1. Dòng sự kiện:
  2. Dịch cúm đầu năm 2025

Hỡi ôi! Trà chanh yêu dấu!

Nhiều bạn trẻ cứ mê mệt cái vị ngòn ngọt, chan chát và mát lạnh của trà chanh. Giữa nắng, nóng, còn gì tuyệt hơn khi đưa vào họng thứ nước giải khát vô cùng hợp lý ấy. Nhưng chắc chắn không ít người sẽ kinh hãi, rùng mình khi biết đến công nghệ chế biến trà chanh.

Nhiều thanh, thiếu niên ở Hà Nội hóm hỉnh nhận “sở trường” của mình là “trà chanh, chém gió vỉa hè”. Ban đầu các vị phụ huynh chẳng hiểu được câu này, nhưng giờ thì đã “thấm nhuần” ý nghĩa. Những buổi chiều và tối lướt qua các phố Nhà Thờ, Cát Linh, Ngã Tư Sở, quanh sân vận động Mỹ Đình… sẽ thấy giới trẻ “yêu” món giải khát trà chanh đến thế nào và cũng thấy sự phát triển như vũ bão của những quán cóc bán trà chanh. Lợi nhuận khổng lồ trong khi vốn đầu tư rất nhỏ. Từ 8.000-12.000 đồng/cốc trà chanh, ngồi hóng gió, ngắm phố phường và “buôn chuyện” cùng bạn bè – quá rẻ cho một bữa đi chơi. Nhưng hỡi ôi…!

 

Sau trà bát bảo thì trà chanh lên ngôi, chiếm ưu thế ở khắp các vỉa hè, quán cóc. Những quán hàng san sát nhau, có khi lên tới hàng chục quán cùng ganh đua trên một đoạn vỉa hè. Hàng nào cũng đông, khách ngồi lưng dựa vào lưng, dù chả quen biết nhưng phải chịu vì… chật. Những quán hàng ở Ngã Tư Sở, Cát Linh người đông như nêm, đường xá xe cộ cũng như nêm. Và bụi thì… không hiếm. Nhưng những thanh, thiếu niên vẫn thích ngồi nhấp ngụm trà chanh, hít những hơi thở đặc quánh bụi, ngắm phố phường người xe đi đến chóng mặt và tán dóc những câu chuyện không đầu không cuối. “Trà chanh chém gió vỉa hè” là như thế.

Mua trà cám để pha trà chanh


 

Mua trà cám để pha trà chanh

 

Vào chợ Đồng Xuân tìm hiểu, mang theo yêu cầu “làm thế nào để tốn ít vốn nhất cho một cốc trà chanh”, những giải đáp bất ngờ sẽ được thì thầm, ám hiệu rất nhiệt tình. “Trà chanh vỉa hè hả? Cứ dùng trà cám mà pha, 40.000-45.000 đồng/kg”. Loại trà này cũng có vị chát, nước pha ra thì có màu hơi xanh. Hai yếu tố này đã đủ được gọi là trà, nếu cẩn thận thì mua một ít trà nhài trộn lẫn với trà cám để tạo mùi thơm.

 

Theo tìm hiểu, các quán trà chanh vỉa hè thường chẳng pha trộn mà chỉ dùng nguyên một loại trà cám. Loại trà này rẻ vì được làm từ lá chè già, nhiều vụn và dễ làm đục nước. Nhưng “những người bán trà vỉa hè rất thích loại trà này vì giá rẻ, lại được nước. 1kg chè có thể pha được hàng trăm cốc trà”, đấy là người bán trà quảng cáo thế.

 

Theo hướng dẫn của người bán hàng, nếu muốn ăn dày thì nên dùng đường hóa học để pha trà. Cứ 500g đường hóa học giá 100 nghìn đồng thì pha được tới cả nghìn cốc trà chanh.

 

Có thể giới trẻ không mấy ai để ý đến loại trà dùng để rắc vào áo quan khi khâm liệm vì nó rẻ và hút ẩm, hút mùi tốt. Loại trà này nhìn không khác mấy so với trà mạn thường dùng, nhưng chất lượng trà này kém hơn trà cám nhiều. Bởi lẽ, khi pha sẽ cho loại nước màu đỏ, vị chát ít, không tạo nên một cốc trà chanh hấp dẫn. Giá loại trà này chỉ bằng một nửa loại trà cám. Tiết lộ của một người bán hàng trong chợ: “Thực ra loại trà này chả ai uống, chỉ dành để khâm liệm và ướp xác thôi. Khi tôi bán hàng cũng phải hỏi kỹ lắm, nhỡ người mua dùng vào việc khác thì lại bắt đền. Ấy thế mà nhiều chủ quán trà chanh vẫn ham giảm vốn giữ lời nên cứ nhất định tìm mua loại trà này. Cũng không biết họ bán ở đâu, nhưng thấy có vẻ cũng đắt hàng, vì 4-5 ngày lại mua một lần, mỗi lần cả chục kilôgam”.

 

Đá sạch làm từ nước gì?

 

Cũng có không ít người thắc mắc về loại đá mà các chủ quán vẫn mua từng túi, cũng hình ống dài, cũng có bao bì in chữ “đá sạch”, nhưng đôi khi cơ sở sản xuất lại nhập nhèm chẳng rõ. Nhiều người đã phát hiện có loại “đá sạch” vẫn còn nguyên các dấu vết của nước giếng khoan. Cũng có nhiều người kêu ca rằng, thấy phản cảm khi đá được đổ vào thùng không sạch và được chủ quán trà chanh bốc tay thả vào cốc. Nhưng kêu là kêu vậy thôi, rồi uống vẫn uống.

 

Thử tham quan một xưởng làm đá quy mô lớn ở thôn Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội sẽ thấy những chiếc máy làm đá chạy ầm ầm, khu xưởng nằm ngay cạnh con mương nước đen xì và bốc mùi hôi thối. Những chiếc bao tải đựng đá để vận chuyển cho các quán tại khu vực Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông được phơi lăn lóc bên đường. Khuôn đá, dao cắt, bồn cấp nước đá… đều đã bị ố vàng, gỉ sắt. Nguồn nước làm đá bơm thẳng từ giếng khoan lên cho vào máy. Đá ra lò, những thanh niên cởi trần, quần soóc nhặt chiếc ống nhựa vứt trên sàn nhà dính đầy cát để gạt đá xuống miệng phễu sau khi đá cắt thành viên.

 

Sau công đoạn cho đá vào túi nilon thì túi đá với khối lượng vừa đủ sẽ được xếp vào bao tải có ghi sẵn địa chỉ sản xuất, khối lượng… Giá đá ở đây khá rẻ, chỉ 5.000 đồng/túi 5kg. Và không phải chỉ có xưởng sản xuất đá sạch ở Từ Liêm khiến người ta rùng mình vì công đoạn làm đá, mà rất nhiều xưởng sản xuất đá tinh khiết khác cũng không đảm bảo an toàn vệ sinh.

 

Mấy ai biết đá không hợp vệ sinh có hai loại: đá nhiễm khuẩn và đá lẫn tạp chất hóa học. Đối với đá nhiễm khuẩn thì trong quá trình làm đông của đá có một số vi khuẩn chỉ bị ngưng hoạt động. Khi vào đến hệ tiêu hóa của người thì vi khuẩn sẽ hoạt động trở lại, gây nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, nhiễm trùng đường ruột, ngộ độc thức ăn. Còn đá lẫn tạp chất hóa học, các chất này sẽ dễ xâm nhập vào cơ thể người sử dụng, chưa kể tới hóa chất dùng để thanh lọc nước nếu ở liều lượng quá cao cũng sẽ gây ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa của cơ thể, gây ra nhiều biến chứng như viêm đại tràng mãn tính, ảnh hưởng tới chức năng thận, gan, gây kích ứng dạ dày…

 

Trào lưu kiêm mối họa

 

PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) nhận định: Khi quan sát các quán trà chanh vỉa hè, tôi biết được rằng, họ không có nước sạch để rửa, tráng cốc. Thậm chí, ống hút cũng chỉ cần tráng qua và hong khô lại để dùng lại. Trà chanh là một loại giải khát, khát thì phải uống nhưng uống có lợi hay không thì chúng ta phải tính toán lại một cách thông minh và khoa học. Người ta mới phát hiện ra rằng, để bán loại nước uống bình dân với giá rẻ thì bột trà xuất xứ từ Trung Quốc sẽ mang lại lợi nhuận cao, hơn cả trà cám. Bột chè không phải loại chè thông thường khai thác từ lá chè mà là sử dụng các phế phẩm và lá chè già.

 

Bên cạnh đó, trong mỗi cốc trà chanh còn có sử dụng chất thơm. Nếu uống loại trà chanh có những chất trên thường xuyên sẽ gây ra tình trạng nhiễm độc trường diễn, nghĩa là việc nhiễm độc sẽ diễn ra trong một quá trình dài hay còn gọi là nhiễm độc mãn tính. Theo PGS Duy Thịnh cho biết: “Việc đưa chất thơm vào cơ thể người ở một mật độ lớn sẽ được tích lũy, khu trú trong cơ thể. Chất thơm ở các hàng trà chanh đang sử dụng phần lớn ở dạng rắn (chuyển tán thành bột). Không ít độc tố được tạo ra từ chính các chất thơm”.

 

Việc sử dụng quy trình pha chế không vệ sinh là tạo ra một con đường ngắn nhất cho việc lây lan các bệnh từ người này sang người khác. Đó là chúng ta chưa đề cập đến căn bệnh xã hội, khi trà chanh là một trào lưu ngốn thời gian của tuổi trẻ, lôi kéo rất nhiều người tham gia, tạo môi trường dễ lây lan các thói hư tật xấu. Nếu những người trẻ tuổi cứ ngồi vỉa hè và “chém gió” từ chiều sang tối thì có bao nhiêu thứ đã trôi đi một cách phí phạm đối với cả người đó lẫn những người khác, việc khác. Hỡi ôi, trà chanh yêu dấu, hiểm họa lắm thay – đối với những người trẻ tuổi còn biết bao điều cần học hỏi, thử thách và thực hiện. Trong đó có điều cần quan tâm nhất: Làm thế nào để sống khỏe và có ích hơn.

 

Theo Phú Duy

Năng lượng mới