Hơn 600 ca phẫu thuật cột sống bằng Robot không có biến chứng
(Dân trí) - Theo PGS Nguyễn Văn Thạch, Chủ tịch Hội chấn thương chỉnh hình Việt Nam, vai trò của robot trong phẫu thuật cột sống là vô cùng quan trọng, mang lại sự chính xác tới 98% khi can thiệp. Đây là ưu thế vượt trội của robot khi bác sĩ phải can thiệp vào vùng cột sống nhạy cảm của bệnh nhân.
Tại Hội thảo khoa học "Cập nhật những tiến bộ trong phẫu thuật Cột sống có ứng dụng Robot hỗ trợ trên thế giới và Việt Nam" diễn ra sáng 26/4 tại Hà Nội, PGS Thạch cho biết, phương pháp phẫu thuật các bệnh về cột sống bằng robot được các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện đầu tiên tại Việt Nam vào cuối năm 2012 và đến nay đã có hơn 600 bệnh nhân được phẫu thuật.
“Sau gần 5 năm triển khai với 600 bệnh nhân được theo dõi tái khám sau phẫu thuật cho thấy, 100% ca bệnh chấn thương cột sống được phẫu thuật bằng robot tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đều thành công và không có biến chứng nào được ghi nhận”, PGS Thạch khẳng định.
Tại Hội nghị, nhiều bệnh nhân sau can thiệp cột sống bằng robot cũng xuất hiện. Như bà Thân Thị Thanh (71 tuổi) ở Hà Tĩnh. Bà là bệnh nhân đầu tiên được phẫu thuật cột sống bằng robot tại Bệnh viện Việt Đức từ năm 2012, đến nay tình trạng sức khỏe của bà hoàn toàn ổn định, đi đứng bình thường.
“Trước khi được phẫu thuật, tôi phát hiện mắc bệnh về cột sống được 2 năm. Tôi luôn cảm thấy đau đớn, đi lại khó khăn. Mỗi khi đi lại, tôi chỉ đi được khoảng 5m là phải dừng lại nghỉ vì đau”, bà Thanh nhớ lại.
PGS Thạch cho biết, ông rất chia sẻ với đau đớn của những người bị bệnh lý liên quan đến cột sống, thoát vị đĩa đệm, đau đớn muốn “chết đi sống lại”, không thể tự đi đứng, sinh hoạt, nằm, ngồi đều khó khăn.
Trước đây, người ta ngại đụng đến cột sống vì sợ mổ xẻ có thể gây liệt. Nhưng ngày nay, với các kỹ thuật mổ cột sống tiên tiến, bằng tay nghề bác sĩ, sự chính xác của hệ thống robot đã mang lại thành công cho nhiều ca bệnh.
Ngày nay, các biến chứng thông thường như chảy máu, nhiễm trùng, biến chứng tai biến phẫu thuật (nặng nhất có thể liệt hoàn toàn) ngày càng ít đi bởi kỹ thuật phẫu thuật ngày càng hiện đại, ít xâm lấn.
Bà Thanh sau khi nhập viện, được phẫu thuật can thiệp cột sống bằng robot, sau một tuần bà đã đi lại được và hiện nay bà vận động, đi lại như người bình thường.
Theo PGS Thạch, trong lĩnh vực cột sống, robot được áp dụng trong các can thiệp lối sau, đặc biệt trong phẫu thuật ít xâm lấn đem lại ưu thế vượt trội. Trong suốt quá trình phẫu thuật, hệ thống robot giúp bác sĩ phẫu thuật định vị chính xác vị trí theo kế hoạch đã vạch sẵn từ trước với độ chính xác cao nhất.
Độ chính xác của can thiệp cột sống nhờ hệ thống robot lên tới 98%. Đây là lý do mang đến thành công của 600 ca bệnh.
Tại BV Việt Đức, hệ thống robot được ứng dụng trong nhiều phẫu thuật chấn thương cột sống ngực-thắt lưng, bệnh lý trượt đốt sống và thoát vị đĩa đệm, chỉnh vẹo cột sống ngực-thắt lưng lối sau…
TS Thạch cho biết, hệ thống robot ngày càng được hoàn thiện hơn về công nghệ, kỹ thuật. Robot nâng cao độ chính xác của phẫu thuật, giảm tối đa nguy cơ phơi nhiễm tia X của phẫu thuật viên và người bệnh, giảm thời gian can thiệp.
“Như trước đây, những ca đầu tiên tiến hành phẫu thuật bằng robot kéo dài tới gần 10 giờ đồng hồ thì nay, thời gian giảm xuống trung bình là 90 phút với phẫu thuật đặt vít chấn thương cột sống; 3 giờ đồng hồ với bệnh nhân trượt đốt sống bao gồm cả ghép xương liên thân đốt”, PGS Thạch nói.
Với những thành công này, Khoa phẫu thuật cột sống Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã trở thành trung tâm phẫu thuật cột sống ứng dụng định vị robot hỗ trợ chính xác Renaissance cho người bệnh đầu tiên và nhiều nhất khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 2 khu vực Châu Á.
Tập thể Khoa Phẫu thuật cột sống và phó giáo sư Nguyễn Văn Thạch đã được Tổ chức Nghiên cứu và ứng dụng robot trong phẫu thuật cột sống trao Kỷ niệm chương Vì sự tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng robot hỗ trợ chính xác Renaissance để điều trị cho người bệnh.
Hồng Hải