Huyết khối tĩnh mạch- "kẻ sát nhân" thầm lặng trong mổ đẻ
(Dân trí) - Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch được mệnh danh là kẻ sát nhân thầm lặng. Trong đó có đến 80% không có triệu chứng. Nếu xảy ra biến chứng thuyên tắc phổi sẽ dẫn đến tử vong nhanh chóng, không có đủ thời gian để can thiệp y tế.
Chia sẻ tại Hội nghị khoa học Sản phụ khoa, hỗ trợ sinh sản diễn ra tại Hà Nội ngày 29/11, PGS.TS Phạm Bá Nha, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Bạch Mai cho biết có đến 80% các trường hợp thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch không có triệu chứng. Trên 70% trường hợp tử vong do thuyên tắc phổi chỉ được xác định sau khi khám nghiệm tử thi.
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch gồm huyết khối sâu tĩnh mạch và biến cố nghiêm trọng thuyên tắc phổi. Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch có đặc điểm là sự hiện diện của huyết khối trong tuần hoàn tĩnh mạch (gồm huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi).
Phần lớn huyết khối tĩnh mạch sâu là các huyết khối tĩnh mạch xuất phát từ tĩnh mạch vùng bắp chân và không có triệu chứng.
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là một trong những biến chứng có thể gặp phải sau phẫu thuật phụ khoa (mổ đẻ, nội soi cắt tử cung, cắt âm vật ung thư, phẫu thuật trực tràng và són tiểu…). Tuổi, bệnh lý ác tính, thời gian phẫu thuật, tiền sử mắc huyết khối tĩnh mạch là các yếu tố nguy cơ lâm sàng làm gia tăng khả năng mắc.
Nghiên cứu về tỷ lệ huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới trên sản phụ mổ lấy thai tại Bệnh viện Bạch Mai của tác giả Lưu Tuyết Minh trên gần 900 sản phụ sau mổ lấy thai tại bệnh viện và từ các bệnh viện khác chuyển đến cho thấy tỷ lệ nhóm mổ lấy tại Bệnh viện Bạch Mai mắc biến chứng trên là chưa đến 1%. Ở nhóm chuyển đến Bệnh viện điều trị tiếp sau mổ lấy thai là hơn 15%.
Nghiên cứu này cho thấy có mối liên hệ với các yếu tố như chuyển dạ kéo dài trên 24 giờ, thai kỳ bệnh lý, tình trạng nhiễm trùng và nằm bất động kéo dài.
Trên lâm sàng, tỷ lệ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch không cao, tuy nhiên khi xảy ra biến chứng thuyên tắc phổi sẽ dẫn đến tử vong nhanh chóng, không có đủ thời gian để can thiệp y tế cho người bệnh.
Vì vậy theo PGS Nha, việc quan tâm đúng mức đối với biến chứng hậu phẫu này trên bệnh nhân phẫu thuật phụ khoa rất cần thiết.
Mỗi năm tại Khoa Phụ sản- Bệnh viện Bạch Mai có khoảng 8000 sản phụ đến sinh con, thực hiện gần 1000 ca mổ phụ khoa.
GS.TS Ngô Quý Châu- Phó Giám đốc phụ trách điều hành Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trên 50% số ca mổ phụ khoa được thực hiện mổ nội soi. Trong đó mổ nội soi cắt tử cung hoàn toàn là một kỹ thuật khó trong phẫu thuật phụ khoa.
Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa khoa Phụ sản với các chuyên khoa Hồi sức tích cực, Gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, huyết học truyền máu… , nhiều trường hợp tai biến sản khoa nặng đã được cứu sống. Bên cạnh đó, cùng với Khoa Nhi, các bác sĩ đã cứu sống được nhiều ca sinh non yếu trên nền các bà mẹ có bệnh lý nặng.
Tại Hội nghị khoa học Sản phụ khoa, hỗ trợ sinh sản, các chuyên gia đầu ngành cập nhật các thông tin về HPV và ung thư cổ tử cung, thực trạng sản phụ mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống, các khuyến cáo của Hội Sản phụ Khoa Pháp về chảy máu sau sinh, quản lý tử cung có sẹo sau mổ cũ...
Nam Phương