giảm nhanh, nghi BN bị suy tủy hoặc bị mắc bệnh lý ác tính trong máu nên phải chuyển sang BVTMHH để xét nghiệm tủy đồ và điều trị cho đúng chuyên môn.
Còn BS Trần Quốc Tuấn, người điều trị cho anh Bá ở BVTMHH, cho biết: “Khi nhận điều trị cho anh Bá thì anh đã trong tình trạng nhiễm trùng nặng, nhiều cơ quan bị tổn thương, tại vùng phẫu thuật có biểu hiện viêm, sưng và đau”. Về phương diện huyết học, BS cho biết, BN bị mắc hội chứng thực bào máu thứ phát cấp tính và điển hình do nhiễm trùng huyết.
Kết quả của BV Chợ Rẫy cũng cho thấy: đây là một ca bệnh rất nặng. Nguyên nhân anh Bá tử vong được xác định là do nhiễm trùng huyết, nghi từ vùng hàm mặt; biến chứng suy gan, suy thận, viêm phổi và rối loạn đông máu.
Trao đổi với chúng tôi, BS Trương Văn Việt, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết: BN bị nhiễm trùng trong lúc trên cơ thể có vết mổ, thông thường trong y khoa người ta sẽ nghĩ có thể liên quan tới nơi tổn thương.
Tuy nhiên, vi trùng cũng có thể xâm nhập từ con đường khác như từ dụng cụ mổ, kim tiêm, băng gạc, môi trường BV, từ khăn lau, từ người thân BN… “Cũng không loại trừ các yếu tố nhiễm trùng đã tiềm ẩn trong cơ thể bệnh nhân, gặp khi sức đề kháng yếu thì nó bùng phát. Dù sao, đây cũng là một sự cố đáng tiếc, ngoài ý muốn của BS và BN, các cơ sở y tế cũng nên nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm”, BS Việt tâm sự. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của một chuyên gia y tế, nếu phát hiện sớm nguyên nhân nhiễm trùng huyết thì việc điều trị cho bệnh nhân sẽ đơn giản hơn .
Theo Tiến Đạt
Sài Gòn giải phóng