1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hoang mang vì thuốc cam nhiễm chì

Kết quả kiểm tra nước tiểu và máu của 92 cháu (ở Tam Dị, Lục Nam, Bắc Giang) dùng “thuốc cam” chữa tưa lưỡi tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, hàm lượng chì cao gấp 5 đến 20 lần giới hạn cho phép.

Hoang mang vì thuốc cam nhiễm chì

Thuốc cam nhiễm chì của bà Thế được lưu giữ tại Trạm y tế xã Tam Dị.

 

Thuốc cam từ Trung Quốc?

 

Chị Nguyễn Thị Thủy (thôn Thanh Giã, xã Tam Dị, Lục Nam) bức xúc khi kể về trường hợp con trai Nguyễn Hữu Đoàn mới hơn một tuổi dùng thuốc cam để chữa tưa lưỡi.

 

Khi thấy Đoàn có biểu hiện bị tưa lưỡi, nhiệt miệng chị đã đến nhà bà lang Tiến ở trong thôn để mua thuốc về bôi và uống. Sau khi chữa xong thì cháu thường xuyên có biểu hiện chán ăn, thường hay nôn.

 

Khi nghe thông tin có thể cháu bị nhiễm độc chì, chị đã đưa con tới Bệnh viện Bạch Mai khám thì được chẩn đoán là cháu đã bị nhiễm độc chì với hàm lượng chì trong máu và nước tiểu là 57%. Sau khi điều trị tại bệnh viện mất gần 8 ngày, cháu được xuất viện ngày 14/3 và hiện tại lượng chì đã giảm đáng kể.

 

“Tuy nhiên, không biết sau này cháu có thể bị ảnh hưởng gì nữa không. Theo nhiều bác sĩ nói, hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị nên cháu phải điều trị dần dần để loại bỏ độc tố chì trong người”, chị Thủy nói.

 

Chị Trần Thị Nhung, mẹ cháu Hoàng Yến Nhi, thôn Thanh Giã 2 cho biết, từ khi 4 tháng tuổi cháu Nhi đã dùng thuốc cam mua của bà lang Tiến để tránh sài và giúp cháu hay ăn, chóng lớn. Thế nhưng qua kiểm tra tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị ngộ độc chì trong máu tới gần 70%, sau khi điều trị, lượng chì trong máu hiện chỉ còn khoảng 17%.

 

Theo nhiều người dân, thực ra trước đây họ đều sử dụng thuốc cam để chữa bệnh biếng ăn, còi xương, lở loét miệng cho trẻ em nhưng không có biểu hiện gì.

 

Chỉ trong thời gian gần đây, trẻ mới có biểu hiện bất thường. Nhiều người cho rằng, trước đây bà Thế tự chế biến còn hiện nay bà lấy thuốc của Trung Quốc về bán nên mới xảy ra hiện tượng này(?).

 

Qua buổi làm việc với Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Bắc Giang, bà Thế cho biết, nguồn dược liệu để chế biến thuốc được mua ở TP Bắc Giang.

 

Hơn 90 trẻ trong xã nhiễm chì

 

Theo bác sĩ Ngô Hải Tiện, Trạm trưởng Trạm y tế xã Tam Dị thì trong nhiều năm gần đây khi thấy biểu hiện như tưa lưỡi, loét miệng… của trẻ em thì người dân trong xã thường đến nhà bà Nguyễn Thị Thế (tên thường gọi ở nhà là bà lang Tiến) để mua thuốc chữa trị.

 

Thuốc bà Thế cung cấp cho người dân gồm hai dạng là thuốc bôi và thuốc uống. Bà Thế đã bán loại thuốc này nhiều năm nay, không có biển hiệu và cũng không hề có giấy phép hành nghề. Thành phần thuốc gồm: mạch nha, ý dĩ, hạt sen, hoài sơn, cát căn và hồng đơn được rang sau đó tán nhỏ bán cho người bệnh bôi hoặc uống.

 

Theo thông tin mà ông Tiện có được thì toàn xã có hơn 90 cháu đã đi xét nghiệm và đều bị chẩn đoán là nhiễm độc chì ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nhiều người dân khác trong xã cũng đang chuẩn bị cho con, cháu đi khám vì lo trẻ nhiễm bệnh. Chì có thể ảnh hưởng đến gan, thận và dẫn đến ung thư.

 

Sau khi có thông tin về việc nhiều trường hợp bị nhiễm độc chì ở Tam Dị, Sở Y tế Bắc Giang đã cử đoàn kiểm tra về lập biên bản, lấy mẫu gửi kiểm nghiệm chất lượng và niêm phong toàn bộ số lượng thuốc còn lại tại nhà bà Thế. Đoàn cũng tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh thuốc cam của bà Thế, chờ kết quả xử lý tiếp.

 

UBND huyện Lục Nam cũng đã yêu cầu các cơ quan tuyên truyền tại địa phương thông báo rộng rãi cho nhân dân trên địa bàn toàn huyện biết về tác hại và rủi ro khi sử dụng các sản phẩm thuốc cam nhiễm chì.

 

Kết quả ban đầu của Trung tâm Kiểm nghiệm (Sở Y tế Bắc Giang) cho thấy các mẫu đều có hai chỉ tiêu không đạt là độ đồng nhất và giới hạn nhiễm khuẩn.

 

Kết quả của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương trong sản phẩm thuốc bôi lấy tại nhà bà Thế có hàm lượng chì là 4,30mcg/g, đối với sản phẩm thuốc uống là 1,02mcg/g.

 

Theo Nguyễn Trường

Tiền Phong