TPHCM:

Kế hoạch phòng chống AIDS còn nhiều thách thức

(Dân trí) - Nguồn tài trợ từ nước ngoài cho chương trình phòng chống AIDS ngày một giảm trong khi ngân sách nhà nước không đủ bù. Những khó khăn về mặt tài chính, nhân lực đang gây nhiều khó khăn cho mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Theo báo cáo của Ủy ban phòng chống HIV/AIDS thành phố, trong 3 năm qua công tác phòng ngừa và điều trị đại dịch HIV/AIDS dù gặp không ít khó khăn nhưng vẫn đạt được những mục tiêu quan trọng. Thành phố đã kéo giảm số người nhiễm HIV mới xuống 27%, giảm tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con xuống dưới 2% đồng thời vẫn giữ nguyên số lượng người được điều trị bằng thuốc ARV.

Đại dịch AIDS ngày kết thúc không còn xa (ảnh: internet)
Đại dịch AIDS ngày kết thúc không còn xa (ảnh: internet)

TS.BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng thành phố nhận định, trước đây bệnh AIDS là nỗi ám ảnh gieo rắc cái chết kinh hoàng cho con người nhưng đến nay với sự hiểu biết và những tiến bộ của y học, bệnh AIDS đã trở thành bệnh mạn tính có thể kiểm soát được. Trên địa bàn thành phố, những năm gần đây, đường lây nhiễm HIV/AIDS đang có sự thay đổi. Ba năm trở về trước, đường lây truyền chủ yếu qua tiêm chích ma túy, nhưng hiện nay lây nhiễm qua đường tình dục đang chiếm số đông do đó nguy cơ lây lan trong cộng đồng vẫn rất lớn.

Tại Hội thảo đánh giá hoạt động phòng chống HIV/AIDS trong giai đoạn 2011 - 2013, tầm nhìn đến 2030 (ngày 10/12) thành phố đặt mục tiêu thanh toán đại dịch AIDS và năm 2030. Tuy nhiên, để đẩy lùi và tiến tới chấm dứt đại dịch thành phố buộc phải tập trung giải quyết nhiều thách thức. Giữa lúc nhu cầu mở rộng chương trình điều trị sớm đang phải xúc tiến thì mỗi năm nguồn tài trợ của các nước cho chương trình phòng chống AIDS bị cắt giảm 20-30%.

Kinh phí hạn chế nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng điều trị, chống kháng thuốc; duy trì các chương trình đã được quốc tế tài trợ như các phòng thí nghiệm, hệ thống thông tin tích hợp. Bên cạnh đó, việc lồng ghép chương trình phòng chống AIDS vào hoạt động các sở ngành vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Hiện, thành phố đã có nhiều sáng kiến để giải quyết những vấn đề khó khăn, công tác tuyên truyền được đưa vào chương trình giảng dạy của trường Cán bộ thành phố, Học viện Hành chính Quốc gia. Hầu hết các đơn vị y tế công lập đã tham gia phòng chống AIDS; xã hội hóa việc điều trị HIV/AIDS bằng Methadone và điều trị sớm bằng thuốc ARV. Duy trì nhân lực cho phòng chống AIDS bằng cách chuyển vào biên chế nhà nước theo cơ chế bù lương.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế kiêm Phó chủ tịch Ủy ban phòng chống AIDS thành phố, cho biết: “Trong điều kiện nguồn kinh phí bị cắt giảm, để tăng cường công tác phòng chống HIV/AIDS là bài toán khó. Chúng tôi đã đưa ra những giải pháp trên để duy trì hiệu quả và phát triển tốt hơn công tác phòng và đẩy lùi đại dịch. Thành phố đang huy động sự tham gia của toàn xã hội, của cộng đồng để đảm bảo nguồn kinh phí tối thiểu cho hoạt động phòng chống AIDS tiến tới kết thúc đại dịch vào năm 2030”.

Vân Sơn