Hòa Bình: Những đêm trắng của đội quân "săn" Covid-19
(Dân trí) - Ánh đèn labo lúc nào cũng sáng choang, bóng áo bảo hộ xanh kín mít; Chốc chốc lại có tiếng ô tô vào cổng để giao mẫu bệnh phẩm là hình ảnh quen thuộc tại CDC Hòa Bình những ngày qua.
Theo BSCKI Trần Thị Kim Loan, Trưởng khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng, CDC Hòa Bình, từ tháng 4/2020 đến nay, khoa đã xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR được hơn 17.000 mẫu bệnh phẩm. Qua đó đã phát hiện 33 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Các mẫu bệnh phẩm được lấy từ các đối tượng có yếu tố dịch tễ, có tiếp xúc ca F0, những người đang được cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà…do khoa trực tiếp lấy và nhận mẫu từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, các TTYT huyện, thành phố Hòa Bình chuyển đến.
Thời gian đầu, CDC chỉ có một máy tách chiết ARN magLEAD 12gC vì vậy trung bình mỗi ngày, dù các cán bộ xét nghiệm căng mình nhưng công suất cũng chỉ được 300 mẫu.
"Đặc biệt mỗi khi có ca lây nhiễm trong cộng đồng, lượng mẫu dồn về, khoa phải huy động đến toàn lực cán bộ làm liên tục không kể ngày đêm để có được kết quả nhanh nhất, chính xác nhất công bố đến nhân dân. Để chạy đua với thời gian, với quyết tâm cao nhất, từ 30/4 đến nay tập thể khoa đã liên tục làm việc thâu đêm suốt sáng", BS Loan cho hay.
Điều may mắn là mới đây, khoa vừa được tỉnh đầu tư thêm một máy tách chiết ARN mới. Thêm thiết bị đã giúp kết quả công việc tăng gấp đôi, có những ngày cao điểm, trong một ngày đêm số lượng mẫu xét nghiệm có kết quả lên tới 700 - 800 mẫu. Đợt bùng dịch thứ 4 này ở Hòa Bình, khoa đã phát hiện được 7 bệnh nhân mắc Covid-19, đây là các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng.
"Công việc thầm lặng của anh chị em xét nghiệm ở CDC không phải ai cũng hiểu, những người làm việc ở đây trực tiếp tiếp xúc với nhiều mẫu bệnh phẩm dương tính SARS-CoV-2, mẫu bệnh phẩm có nguy cơ cao, đối mặt với nguy cơ lây nhiễm Covid-19, vì vậy cán bộ phải mang trang phục bảo hộ nhiều giờ liên tục, thế nhưng tất cả họ quên mình, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất", BS Loan bộc bạch về cuộc chiến của mình và các đồng nghiệp.
Theo nữ bác sĩ này, những cán bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 cả đêm thức trắng là chuyện thường tình, làm việc âm thầm, cặm cụi, cẩn thận từng thao tác nhỏ. Tất cả đều quên đi những mệt mỏi, nhìn mắt của anh chị em cán bộ ai cũng quầng thâm thiếu ngủ…
Ánh đèn labo lúc nào cũng sáng choang, bóng áo bảo hộ xanh kín mít, áo blouse trắng ra ra vào vào. Chốc chốc lại có tiếng ô tô vào cổng, anh chị em lại lao ra nhận mẫu, giao mẫu, rồi lại làm mẫu, công việc cứ lặp đi lặp lại hối hả, miệt mài cho tới khi trời sáng. Đó là hình ảnh quen thuộc trong những "đêm trắng" tại CDC Hòa Bình trong những ngày qua.
Có những ngày cao điểm, mẫu nhiều phải đến 5h chiều anh chị em mới được ăn bữa trưa; và thậm chí 11 - 12h đêm mới được ăn bữa tối. "Gọi là bữa ăn nhưng có ra bữa đâu, toàn ăn vội, ăn nhanh, ăn tại chỗ làm… Thế nhưng cán bộ của khoa ai cũng lạc quan vui vẻ, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đồng lòng đoàn kết, bao giờ ra được kết quả tất cả các mẫu mới dừng công việc", BS Loan nói.
Chị tiếp tục mạch chuyện: "Nhận thức được khi đại dịch xảy ra, sự quan trọng của công việc đối với xã hội, cộng đồng, nếu chúng tôi làm không trách nhiệm, không hết mình, chỉ cần kết quả chậm lại của một người F0 vài giờ, là có thể sẽ có thêm bao người thành F1, F2...".
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết: "Lãnh đạo tỉnh đánh giá cao về trách nhiệm của tập thể CDC Hòa Bình, trong việc phòng chống dịch Covid-19. CDC Hòa Bình đã hết mình với công việc, đã góp phần quan trọng vào công cuộc chống dịch Covid-19. Qua đó, kết quả đến nay, Hòa Bình đã kiểm soát khá tốt được tình hình dịch bệnh, lượng mẫu xét nghiệm RT-PCR giảm đi nhiều. Điều đáng mừng nhất là 29 ngày nay Hòa Bình không có ca nhiễm mới nào trong cộng đồng".