Hơn 42 tỷ đồng thí điểm sàng lọc ung thư cổ tử cung

(Dân trí) - Với mục tiêu dự phòng, sàng lọc phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung và tiếp cận điều trị sớm, giảm tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong, Sở Y tế Thanh Hóa đã xây dựng đề án thí điểm sàng lọc ung thư cổ tử cung.

Sáng ngày 22/10, ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì họp nghe báo cáo đề án: Thí điểm sàng lọc ung thư cổ tử cung (UTCTC) giai đoạn 2020-2025, tỉnh Thanh Hóa. Đây là một trong 6 tỉnh được Bộ Y tế phê duyệt tham gia thí điểm đề án sàng lọc UTCTC.

Hơn 42 tỷ đồng thí điểm sàng lọc ung thư cổ tử cung - 1
UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức họp nghe báo cáo đề án: Thí điểm sàng lọc ung thư cổ tử cung giai đoạn 2020-2025, tỉnh Thanh Hóa.

Theo báo cáo của Sở Y tế Thanh Hóa, UTCTC là bệnh lý ác tính, thường gặp ở phụ nữ từ độ tuổi 30 trở đi, đứng hàng thứ hai về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong trong các ung thư sinh dục ở nữ giới. Đây là một bệnh nguy hiểm, tạo ra các gánh nặng cho người bệnh, gia đình, hệ thống y tế và xã hội.

Việc kiểm soát bằng cách sàng lọc, phát hiện sớm các thương tổn tiền ung thư nên được thực hiện tại cộng đồng, qua đó nhằm dự phòng và điều trị kịp thời làm giảm tỷ lệ mắc mới, giảm tử vong do UTCTC, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh và giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Với mục tiêu dự phòng, sàng lọc phát hiện sớm các tổn thương tiền UTCTC và tiếp cận điều trị sớm tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giảm tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong do UTCTC, Sở Y tế Thanh Hóa đã xây dựng đề án thí điểm sàng lọc UTCTC.

Đề án sẽ triển khai thí điểm tại các huyện: Yên Định, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Nông Cống, Quảng Xương, Tĩnh Gia và Đông Sơn.

Đề án được chia thành 2 giai đoạn (2020-2021 thực hiện tại 4 huyện: Yên Định, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn; giai đoạn 2022-2025 mở rộng thêm 6 huyện: Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Nông Cống, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Đông Sơn).

Các hoạt động thực hiện gồm: Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và hiểu biết của cộng đồng, bao gồm cả các nhân viên y tế về UTCTC và các biện pháp dự phòng, kiểm soát UTCTC; nâng cao năng lực dự phòng, sàng lọc và điều trị UTCTC nhằm phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư và ung thư, giảm tỷ lệ mắc mới UTCTC, điều trị hiệu quả các trường hợp tiền UTCTC; nâng cao năng lực và hiệu quả trong giám sát và quản lý bệnh UTCTC.

Các giải pháp thực hiện tập trung vào chính sách, bảo đảm tài chính; truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức, thái độ và thay đổi hành vi; đào tạo, nâng cao năng lực; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, khoa học và công nghệ; hệ thống ghi nhận thông tin, theo dõi và giám sát.

Dự kiến kinh phí thực hiện đề án nêu trên là gần 42,7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp của tỉnh Thanh Hóa, nguồn chương trình mục tiêu Y tế - Dân số của Trung ương, nguồn từ các chương trình, dự án khác của Chính phủ và nguồn xã hội hóa.

Tại hội nghị, sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, ông Quyền nhấn mạnh, việc tổ chức triển khai đề án là thực sự cần thiết. Trước mắt triển khai thí điểm ở quy mô nhỏ, sau đó đánh giá rút kinh nghiệm, nhân rộng. Đề nghị ngành Y tế tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn chỉnh đề án trình UBND tỉnh phê duyệt.

Theo ông Quyền, địa điểm triển khai nên tính toán yếu tố vùng miền để so sánh, có giải pháp can thiệp khi triển khai ra diện rộng. Trước mắt kinh phí triển khai trong nguồn đề xuất Sở Tài chính đã thống nhất với Sở Y tế.

Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, trong đó đặc biệt quan tâm phối hợp với Hội phụ nữ trong triển khai đến hội viên, bởi đây là đối tượng chính tham gia đề án…

Duy Tuyên