Hợp chất độc hơn thạch tín gây ung thư gan có nhiều trong thực phẩm bị mốc

Minh Nhật

(Dân trí) - Nhiều người có thói quen rửa sạch, phơi khô thực phẩm bị mốc như gạo, lúa mì, đậu và tiếp tục sử dụng mà không hề hay biết đây có thể là nguyên nhân dẫn đến ung thư.

Các loại thực phẩm như: gạo, ngô, đậu, hạt hướng dương, trái cây hoặc hải sản khô… nếu quá trình chế biến, bảo quản và vận chuyển không đúng cách rất dễ phát sinh nấm mốc. Không những thế, đồ hộp, thức ăn chế biến sẵn bị ôi thiu hoặc quá hạn cũng có thể bị nhiễm nấm mốc tiết ra một loại độc tố rất mạnh gọi là aflatoxin. Nếu ăn phải các loại thực phẩm này, dù chỉ với một liều lượng rất nhỏ cũng đã có thể gây ngộ độc cấp tính cho các cơ quan nội tạng. Khi xâm nhập vào gan sẽ dẫn tới gan nhiễm mỡ, xơ gan và ung thư gan. Nếu người đang bị viêm gan B mà ăn phải nấm mốc có chứa aflatoxin thì nguy cơ ung thư sẽ tăng cao 60 lần so với nguời chỉ nhiễm viêm gan B.

Hợp chất độc hơn thạch tín gây ung thư gan có nhiều trong thực phẩm bị mốc - 1

Các nghiên cứu cũng cho thấy aflatoxin độc hơn asen (thạch tín) tới 68 lần. aflatoxin sau khi vào cơ thể chủ yếu được gan chuyển hóa thành một loại dẫn xuất khác, có khả năng gắn chèn với ADN nên gây ra đột biến gen. Nếu đột biến gen khiến tế bào phân chia không ngừng nghỉ thì sẽ khởi phát ung thư. Tiếp xúc lâu dài với aflatoxin nồng độ cao cũng được xác định là nguyên nhân chính gây ung thư gan. Việc hấp thu 1 mg aflatoxin có thể gây ung thư và 20 mg đủ gây ra cái chết cho một người trưởng thành.

Do vậy, để chủ động phòng và điều trị các bệnh lý về gan, ngừa ung thư gan, cần chú trọng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tuyệt đối không sử dụng các loại thực phẩm đã bị ôi thiu, nhiễm nấm mốc, thường xuyên vệ sinh tủ lạnh và các dụng cụ chế biến, bảo quản thức ăn để hạn chế tối đa việc nhiễm nấm mốc thực phẩm.