1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hơn 30 triệu liều vắc xin Covid-19 có thể về Việt Nam trong năm nay

(Dân trí) - Để phục vụ cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử, bên cạnh việc đàm phán để tiếp cận các nguồn cung cấp vắc xin Covid-19 từ quốc tế, Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh nghiên cứu vắc xin trong nước.

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử

Việt Nam bước sang ngày thứ hai đợt tiêm vắc xin Covid-19 đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.  Tổng cộng hơn 100 triệu mũi tiêm sẽ được thực hiện trên toàn quốc.

Hơn 30 triệu liều vắc xin Covid-19 có thể về Việt Nam trong năm nay - 1

Nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được tiêm vắc xin Covid-19 ngày 8/3.

Về kế hoạch tiêm chủng vắc xin, theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, trong đợt đầu tiên này, Việt Nam sẽ thực hiện hiện tiêm 117.600 liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca cho các đối tượng ưu tiên là lực lượng chủ chốt ở tuyến đầu thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn bệnh tại 13 tỉnh/thành phố đang là điểm nóng về phòng chống dịch (Hải Dương, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Quảng Ninh, Điện Biên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Giang, Bình Dương) và 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19.

Để mở rộng quy mô tiêm chủng, dự kiến trong năm nay, sẽ tiếp tục nhập đủ 30 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca, theo thỏa thuận hợp tác trước đó giữa Bộ Y tế, AstraZeneca và Hệ thống tiêm chủng VNVC.

Hơn 30 triệu liều vắc xin Covid-19 có thể về Việt Nam trong năm nay - 2

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại cuộc họp báo trong ngày đầu tiên triển khai tiêm vắc xin Covid-19.

GS Thuấn cho hay "Bên cạnh vắc xin của AstraZeneca, Bộ Y tế cũng đang đàm phán để sớm có các loại vắc xin Covid-19 của các hãng khác, ví dụ như: vắc xin Sputnik V của Nga, vắc xin của hãng Pfizer/Moderna và một số vắc xin khác".

Bên cạnh các nguồn vắc xin nhập khẩu, quá trình nghiên cứu vắc xin Covid-19 trong nước cũng đang được đẩy mạnh. Hiện tại, đã có 2 loại vắc xin bước sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng là Nanocovax và Covivac. Nếu thử nghiệm diễn ra suôn sẻ, dự kiến cuối năm 2021, đầu năm 2022, Việt Nam sẽ có vắc xin Covid-19 trong nước sản xuất.

Hơn 30 triệu liều vắc xin Covid-19 có thể về Việt Nam trong năm nay - 3

Lô vắc xin Covid-19 đầu tiên của AstraZeneca về Việt Nam.

"Dựa trên số lượng vắc xin, sẽ triển khai tiêm chủng từng bước chiếu theo Nghị quyết 21 của Chính phủ. Trong đó, đã quy định rõ các đối tượng ưu tiên. Cố gắng bao phủ vắc xin cho toàn bộ các đối tượng có chỉ định trong năm 2021 và năm 2022", Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh.

4 triệu liều vắc xin có thể về Việt Nam trong 2 tháng tới

1,2 triệu liều vắc xin Covid-19 có thể về Việt Nam trong tháng 3 và trong tháng 4 có thể thêm 2,8 triệu liều tiếp tục được phân phối cho Việt Nam thông qua cơ chế tiếp cận vắc xin COVAX. Đây là thông tin đưa ra bởi bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam.

Bà Rana Flowers cho hay: "Khi Việt Nam đáp ứng đầy đủ các vấn đề về mặt pháp lý, chúng tôi sẽ có thể đưa các lô vắc xin đầu tiên để hỗ trợ cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX trong tháng 3 này".

Hơn 30 triệu liều vắc xin Covid-19 có thể về Việt Nam trong năm nay - 4

4 triệu liều vắc xin có thể về Việt Nam trong 2 tháng tới (Hình minh họa).

"Mục tiêu của chúng tôi là làm mọi cách để đưa vắc xin một cách nhanh chóng và an toàn đến Việt Nam. Chiến dịch này không chỉ để hỗ trợ về mặt y tế cho Việt Nam, mà còn góp phần vào việc khôi phục nền kinh tế của Việt Nam, do những ảnh hưởng của đại dịch", bà Rana Flowers nhấn mạnh.

Bà chia sẻ thêm, bản thân rất tự hào khi chứng kiến những mũi tiêm ngừa Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam.

Cũng theo Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam, Unicef trong hơn 75 năm qua luôn đóng góp vào việc cải thiện hệ thống y tế, cũng như hỗ trợ chương trình tiêm chủng mở rộng ở các quốc gia.

Trong đại dịch Covid-19 lần này, Unicef đang hết sức khẩn trương đàm phán với các công ty để đảm bảo 2 tỷ liều vắc xin có thể đến được với 92 quốc gia nghèo và thu nhập thấp thông qua cơ chế COVAX. Bên cạnh đó, Unicef cũng đang làm việc với 10 hãng hàng không để có thể vận chuyển miễn phí những lô vắc xin này.

Bà nhận định: "Để có thể đảm bảo những chiến dịch tiêm vắc xin như thế này cần sự nỗ lực của tất cả các cơ quan tổ chức có liên quan cho quá trình vận chuyển, bảo quản và tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm