Hơn 2.000 báo cáo nghi ngờ phản ứng có hại của thuốc
(Dân trí) - Năm 2008, Cục Quản lý dược đã nhận được trên 2.000 báo cáo về các trường hợp nghi ngờ phản ứng có hại của thuốc. Tuy nhiên, các chuyên gia dược khẳng định, đây là số liệu báo cáo quá nhỏ bé so với thực tế.
Những báo cáo này cho thấy, hầu hết các trường hợp này đều liên quan tới việc sử dụng các loại thuốc thường dùng tại Việt Nam như kháng sinh, thuốc trợ tim và thuốc giảm đau (nhóm kháng sinh chiếm nhiều nhất với gần 46%, các nhóm thuốc khác như NSAID là 9%, Morphin và dẫn chất 1,1%, thuốc y học cổ truyền 2,7%, thuốc điều trị lao 14,7%... )
Tại Hội thảo đồng thuận về cảnh giác dược tại Việt Nam tổ chức ngày 25/4, tại Hà Nội, ông Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định: phần lớn mọi quốc gia trên thế giới đều thiết lập hệ thống và ban hành các quy định pháp lý về hoạt động thông tin thuốc, cảnh giác dược phù hợp với hệ thống y tế ở nước đó. Tuy nhiên, tại Việt Nam những liên quan đến hoạt động này còn rất hạn chế, không có định hướng lâu dài dẫn đến việc trên thực tế nhiều sản phẩm thuốc sau khi được cấp phép lưu hành đã bị rút khỏi thị trường vì gây ra những tác dụng có hại nghiêm trọng, vượt trội hơn cả lợi ích điều trị của thuốc đó.
Sau nhiều cố gắng Bộ y tế ký quyết định thành lập Trung tâm thông tin và theo dõi phản ứng có hại của thuốc quốc gia, trực thuộc trường ĐH Dược Hà Nội ngày 24/3. Đây được đánh giá là một bước đột phá quan trọng và đơn vị này sẽ là đầu ngành về thông tin thuốc và và theo dõi phản ứng có hại của thuốc, giúp Bộ Y tế xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin thuốc và cảnh giác dược; cung cấp thông tin, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến, hợp tác quốc tế, tư vấn dịch vụ về thông tin thuốc và cảnh giác dược… Từ nay đến năm 2010, Trung tâm sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu tổ chức các chương trình đào tạo nhân lực, xây dựng quy chế, các hoạt động cho công tác chỉ đạo tuyến, triển khai công tác tuyên truyền, xuất bản, thành lập nhóm tư vấn dược sĩ lâm sàng…
P. Thanh