TP Huế:

Hội nghị quan trọng về Tăng huyết áp Việt Nam lần I

(Dân trí) - Trong 3 ngày 16-18/5 tại TP Huế đã diễn ra Hội nghị quan trọng Tăng huyết áp (THA) Việt Nam lần thứ I với chủ đề “Từ đồng thuận đến hành động, vì 1 thế giới không tăng huyết áp”, “Chung sức phòng chống tăng huyết áp, nguy cơ bùng phát của thời đại”.

Hội nghị do Trường ĐH Y - Dược Huế và Phân hội THA Hội Tim mạch Việt Nam phối hợp tổ chức. Hoạt động hưởng ứng ngày THA Quốc tế 17/5, Kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ 19/5, Hưởng ứng ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5, Chào mừng thành công Festival Huế 2014 trong chuỗi sự kiện xây dựng Huế sớm trở thành TP trực thuộc Trung ương.

Đến dự hội nghị có 50 đại diện là lãnh đạo các Cục, Vụ của Bộ Y tế, UBND tỉnh TT-Huế, ĐH Huế, Sở Y tế, Trung tâm Y tế và các BV trong toàn quốc. Ngoài ra còn có sự góp mặt của hơn 400 bác sĩ chuyên khoa tim mạch, hơn 100 học viên và SV trường ĐH Y - Dược Huế.

3 nội dung chính trong hội nghị là: Cập nhật khuyến cáo THA Việt Nam năm 1998; Xúc tiến thành lập chương trình điều trị THA Việt Nam nhằm giảm thiểu các biến chứng THA; Công bố các nghiên cứu khoa học về THA mang tầm quốc gia và khu vực.

Hội nghị với nhiều thành phần quan trọng về tăng huyết áp trên cả nước

Hội nghị với nhiều thành phần quan trọng về tăng huyết áp trên cả nước

Hội nghị có các báo cáo trực tiếp của ISH, Cập nhật các khuyến cáo mới về THA của ESC/ESH 2013, CHEP,NICE và Cập nhật khuyến cáo chẩn đoán và điều trị THA của Phân hội THA Việt Nam. Đặc biệt có sự tham gia giảng dạy Chương trình đào tạo Y khoa liên tục (CME) và báo cáo khoa học của 2 đại biểu quốc tế là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội Tăng huyết áp Quốc tế (ISH).

Hội nghị không chỉ tập trung vào THA mà còn mở rộng cho các lĩnh vực đang được quan tâm như: Dịch tễ học và THA, Chẩn đoán THA bằng kỹ thuật ABPM, Rối loạn lipid máu và THA, Đái tháo đường và THA, Béo phì và THA, Rối loạn nhịp thở khi ngủ và THA, Rối loạn nhịp và THA, Tai biến mạch não và THA, Suy thận và THA, Suy tim và THA, Rối loạn nhịp và THA, Vai trò thuốc chống đông, Bệnh lý mạch máu ngoại biên và THA, Bệnh phổi tắc nghẽn và THA, Di truyền trong THA, THA kháng trị, Các nhóm thuốc trong THA: lợi tiểu, ức chế men chuyển, chẹn thụ thể AG II, chẹn canxi, chẹn beta, ức chế renin… Các biện pháp mới trong điều trị THA: hủy giao cảm thận, kích thích xoang cảnh

Ngoài ra còn có một số hoạt động khác như: Giải thưởng dành cho các nhà nghiên cứu trẻ tuổi về THA, Lớp bồi dưỡng sau đại học CME cho các BS trên toàn quốc về THA, Cuộc đi bộ đồng hành THA, Khám huyết áp và tuyên truyền về phòng bệnh THA cho nhân dân.

Theo GS.TS. Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Phân hội THA Việt Nam, PGĐ Bệnh viện Trường ĐH Y-  Dược Huế: “Hiện bệnh tim mạch chiếm 1/3 nguyên nhân tử vong trên thế giới và đang góp phần gia tăng gánh nặng bệnh tật trên thế giới. THA là một yếu tố nguy cơ cao đối với bệnh tim mạch ở các nước công nghiệp và ngay tại Việt Nam. Ước tính, THA là nguyên nhân gây tử vong 7,1 triệu người trẻ tuổi và chiếm 4,5% gánh nặng bệnh tật toàn cầu với 64 triệu người sống trong tàn phế.

Ở Việt Nam năm 1960, THA chiếm 1% dân số; năm 1982 là 1,9%; năm 1992 tăng lên 11,79% dân số và năm 2002 ở miền Bắc là 16,3%. Nước ta do tăng trưởng kinh tế dẫn đến sự thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, từ đó ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc xơ vữa động mạch, bệnh tật, và THA.

Theo ước tính, có khoảng 9,8 triệu người Việt Nam từ 25 tuổi trở lên có liên quan đến THA, bao gồm cả 5,7 triệu người THA không biết HA cao, 2,1 triệu người biết THA nhưng không được điều trị và 2 triệu người có điều trị nhưng không được kiểm soát. THA ở nam giới cao hơn ở phụ nữ (28,3% so với 23,1%), ở thành thị cao hơn nông thôn (32,7% so với 17,3%), 36,3% bệnh nhân tăng huyết áp đã được điều trị, khống chế thành công HA của họ”.

Do đó, theo GS Minh, cần có một chiến lược ngăn chặn và quản lý THA tại Việt Nam hiệu quả và khoa học. Trong đó cần lưu ý vấn đề kinh tế của đất nước và sự gia tăng nhanh chóng về mặt dịch tễ học THA.

Hội nghị với nhiều thành phần quan trọng về tăng huyết áp trên cả nước

Các nội dung về THA tiến tiến, cập nhật được trình bày ở Hội thảo với mục đích hành động nhằm phòng chống THA trên cả nước

Một báo cáo đáng chú ý là gần đây nhất, Hiệp hội THA Quốc tế năm 2014 đã cho thấy: Với huyết áp trên mức 115/75, cứ tăng mỗi 20mmHg HA tâm thu hoặc 10mmHg HA tâm trương tăng lên sẽ làm tăng gấp đôi số biến cố chính về tim mạch và đột quỵ. Tần suất cao của THA trong cộng đồng hiện tại là do 2 hiện tượng: tuổi thọ trong cộng đồng tăng và tần suất béo phì tăng. Trong nhiều cộng đồng, tình trạng ăn nhiều muối vẫn còn phổ biến và là yếu tố nguy cơ chính.

Hiện có khoảng 1/3 người trưởng thành trong cộng đồng ở những nước đã và đang phát triển bị THA. Hầu hết những bệnh nhân THA có kèm các yếu tố nguy cơ khác như rối loạn lipid máu, bất dung nạp glucose hoặc đái tháo đường, tiền sử gia đình bị biến cố tim mạch sớm, béo phì và hút thuốc lá. Sự thành công trong điều trị THA vẫn còn hạn chế. Mặc dù đã có những tiếp cận tốt về chẩn đoán và xử trí, nhưng tại nhiều quốc gia vẫn còn khoảng gần 50% bệnh nhân chưa kiểm soát tốt huyết áp.

 Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), THA là yếu tố nguy cơ hàng đầu cho tỷ lệ tử vong (chiếm 12,7% các trường hợp tử vong), tiếp theo là hút thuốc lá (8,7%) và glucose trong máu cao (5,8%). Trong số 167 quốc gia được WHO khảo sát, có 61% chưa có khuyến cáo quốc gia về điều trị THA, 45% chưa có sự huấn luyện về điều trị THA cho cán bộ y tế, 25% không cung cấp đủ thuộc điều trị THA, 8% không đủ phương tiện tối thiểu và 12% không đủ thuốc điều trị THA trong chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Đại Dương