1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hướng dẫn cách sơ cứu cho trẻ bị ngộ độc thực phẩm dịp Tết

Vân Sơn

(Dân trí) - Hệ miễn dịch chưa hoàn thiện là nguyên nhân khiến trẻ em có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm cao hơn trong dịp Tết Nguyên Đán. Xử trí đúng cách sẽ giúp trẻ vượt qua được giai đoạn nguy hiểm.

Ngày Tết, anh em bé Nguyễn Văn K. (7 tuổi) và Nguyễn Văn P. (3 tuổi, ngụ tại Long An) được bố đưa đi chơi về, trong lúc đói bụng nhưng người mẹ chưa kịp chuẩn bị bữa nên cả hai đã lấy đồ ăn cũ còn dư lại từ hôm trước ra dùng. Khoảng 2 giờ sau khi ăn, cả hai anh em có biểu hiện bị đau bụng, nôn ói. Riêng cậu em diễn tiến nặng hơn với tình trạng sốt, tiêu chảy ngày mùng 2 Tết các bé phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu.

Hướng dẫn cách sơ cứu cho trẻ bị ngộ độc thực phẩm dịp Tết - 1

Đừng để dịp Tết mất vui vì những nguy cơ ngộ độc, rối loạn tiêu hóa xuất phát từ thực phẩm

Cung cấp thông tin cho bác sĩ, mẹ bệnh nhi cho biết, đêm giao thừa, gia đình tổ chức buổi tiệc nhẹ, sau khi uống vài ly rượu, chị thấy mệt nên lên lầu nghỉ trước. Món ăn các con sử dụng là chả, thịt nguội còn dư lại từ tối hôm trước, người nhà quên bỏ vào tủ lạnh mà úp lồng bàn để trên bếp.

Bác sĩ nhận định nhiều khả năng đồ ăn đã ôi thiu, nhiễm khuẩn là nguyên nhân khiến 2 bệnh nhi có biểu hiện bị ngộ độc. Các bé đã được chăm sóc, theo dõi và điều trị triệu chứng ngộ độc thực phẩm. Sau 1 ngày được chăm sóc, tình trạng sức khỏe của cả hai đã tạm ổn, được xuất viện về nhà.

Các bác sĩ cảnh báo, nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên Đán luôn tiềm ẩn và có thể xảy ra đối với bất kỳ độ tuổi nào. Nguyên nhân của tình trạng trên là do thời điểm cuối năm, nguồn hàng hóa dồn về nhiều, bên cạnh các mặt hàng thực phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng thì có những mặt hàng không đảm bảo nhưng đã bị trà trộn vào nhóm hàng chất lượng tốt. Khi sử dụng phải nguồn thực phẩm kém chất lượng, có chứa các chất nguy hại cho sức khỏe, cơ thể sẽ bị ngộ độc.

Ngoài ra, việc bảo quản thực phẩm trong mùa Tết Nguyên Đán cũng mang tới nhiều rủi ro. Thức ăn, rau củ quả quá nhiều bị nhồi nhét vào tủ lạnh gây quá tải, tủ không đủ nhiệt độ làm mát bảo quản khiến thực phẩm dễ hư hỏng, ôi thiu. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ điều này mà trái lại nhiều người còn có tâm lý chủ quan cứ nghĩ bảo quản trong tủ lạnh là an toàn nên dễ bị ngộ độc khi ăn phải những thực phẩm đã nhiễm khuẩn.

Trẻ em là đối tượng có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm rất cao do hệ tiêu hóa còn non nớt, hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, khi cơ thể gặp tác nhân bất lợi sẽ gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Cần sơ cấp cứu ngay khi trẻ có biểu hiện bị ngộ độc và chuyển đến bệnh viện khi bệnh nhi rơi vào tình trạng nặng.

Hướng dẫn cách sơ cứu cho trẻ bị ngộ độc thực phẩm dịp Tết - 2
Hãy kiểm tra và chắc chắn thức ăn được lưu trữ trong dịp Tết luôn tươi, đồng thời nấu chín trước khi sử dụng

Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ bị ngộ độc nhẹ, phụ huynh có thể tự sơ cấp cứu và chăm sóc tại nhà. BS Nguyễn Đình Qui, khoa Nội 1, Bệnh viện Nhi Đồng 1 khuyến cáo: "Khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm, phụ huynh phải ngừng ngay không cho trẻ ăn tiếp món cũ và các món khác. Nhanh chóng gây nôn cho trẻ, nôn càng nhiều càng tốt để thức ăn và độc tố tống hết ra ngoài. Gây nôn có nhiều cách ngoáy vào họng để gây nôn hoặc uống đầy nước rồi móc họng. Khi nôn sặc lên mũi người phải dùng miệng để hút ra ngoài không trẻ bị sặc dẫn đến tử vong".

Tư thế nằm khi nôn, phải để trẻ nằm đầu thấp, đầu hơi nghiêng, lấy khăn lau chùi trong quá trình trẻ nôn, lau sạch miệng cho trẻ khi đã nôn xong, bổ sung oresol để bù lại lượng nước đã mất khi bị tiêu chảy. Khi trẻ khát nước không nên cho trẻ uống nước lọc hoặc nước có ga, chỉ nên cho bé uống oresol, vừa bù lượng nước đã mất, vừa cung cấp chất điện giải cho cơ thể.

Cho trẻ ăn các món cháo loãng nấu với thịt hoặc khoai tây. Các loại rau củ giúp tạo khuôn cho phân, giúp bé đi ngoài phân đặc hơn, cải thiện tình trạng mất nước. Nếu bé không muốn ăn thì cha mẹ cũng không cần quá lo lắng, vì khi bé bị ngộ độc thực phẩm, việc bù nước là quan trọng nhất còn ăn uống thì là thứ yếu.

Tuyệt đối không được cho trẻ dùng thuốc cầm tiêu chảy. Tiêu chảy do ngộ độc thức ăn, không quen ăn những món kỵ nhau… không cần vội uống thuốc ngay, chỉ cần thức ăn được tiêu hóa hết hoặc nôn ra hết là khỏi. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn cụ thể của bác sĩ.