Ho như thế nào là dấu hiệu đỏ cảnh báo ung thư phổi?

Nam Phương

(Dân trí) - Triệu chứng hay gặp nhất của ung thư phổi là ho khan, ho kéo dài. Vì thế, nhiều người chủ quan nghĩ đơn giản do viêm phổi, viêm phế quản, viêm họng…

Mỗi năm trên thế giới có hơn 2 triệu ca mắc mới ung thư phổi và 1,76 triệu người tử vong. Năm 2020, Việt Nam có thêm 26.262 người mắc ung thư phổi và 23.000 người tử vong. 

Ung thư phổi là bệnh lý ung thư có tỷ lệ mắc và tử vong cao đứng thứ 2 tại nước ta. Các triệu chứng của căn bệnh này không rõ ràng, điển hình. 

Theo PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc Bệnh viện K, Việt Nam nằm ở Đông Á là một trong 3 khu vực có tỷ lệ mắc ung thư phổi cao nhất thế giới cùng với Bắc Mỹ và châu Âu. Ngay cả khi phát hiện rất sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm cũng không cao như các loại ung thư khác, chỉ 8- 44%. Tại Việt Nam, cũng có rất ít bệnh nhân ung thư phổi sống được 5-6 năm. Với những trường hợp bị ung thư phổi di căn, thời gian sống chỉ được 3-6 tháng do ung thư phổi tiến triển nhanh.

TS.BS Nguyễn Khắc Kiểm, Phó giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Robot, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện K cho biết triệu chứng hay gặp nhất của ung thư phổi là ho khan, ho kéo dài. Người dân thấy húng hắng ho, ho khan thì nghĩ là viêm họng, đặc biệt là người hút thuốc lá nghĩ đơn giản chỉ là viêm nhiễm ở phổi, viêm phế quản nên chủ quan không đi khám. 

Ho như thế nào là dấu hiệu đỏ cảnh báo ung thư phổi? - 1

TS.BS Nguyễn Khắc Kiểm, Phó giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Robot, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện K.

"Nếu ho do viêm nhiễm thông thường, chúng ta chỉ cần dùng một đơn kháng sinh của bác sĩ kê thì thường bệnh sẽ đỡ. Tuy nhiên, nếu do ung thư phổi thì dù uống thuốc có thể không đỡ, ho kéo dài. Vì thế, những người ho kéo dài 2 tháng bắt buộc phải đi khám", TS Kiểm nhấn mạnh.

Theo bác sĩ, ngoài ra ung thư phổi còn có các dấu hiệu khác là đau ngực, lúc đầu đau tức nhẹ, lúc có lúc không, không thường xuyên, thỉnh thoảng nhói đau ngực. Đây cũng là dấu hiệu cảnh báo của ung thư phổi. Người bệnh cũng có thể thỉnh thoảng khạc đờm, có chút dây máu nhỏ hay vào buổi sáng dậy đánh răng ho khạc ra đờm, khạc một tí máu. 

Nếu có những dấu hiệu trên người bệnh cần đi khám, làm các xét nghiệm, sàng lọc phát hiện sớm. Việc điều trị ung thư phổi thường khó khăn hơn so với các bệnh lý ung thư khác. Vì vậy, việc chủ động đi tầm soát ung thư phổi của người bệnh là hết sức quan trọng. 

Để chẩn đoán ung thư phổi, người bệnh sẽ được khám lâm sàng, xét nghiệm máu, chụp X-quang phổi, khi có dấu hiệu nghi ngờ sẽ được sinh thiết.

Ho như thế nào là dấu hiệu đỏ cảnh báo ung thư phổi? - 2

Những người ở tuổi trung niên 50-60 tuổi, có tiền sử hút thuốc cần đi khám sức khỏe định kỳ, tối thiểu 6 tháng 1 lần. Hình thức khám có thể chỉ đơn giản bằng cách chụp X-quang phổi, tuyến huyện cũng có thể làm, có điều kiện có thể chụp CT liều thấp. Với các phương tiện chẩn đoán hiện nay, các bác sĩ có thể phát hiện khối u từ rất sớm 0,5-1cm, việc điều trị giai đoạn sớm đem lại hiệu quả rất tốt cho người bệnh, bác sĩ Kiểm cho biết. 

Ngoài ra, người bệnh có thể làm một số xét nghiệm máu, các chất chỉ điểm khối u, nếu thông số cao có thể hướng tới tổn thương của ung thư phổi, từ đó chụp X-quang, chụp CT phổi. 

Phòng bệnh

Ung thư phổi cũng được xếp vào nhóm khó phát hiện sớm. Vì thế, dự phòng bệnh được coi là chiến lược quan trọng nhất. Theo đó, người dân không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc, cải thiện vệ sinh công nghiệp và tránh tiếp xúc với khói bụi, đi khám sức khỏe định kỳ.

Với những người ngoài 50, bác sĩ khuyến cáo cần tầm soát ung thư phổi 6 tháng - 1 năm/lần. Đặc biệt với người hay hút thuốc lá, thuốc lào nhiều nên đi tầm soát sớm hơn.