Hóc kẹo đậu vào phổi, bé gái 13 tháng tuổi suýt mất mạng ngày giáp Tết

Hoàng Lê

(Dân trí) - Hai vợ chồng ở Đồng Tháp đang lo dọn dẹp chuẩn bị đón Tết thì phát hiện con gái 13 tháng tuổi ho sặc và ói liên tục, trên tay vẫn cầm thanh kẹo đậu phộng, nên tức tốc đưa đi cấp cứu.

Ngày 29/1, đại diện Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, nơi đây vừa kịp thời cứu một bệnh nhi bị hóc dị vật vào phổi cực kỳ nguy hiểm.

Bệnh nhi là một bé gái 13 tháng tuổi, con đầu lòng của cặp vợ chồng son tại Đồng Tháp. Khai thác bệnh sử, lúc cha mẹ và gia đình đang dọn dẹp chuẩn bị đón Tết thì bất ngờ phát hiện con gái ho sặc sụa, khò khè và nhợn ói liên tục. Khi họ chạy đến chỗ con và phát hiện trên tay bé vẫn còn cầm thanh kẹo đậu phộng gặm dang dở. Nghi có chuyện chẳng lành, gia đình tức tốc đưa bé từ quê lên BV ở TPHCM.

Tại BV Nhi đồng Thành phố, các kết quả chụp chiếu cho thấy bệnh nhi có dị vật tắc chèn ngay ống phế quản phân nhánh các thùy phổi trái. Ngay lập tức, bé được chuyển phòng mổ tiến hành soi gắp kiểm tra thông thoáng đường thở.

Hóc kẹo đậu vào phổi, bé gái 13 tháng tuổi suýt mất mạng ngày giáp Tết - 1

Bác sĩ nội soi gắp dị vật khẩn cấp cho bệnh nhi (ẢNh: BVCC).

Không ngoài dự đoán, ekip điều trị gắp ra dị vật là hạt đậu phộng đang mắc kẹt và gây ứ khí căng phồng phổi trái. Nếu để lâu hay đến viện trễ thêm một chút thời gian, bệnh nhi có nguy cơ tràn khí màng phổi hoặc viêm phổi kéo dài, viêm phổi hoại tử, áp xe phổi, thậm chí nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân..

Hóc kẹo đậu vào phổi, bé gái 13 tháng tuổi suýt mất mạng ngày giáp Tết - 2

Dị vật là hạt đậu phộng được lấy ra kịp thời, giúp bé qua cơn nguy kịch (Ảnh: BVCC).

Từ trường hợp này, các bác sĩ một lần nữa cảnh báo cha mẹ phải luôn theo dõi kỹ, không để trẻ nằm ngoài tầm mắt, tầm tay của người lớn. Dị vật đường thở ở trẻ em rất dễ xảy ra, vì trẻ còn đang ở tuổi khám phá và chưa ý thức được nguy cơ hít sặc.

Khi dị vật kẹt trong đường thở sẽ có nhiều mức độ nguy hiểm, như khó thở dữ dội và tử vong ngay trong vòng vài phút nếu dị vật bít tắc hoàn toàn khí quản.

Bé cũng có thể suy hô hấp, tím tái nếu dị vật gây bít tắc một phần khí quản, phế quản. Thiếu oxy kéo dài có thể gây tổn thương não. Ngoài ra, còn có các triệu chứng như ho, khò khè kéo dài, viêm phổi từ nhẹ đến nặng.

Bác sĩ khuyên phụ huynh cần chú ý không để trẻ cười đùa hoặc nói lúc thức ăn đang trong miệng; không cho trẻ ăn lúc đang khóc, đang ho; không sử dụng ống hút để hút các thức ăn/uống có dạng hạt tròn.

Ngoài ra, không cho trẻ ăn các thức ăn dễ sặc vào đường thở hay có cơ hội tiếp xúc các dị vật nguy hiểm, nhất là thời điểm ngày Tết có nhiều hạt mứt, hạt đậu. Chỉ cần lơ đễnh một phút là tai nạn có thể xảy ra, hối hận cũng muộn màng.