1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hiện tượng sương mù dày đặc ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?

Nam Phương

(Dân trí) - Sáng 2/2, nhiều người dân bất ngờ khi Hà Nội có sương mù dày đặc. Theo chuyên gia, đây là hiện tượng của tự nhiên, tuy nhiên độ ẩm cao cũng làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh truyền nhiễm.

Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, hiện tượng sương mù thường xảy ra vào mùa đông, nhất là ở các tỉnh vùng cao, miền núi phía Bắc… Tại Hà Nội, hiện tượng này khá hiếm trong nhiều năm trở lại đây khiến người dân bất ngờ. Đây là vấn đề của thời tiết và khí hậu. 

"Trong thời tiết như hiện nay, người dân rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp. Vì thế, trong mùa đông khi ra đường, người già, người có bệnh mạn tính, trẻ em cần giữ ấm, đeo khẩu trang để phòng bệnh", ông Tâm nói. 

Hiện tượng sương mù dày đặc ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe? - 1

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Ảnh: Trần Minh).

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cũng cho biết thêm, sương mù chỉ là hiện tượng của tự nhiên, độ ẩm không khí cao tạo sương mù, không phản ánh vấn đề ô nhiễm không khí. Hiện tượng sương mù không phải vấn đề quá lớn với sức khỏe, tuy nhiên độ ẩm tăng cao cũng làm cho một số bệnh truyền nhiễm dễ lây lan hơn.

Thời tiết nồm ẩm là môi trường lý tưởng cho các mầm bệnh như nấm mốc, vi khuẩn, virus sinh sôi. Các bệnh lý hàng đầu thường phát sinh trong kiểu thời tiết này bao gồm cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi, viêm đường hô hấp.

Bên cạnh đó, nồm ẩm cũng làm tăng mức độ trầm trọng của một số bệnh đường hô hấp mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản…

Theo các chuyên gia, đối tượng nguy cơ cao dễ mắc các bệnh lý đường hô trong tiết trời này chính là trẻ em và người già. 

Bộ Y tế nhận định, tại nước ta, thời tiết vẫn diễn biến bất thường, tại khu vực miền Bắc đang là mùa giá lạnh, hanh khô, xen kẽ nồm ẩm là nguyên nhân nhiều dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và mùa lễ hội đầu năm sắp tới. Vì thế, nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm là rất cao. 

Hiện tượng sương mù dày đặc ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe? - 2

Sương mù dày đặc sáng 2/2 khiến người dân di chuyển khó khăn (Ảnh: Mạnh Quân).

Cách phòng bệnh khi trời nồm ẩm

Dự báo tình trạng sương mù dày và mưa phùn ở miền Bắc còn khả năng kéo dài đến khoảng sáng 4/2. Từ ngày 5/2, sương mù và mưa phùn có xu hướng giảm do có một bộ phận không khí lạnh yếu di chuyển xuống các tỉnh miền Bắc.

Trong điều kiện thời tiết nồm ẩm hiện nay, để phòng chống bệnh, các gia đình nên:

- Giữ vệ sinh môi trường sống: Làm sạch và thông thoáng không gian trong nhà, không hút thuốc lá.

- Làm khô không gian sống: Bằng cách sử dụng điều hòa nhiệt độ, máy hút ẩm, không phơi quần áo ướt trong nhà, dùng khăn khô lau sàn.

- Vệ sinh thân thể và đồ dùng cá nhân: Quần áo khó khô hẳn khi độ ẩm quá cao nên nếu có thể, hãy dùng máy sấy, bàn là để là đồ trước khi mặc, tránh nấm mốc, các bệnh ngoài da.

- Chế độ ăn và tập luyện: Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, duy trì việc luyện tập thể dục (có thể thực hiện trong nhà nếu ngoài trời mưa) để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Những người có bệnh mạn tính cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, duy trì đơn thuốc và các biện pháp kiểm soát bệnh tốt. Khi thấy có biểu hiện bất thường, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn.