Hội chứng chán ăn
"Chán ăn thần kinh sẽ dẫn đến những hậu quả nguy hại cho cơ thể người phụ nữ, như thiếu hụt vitamin và khoáng chất thiết yếu do quá ít dưỡng chất được dung nạp vào cơ thể", bác sĩ Ngọc Hương, Trưởng Khoa Dinh Dưỡng, Trung tâm ding dưỡng TP.HCM cho biết.
Những người mẫu không lên sàn diễn
Các thiếu nữ bây giờ hễ cứ thấy mình hơn "tròn trĩnh" một chút là bắt đầu lo cuống lên, sợ mình phát phì, sợ bạn bè gọi là bé bự. Họ chẳng cần quan tâm đến cái gọi là nhịp phát triển sinh học của cơ thể, nghĩa là xu hướng dung nạp thêm năng lượng nhưng vẫn giữ được vóc dáng thon thả của tuổi dậy thì. Ngược lại, họ ra sức ăn kiêng, thậm chí nhịn cho bằng chị bằng em.
Với các nữ nhân viên công sở thì khác. Áp lực làm đẹp trước đồng nghiệp và cả nhu cầu "giữ chồng" khiến họ đạp đổ những lời khuyên hữu ích để chạy theo những chế độ ăn ngặt nghèo.
Bệnh của thời ăn kiêng
Tất cả những biểu hiện trên là hậu quả của chứng chán ăn thần kinh ở các cấp độ khác nhau. Có điều đặc biệt là hội chứng hết thèm ăn này chủ yếu gặp ở nữ giới. Điều này chắc chẳng cần giải thích ai cũng hiểu. Nhưng nhiều người không hiểu chán ăn tinh thần của mình là gì và nó nguy hiểm thế nào.
Ban đầu, chị em thấy mình gầy dần, gầy mòn, thậm chí trọng lượng thấp hơn 15% so với mức bình thường. Rồi tặc lưỡi, thế là chế độ ăn kiêng "có tác dụng" đấy chứ?
Nhưng rồi, họ sụt cân như trượt dốc, thể trạng mệt mỏi, da vàng, tuyến nước bột phì đại, có người lông mọc dày lên và thậm chí phủ cả chi dưới. Đến khi thấy mình không khác gì người vừa trở về sau nạn đói ở châu Phi, họ mới nửa tỉnh nửa mê nhận ra rằng mình đang mắc bệnh - căn bệnh y học gọi là chán ăn tinh thần. Nói một cách dễ hiểu hơn, đó là căn bệnh do rối loạn ăn uống do tinh thần.
Sút cân không phải là dấu hiệu duy nhất của chứng bệnh này. Nhiều người còn thấy mình uể oải, kinh nguyệt không đều hoặc mất kinh, rồi mất hứng với cả "chuyện ấy". Cá biệt có người cứ thấy thức ăn là nôn mửa.
Kết quả là mọi tế bào bắt đầu suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là các mô chứa chất đạm, khiến cơ bắp cứ nói lời tạm biệt chân tay. Ấy là còn nhẹ, chứ nếu bi đát hơn, bệnh có thể gây biến chứng như đột tử do cơn nhịp tim nhanh, vỡ thực quản hoặc dạ dày.
Thậm chí có người còn tự đẩy mình vào bước đường cùng là nhịn đói cho tới khi kiệt sức và chết. Tỷ lệ tử vong đối với căn bệnh này là 0,56% mỗi năm, lớn gấp 12 lần tỷ lệ tử vong ở phụ nữ trẻ trong dân số nói chung.
Tìm lại cảm giác thèm ăn
Nhiều người cứ nghĩ đơn giản, kiêng ăn thì khó chứ để tăng cân thì dễ ợt. Nhầm to, bởi cho đến giờ, bệnh chán ăn do tâm lý này chưa có phương pháp thuốc nào trị nổi ngoài liệu pháp tinh thần.
Trên thế giới, 20% số ca điều trị thất bại, 5% người được điều trị sau đó có biểu hiện cuồng ăn và phát phì, 6% tử vong do suy dinh dưỡng hoặc tự tử. Ở Việt Nam , theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, 40% trường hợp điều trị sử dụng tâm lý liệu pháp, nhưng phải có sự can thiệp của bác sĩ.
Chuyên môn và sự phân tích rạch ròi của bác sĩ làm bệnh nhân "tỉnh ngộ". Thoát khỏi ám ảnh về một thân hình "cò hương" là mốt. Thực đơn tăng dần protein và calo sẽ được kê cho họ, còn thuốc chỉ được sử dụng khi bệnh nhân có triệu chứng tâm thần rõ rệt hoặc đang hồi phục cân nặng.
Trong trường hợp liệu pháp tâm lý "mưa dầm thấm lâu" cũng chẳng tác dụng gì thì những bệnh nhân suy dinh dưỡng nặng, mất nước hoặc tình trạng tinh thần quá xấu buộc phải nhập viện, được nuôi qua ống thông liên tục vào dạ dày để tránh nguy cơ tử vong.
Chỉ khi nào bệnh nhân tăng cân, xuất hiện kinh nguyệt, trở lại cuộc sống vợ chồng và cuộc sống xã hội bình thường thì mới có thể tạm coi là hết bệnh.
Vấn đề là các bác sĩ cũng sẽ chẳng giúp được gì cho những người chán ăn với lý do bữa ăn trong gia đình là một cực hình đối với họ. Vai trò của những người thân đặc biệt quan trọng với bệnh nhân rối loạn ăn uống tâm lý.
Bác sĩ Nguyễn Lân Đính, nguyên giám đốc Trung tâm dinh dưỡng trẻ em TP.HCM khuyên: "Bản thân những người trong gia đình nên tạo không khí thoải mái cho người chán ăn, giúp họ xây dựng được lòng tin lòng tin để kích thích một quá trình ăn uống trở lại". Và để ngăn ngừa căn bệnh có vẻ rất "ngớ ngẩn" này, các bậc cha mẹ nên chú ý ngay từ khi con mình tập ăn dặm.
Việc tìm mọi cách ép trẻ ăn, gây tâm lý áp lực khiến trẻ sợ hãi sẽ châm ngòi cho chứng chán ăn tinh thần của trẻ sau này. Hãy để không chỉ trẻ em mà cả mọi thành viên trong gia đình xem bữa ăn là một trong những thú vui của họ.
Theo Netmode/Sành Điệu