1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

80 ngàn ca mắc sốt xuất huyết: Y tế "nóng" mà dân vẫn ... "lạnh"

(Dân trí) - Số bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) vẫn tăng lên không ngừng trong cả nước, với 80.555 trường hợp mắc từ đầu năm đến nay, 24 ca tử vong khiến ngành y tế như ngồi trên đống lửa. Bộ trưởng Bộ Y tế đã đích thân chỉ đạo cuộc họp chống dịch chiều 10/8 nhằm tìm ra giải pháp giảm số ca mắc, tử vong do SXH.

Tăng ca mắc, tăng tử vong

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, so với cùng kỳ năm 2016 số mắc SXH năm nay tăng 33,5%, số tử vong tăng 05 trường hợp.

80 ngàn ca mắc sốt xuất huyết: Y tế "nóng" mà dân vẫn ... "lạnh" - 1

Diễn biến dịch căng thẳng trong cả nước, đặc biệt tại Hà Nội với số mắc tăng cao, hơn 13 nghìn ca mắc và 7 trường hợp tử vong.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lo ngại bởi mới 8 tháng đầu năm, số ca mắc SXH toàn thành phố đã là gần 14.000 ca, sắp vượt con số mắc cả năm 2009 – năm Hà Nội bùng phát SXH đỉnh điểm với 16.000 ca, sắp vượt địa phương vốn luôn có bệnh nhân SXH cao nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh (với 16.500 ca mắc).

Trong khi đó, diễn biến thời tiết vẫn phức tạp, nắng lắm, mưa nhiều tạo điều kiện cho muỗi, loăng quăng phát triển gây bệnh. Chưa kể các năm, Hà Nội chỉ ghi nhận bệnh nhân SXH tuýp D1, D2 thì năm nay tuýp vi rút D3, D4 cũng gây bệnh.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh cho biết thực trạng điều trị bệnh nhân SXH ở tất cả các bệnh viện Hà Nội là rất căng thẳng, dù tỉ lệ nhập viện chỉ chiếm khoảng 10% số bệnh nhân khám.

Như tại BV Nhiệt đới Trung ương, hàng nghìn lượt bệnh nhân khám SXH mỗi ngày. Nhất là trong 20 ngày gần đây số bệnh nhân tăng lên liên tục và đến 85% bệnh nhân SXH đến từ Hà Nội.

Tính đến nay BV Nhiệt đới Trung ương điều trị hơn 2000 ca SXH thì bệnh nhân đến từ Hà Nộ là 1761 ca.

Các viện khác như Đống Đa, bệnh nhân SXH điều trị là 204/294 giường bệnh. Điều này cho thấy đến 3/4 bệnh nhân là SXH.

BV Hà Đông, lượng bệnh nhân SXH là 192 ca; BV Thanh Trì là 172 ca; BV Xây dựng là 177.

Quyết liệt mọi mặt, sao SXH vẫn bùng phát?

Nghe mọi người trình bày diễn biến của SXH căng thẳng, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến không khỏi sốt ruột, đặt câu hỏi truy vấn, tại sao đã làm quyết liệt mọi cái, số ca SXH vẫn bùng phát, tiếp tục tăng lên?

Bộ trưởng Tiến thể hiện rất sốt ruột khi dịch SXH vẫn tăng lên dù ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp can thiệp.
Bộ trưởng Tiến thể hiện rất sốt ruột khi dịch SXH vẫn tăng lên dù ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp can thiệp.

”Tại sao số nhập viện chỉ 10%, mà bệnh viện nào cũng quá tải phải nằm ghép, nằm hành lang, thậm chí hội trường bệnh viện cũng biến thành phòng bệnh?”, Bộ trưởng truy vấn.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới cho rằng, chính tình trạng sốt rất cao khiến người bệnh đau đầu dữ dội, hoảng sợ nên có người ngày đi khám 3 – 4 lượt khiến lượng khám SXH tăng lên, còn số bệnh nhân 10% nhập viện là thực tế, đều là những bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện.

”Những ca bệnh này, đến ngày thứ 6 qua cảnh báo là chuyển về tuyến dưới hết. 280 nhân viên y tế của viện phải bơi ra với 600 giường bệnh”, PGS Kính nói.

Bộ trưởng Tiến chia sẻ với gần 300 nhân viên y tế mà kín 600 giường bệnh là ”không thể tưởng tượng nổi”. Vì vậy bà Tiến yêu cầu Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới gửi thẳng đề xuất tới Bộ trưởng yêu cầu cho tuyển thêm nhân sự.

Chống dịch: Y tế nóng, dân vẫn ”lạnh”

Ông Hạnh đánh giá số ca mắc SXH của Hà Nội chắc chắn tiếp tục tăng lên, như mọi năm dịch tăng mạnh từ tháng 9 – tháng 11.

”Để ngăn SXH chỉ có cách diệt muỗi, diệt loăng quăng. Đó là lý do Hà Nội duy trì 150 đội xung kích vào tận gia đình, trường học để giúp bà con diệt loăng quăng, hướng dẫn bà con phát hiện, lật úp các vật dụng có nguy cơ đọng nước để muỗi không đẻ trứng”, TS Hạnh nói.

Bộ trưởng đánh giá, Hà Nội làm chiến dịch diệt muỗi, loăng quăng nhiều nhưng hiệu quả chưa cao.

”Hiện nay chống SXH mới có y tế tham gia, dự phòng, điều trị phải căng mình nhưng cộng đồng vẫn thờ ơ”, PGS Kính nhận định.

PGS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, dân vẫn thờ ơ, vì đi kiểm tra trong khuôn viên nhà ở người dân vẫn còn nhiều tác nhân chứa lăng quăng, bọ gậy.

TS Hạnh cho biết thêm, hiện nay Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch, hiện có 308 xã phường trong tổng số hơn 584 phường của Hà Nội đã thành lập đội diệt bọ gậy phòng chống SXH. Để phòng chống dịch SXH, Hà Nội đã phun cả hóa chất bằng ô tô và phun nhiều điểm. Hiện Hà Nội có khoảng 150 đội phun hóa chất, 2 xe ô tô đi phun ban đêm.

TS Hạnh bày tỏ lo lắng khi mà số ca mắc SXH vẫn tiếp tục tăng lên.
TS Hạnh bày tỏ lo lắng khi mà số ca mắc SXH vẫn tiếp tục tăng lên.

"Hai xe là quá ít để có thể phun muỗi "hạ hoả" SXH. Bộ Y tế sẵn sàng cung ứng thêm hóa chất, phương tiện để phục vụ Hà Nội phun muỗi. Cần phải tổ chức thành chiến dịch quyết liệt. Phun ở trường học, BV, trạm y tế xã, phòng khám khu vực, và trường học, nhà trọ, lán công trình xây dựng với tần suất 3 lần/ tháng. Ngay trong ngày mai và ngày kia, Hà Nội phải huy động thêm được máy phun to. Cần có ít nhất 20 xe để phục vụ chiến dịch này", Bộ trưởng chỉ đạo.

Bộ trưởng Tiến cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông. "Tuyên truyền tới người dân phòng SXH không chỉ ngăn muỗi đốt, mà phải diệt được nguồn sản sinh ra muỗi là loăng quăng, bọ gậy. Đối với người dân khi mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị. Chỉ nhập viện khi bác sĩ chỉ định. Tại cộng đồng khi mắc bệnh cần ăn thức ăn lỏng, uống nước nhiều, đặc biệt là orezol, chườm mát cơ thể. Tránh để mất nước", Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo các BV cần nâng cao hiệu quả điều trị hơn nữa, tránh để lây chéo bệnh trong bệnh viện cho bệnh nhân. BV Bệnh Nhiệt đới TW nhanh chóng chuyển bệnh nhân về cơ sở 2. Nếu thiếu xe vận chuyển thì cần thuê xe vận chuyển bệnh nhân. Tránh để bệnh nhân phải nằm ghép, nằm hội trường như thế gây hoang mang và vất vả cho người dân.

Bài và ảnh: Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm