1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM:

“Hỏa tốc” tiêm chủng trở lại trong mùa dịch Covid-19

(Dân trí) - Để duy trì những thành quả của chương trình tiêm chủng mở rộng, giảm nguy cơ lây nhiễm các loại bệnh nguy hiểm khác, TPHCM sẽ tổ chức tiêm chủng trở lại sau thời gian tạm ngừng vì dịch Covid-19.

BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế, TPHCM đã ký công văn hỏa tốc (ngày 27/4) về việc tổ chức tiêm chủng trong tình hình dịch Covid-19. Theo đó, căn cứ theo Chỉ thị (19/CT-TTG) ngày 24/4/2020 cùng các thông báo, công văn có liên quan của Bộ Y tế, Văn phòng Chính Phủ, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, TPHCM sẽ triển khai tiêm chủng trở lại sau thời gian tạm ngừng gần 1 tháng qua.

“Hỏa tốc” tiêm chủng trở lại trong mùa dịch Covid-19 - 1
TPHCM sẽ tổ chức chủng ngừa trở lại để bảo vệ các thành quả của chương trình tiêm chủng mở rộng

Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm bù đầy đủ cho các đối tượng sau thời gian tạm ngưng, đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch và an toàn tiêm chủng. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật có trách nhiệm tham mưu Sở Y tế ban hành bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch bệnh trong các cơ sở tiêm chủng trước ngày 4/5/2020.

Đối với các cơ sở tiêm chủng tư nhân trên địa bàn, Sở Y tế giao phòng y tế quận, huyện tăng cường kiểm tra giám sát việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở tiêm chủng.

Sở Y tế yêu cầu các đơn vị liên quan lập kế hoạch tiêm chủng phù hợp, thông báo cho các đối tượng tiêm chủng theo các khung giờ khác nhau để tránh tập trung đông người. Tổ chức phân luồng và hướng dẫn cho các đối tượng tiêm chủng, đảm bảo không quá 20 người trong cùng một thời điểm tại một khu vực tiêm chủng. Giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người khi tham gia tại các điểm tiêm chủng.

Các khu vực chờ trước tiêm chủng, khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng, tiêm chủng và theo dõi sau tiêm chủng phải được vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng, khử khuẩn. Các cơ sở bố trí khu vực rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay có cồn để người đến tiêm chủng có thể sử dụng.

Cán bộ y tế và người đến tiêm chủng phải thực hiện các biện pháp bảo hộ cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên. Những người có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp nghi mắc COVID-19, không đến buổi tiêm chủng.

Liên quan đến việc tạm ngừng tiêm chủng, trong bài viết “Gián đoạn tiêm chủng vì dịch Covid-19, nguy cơ dịch bệnh khác tấn công trẻ” (ngày 24/4) Báo Dân trí đã dẫn các phân tích của BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM. Theo đó, việc trễ mũi chích ngừa khiến trẻ có nguy cơ bị nhiễm bệnh, tạo điều kiện cho các loại dịch bệnh đặc biệt là sởi quay lại, đe dọa đến những thành quả của chương trình tiêm chủng mở rộng. 

Vân Sơn