Hội chứng Rối loạn Tăng động, Giảm chú ý học đường - Mối nguy khôn lường!
Khoa học đã chứng minh, ngoài các lý do tâm lý như trẻ thiếu sự quan tâm đúng mực của cha mẹ hoặc bị tổn thương tình cảm gia đình, một nguyên nhân nguy hiểm khác rất dễ bị bỏ qua chính là trẻ đã mắc hội chứng Rối Loạn Tăng Động, Giảm Chú Ý (ADHD – Attention Deficit Hyperactivity Disorder).
Là giáo viên, ai cũng muốn có những học trò ngoan ngoãn, chăm chỉ, sáng dạ. Thế nhưng, vẫn có những “con sâu làm rầu lòng cô” khi những em học sinh cá biệt, bất trị luôn sẵn lòng góp thêm nhiều gánh nặng cho cuộc sống vốn đã đầy rẫy những áp lực của giáo án, thành tích và cơm áo gạo tiền của không ít thầy cô.
Khoa học đã chứng minh, ngoài các lý do tâm lý như trẻ thiếu sự quan tâm đúng mực của cha mẹ hoặc bị tổn thương tình cảm gia đình, một nguyên nhân nguy hiểm khác rất dễ bị bỏ qua chính là trẻ đã mắc hội chứng Rối Loạn Tăng Động, Giảm Chú Ý (ADHD – Attention Deficit Hyperactivity Disorder).
“Bắt mạch” trẻ mắc chứng Rối Loạn Tăng động, Giảm chú ý (ADHD)
Bằng cách theo dõi, quan sát những biểu hiện của học sinh, giáo viên cần phối hợp với phụ huynh để kịp phát hiện các triệu chứng ADHD mang tính “ngụy trang” nhưng được lặp lại thường xuyên như:
Thường quên bài vở, mất dụng cụ học tập: Ở lớp, trẻ ADHD thường mới phát hiện ra để quên tập vở ở nhà. Khi về nhà, bố mẹ trẻ lại thường đau đầu do con liên tục làm mất bút (thậm chí mất cả cặp) khiến phải mua mới liên tục và dặn dò kỹ lưỡng nhưng trẻ “quên vẫn hoàn quên”.
Không giao tiếp với bạn bè: Trẻ ADHD thường thiếu tự tin trong giao tiếp với người xung quanh kể cả bạn bè, thầy cô. Điều này càng khiến trẻ gặp khó khăn trong việc thích nghi môi trường mới.
Trẻ ADHD thường thiếu tự tin trong giao tiếp với người xung quanh kể cả bạn bè, thầy cô
Lơ đãng, hay mơ màng: Trẻ ADHD không hề kém thông minh so với các bạn. Tuy nhiên, chúng gặp khó khăn để lắng nghe hướng dẫn từ thầy cô, từ đó thường xuyên tỏ ra lơ mơ, không kịp nắm bắt lời giảng hoặc các yêu cầu làm bài tập…
Khó khăn bày tỏ cảm xúc: Bệnh nhi ADHD cũng thường gặp các tật chứng nhận thức và trạng thái chậm phát triển đặc hiệu về vận động và ngôn ngữ đi kèm. Hệ quả tất yếu là trẻ hay gặp khó khăn khi bày tỏ cảm xúc bằng lời hoặc cử chỉ thông thường.
Đối với khía cạnh tăng động, trẻ cũng có thể có những biểu hiện đáng lo sau:
Không tập trung trong lớp: Bên trong trẻ ADHD dường như có một chiếc máy luôn hoạt động. Trẻ thường không thể ngồi im. Chúng luôn cố gắng đứng lên và chạy xung quanh. Khi buộc phải ngồi xuống, chúng thường liên tục ngọ nguậy, vặn vẹo trên ghế.
Khó đợi đến lượt: Trẻ tăng động thường không có khả năng nhận biết được nhu cầu, mong muốn của người khác. Trẻ có thể cắt ngang lời khi người khác nói chuyện và rất khó khăn khi chờ đến lượt trong hoạt động ở lớp hoặc khi chơi với bạn.
Hay quậy phá, dễ nổi giận: Trẻ ADHD rất khó kiềm chế cảm xúc. Trẻ có thể bùng phát các cơn thịnh nộ ở những thời điểm không phù hợp.
Kết quả học tập không ổn định: Do độ tập trung kém sẽ dẫn đến việc tiếp thu chậm nên kết quả học tập ở trẻ ADHD thường không ổn định. Trẻ cũng gặp khó khăn về đọc và viết. 20% trẻ mắc chứng ADHD cần phải có chế độ giáo dục đặc biệt.
Kết quả học tập ở trẻ ADHD thường không ổn định. Trẻ cũng gặp khó khăn về đọc và viết. 20% trẻ mắc chứng ADHD cần phải có chế độ giáo dục đặc biệt.
Trẻ mắc Rối loạn Tăng động, Giảm chú ý (ADHD) – Cần lắm sự chung tay của gia đình và nhà trường
Tuy thường quậy phá, dễ nổi nóng làm phiền lòng thầy cô và cha mẹ, nhưng các trẻ ADHD lại rất cần sự quan tâm và chung tay của cả nhà trường lẫn gia đình trong việc chữa trị. Nếu để muộn (đến tuổi vị thành niên), vấn đề sẽ trở nên rất khó khăn do trẻ học tập kém, rối loạn các mối quan hệ với bạn bè và người xung quanh, kém tự tin, mặc cảm hoặc nhiễm các thói hư tật xấu, có hành vi chống đối xã hội... Đến 65% trẻ bị ADHD tiếp tục trải qua rối loạn này ở thời kỳ trưởng thành, có nhiều khó khăn về nghề nghiệp, giảm hiệu quả lao động, dễ bị kích thích và gây hấn, tính tình ngang bướng, cục cằn, lập dị... Do vậy, việc phát hiện, điều trị và can thiệp sớm rối loạn ADHD là rất cần thiết.
Đối với từng học sinh có biểu hiệu tăng động/giảm chú ý, giáo viên cần phối hợp chặt chẽ với gia đình để hỗ trợ quá trình điều trị cho các em. Trong một số trường hợp, chính giáo viên nên là người để ý quan sát, phát hiện và khuyên cha mẹ học sinh đưa con mình đi khám bệnh kịp thời.
Trong một số trường hợp, chính giáo viên nên là người để ý quan sát, phát hiện và khuyên cha mẹ học sinh đưa con mình đi khám bệnh kịp thời.
Với tỉ lệ mắc bệnh từ 3 - 17% tùy theo từng quốc gia, tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn phát triển thường gặp nhất ở trẻ (số lượng bệnh nhân nam gấp 3 lần bệnh nhân nữ). Tuy vậy, bố mẹ thường không biết, nhầm là trẻ hiếu động, ham tìm tòi, hoặc lười biếng, xao nhãng…. ADHD khởi phát trước 7 tuổi theo DSM-IV (DSM: Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders) và trước 12 tuổi theo DSM-V. Nếu phát hiện muộn, khả năng chữa khỏi là rất thấp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng học tập, cuộc sống hàng ngày, sự nghiệp sau này của trẻ.
Một số địa chỉ thăm khám cho trẻ: Hà Nội: 1 - Viện nhi trung ương 2 - Viện sức khỏe tâm thần quốc gia 3 - Bệnh viện tâm thần Hà Nội TP HCM: 1 - Bệnh viện Tâm thần Tp. HCM ( 766 Võ Văn Kiệt Q.5) 2 - Khoa Khám Tâm lý – Tâm thần trẻ em (165B Phan Đăng Lưu – Quận Phú Nhuận) 3 - Bệnh viện Nhi Đồng 1 4 - Bệnh viện Nhi Đồng 2 Miền Trung: 1 - Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng 2 - Bệnh viện tâm thần Khánh Hòa |
Bác sĩ Trịnh Tất Thắng
Chủ tịch Hội Tâm Thần HCM
Chương trình này được tài trợ bởi VPĐD Janssen Cilag.