Hơn 700.000 học sinh tiểu học được tẩy giun

(Dân trí) - Trong 2 ngày 28 - 29/11, đã có hơn 700.000 học sinh tiểu học tại 4 tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ và Nghệ An đã được đồng loạt uống thuốc giun miễn phí.

Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế cho biết, báo cáo kết quả điều tra của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và côn trùng Trung ương, Việt Nam có khoảng 8,5 triệu trẻ em nhiễm giun. Đặc biệt, tỉ lệ nhiễm giun ở trẻ em miền núi ở lứa tuổi 2 - 5 tuổi rất cao. Một số tỉnh điều tra tỉ lệ nhiễm giun lên tới 77,9% (Nghệ An), 76,4% (Thanh Hóa), 53% (Điện Biên), 54% (Lai Châu).

Sáng 29/11, học sinh trường Tiểu học Hạ Bì, huyện Kim Bôi, Hòa Bình được uống thuốc tẩy giun. Ảnh: H.Hải
Sáng 29/11, học sinh trường Tiểu học Hạ Bì, huyện Kim Bôi, Hòa Bình được uống thuốc tẩy giun. Ảnh: H.Hải

Kết quả một cuộc điều tra khác của trường Đại học Y Hà Nội cũng cho thấy tỷ lệ nhiễm giun ở trẻ em cũng cao xấp xỉ người lớn. Tỷ lệ nhiễm giun đũa là 70%, giun tóc 51% và giun kim là 16%. Tình trạng này có ảnh hưởng đáng kể tới trọng lượng và sự phát triển của trẻ. Tất cả trẻ nhiễm 3 loại giun kể trên đều nhẹ cân hơn so với trẻ không nhiễm.

Ba trong số những loại giun nhiễm phổ biến nhất ở Việt Nam là giun đũa, giun tóc và giun móc. Việc nhiễm cùng một lúc nhiều loại giun rất phổ biến tại Việt Nam. Tỷ lệ nhiễm phối hợp 2, 3 loại giun ở miền Bắc rất cao tới 60-70%. Một điều tra trên 500.000 mẫu phân của Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ nhiễm giun đũa cao nhất, tiếp đó đến nhiễm giun tóc và giun móc.

Nguyên nhân nhiễm giun là do điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân kém như đi tiêu bừa bãi còn phổ biến; tỷ lệ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh còn thấp; thói quen sử dụng phân tươi để bón ruộng; vệ sinh cá nhân còn kém, ít có thói quen rửa tay hàng ngày; không sử dụng giầy, dép và các dụng cụ bảo hộ lao động khi tiếp xúc với đất.

Trong khi đó nhiễm giun gây nên nhiều tác hại khác nhau như thiếu máu, thiếu Vitamin, suy dinh dưỡng, gây bệnh gan mật, phổi, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và tinh thần. Ở nhiều trường hợp nặng còn có thể tử vong.

Theo ông Trần Công Đại, chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới, để phòng chống nhiễm giun cần duy trì thói quen vệ sinh cá nhân, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và đặc biệt tẩy giun định kỳ.

“Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, ở nhóm trẻ có nguy cơ cao (trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học, phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ), sau 5-6 năm tẩy giun định kỳ cho các nhóm này, nếu tỷ lệ nhiễm giun chỉ còn <1% thì không cần thực hiện chiến dịch tẩy giun; Tỷ lệ nhiễm giun từ 1% đến dưới 10% thì chỉ cần tẩy 02 năm/ lần; Từ 10% đến dưới 20% thì tẩy giun 1 năm/ lần; Từ 20% đến 30% cần tẩy giun 2 lần/ năm và nếu tỷ lệ trên 50% thì tẩy giun 3 lần/ năm.

Việc thực hiện chiến lược tẩy giun theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới giúp định hướng cho việc ưu tiên các nguồn lực để đảm bảo việc phòng, chống nhiễm giun ở Việt Nam đạt hiệu quả cao nhất”, ông Đại nói.

Theo Bộ Y tế, các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, việc chỉ ra rằng các chương trình phòng chống giun sán trong trường học sẽ giúp giảm tỷ lệ nhiễm giun hiệu quả. Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), phối hợp với Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương, Vụ công tác Học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và tổ chức Đông Tây Hội Ngộ triển khai dự án “Phòng chống các bệnh giun truyền qua đất thông qua cải thiện vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân tại một số tỉnh của Việt Nam”, triển khai chiến dịch tẩy giun hàng loạt cho khoảng 700.000 học sinh tiểu học tại 4 tỉnh miền núi. Chiến dịch nhằm giảm tỉ lệ nhiễm giun ở lứa tuổi học đường, nâng cao nhận thức phòng nhiễm giun cộng đồng.

Hồng Hải