1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hiện tượng nổi mụn, ợ nóng sau khi ăn cần được hiểu như thế nào cho đúng?

Trường Thịnh

(Dân trí) - Khi nhìn thấy mụn nổi, miệng nhiệt hay bị ợ nóng, nhiều người thường quy kết là bị nóng trong và đổ lỗi do món ăn hay thực phẩm nào mà mình vừa sử dụng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này chỉ là cảm tính và không chính xác!

Ợ nóng, nổi mụn, nhiệt miệng do đâu?

Các biểu hiện ợ nóng, nhiệt miệng, nổi mụn sau khi ăn một loại thực phẩm thường được quy kết là do nóng trong. Thế nhưng trên thực tế, không có một thực phẩm riêng lẻ nào đủ sức “hô mưa gọi gió” khiến cơ thể phải lập tức báo động. Những triệu chứng riêng lẻ này có thể xuất hiện ở nhiều bệnh, do nhiều nguyên nhân gây ra.

Cụ thể, theo PGS. TS. Phạm Văn Hoan - Viện Y học ứng dụng Việt Nam, dưới góc độ y học hiện đại, những hiện tượng trên có thể được giải thích như sau:

Ợ nóng: có thể là do ăn quá no, ăn nhiều thực phẩm giàu chất đạm (protein), giàu chất béo (lipid) hoặc do sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống viêm nhóm NSAIDs, do mắc một số bệnh lý về dạ dày… Đối với phụ nữ mang thai, đó có thể còn là do thay đổi hormone, do chịu sự chèn ép của thai nhi. Ngoài ra, đồ uống có cồn, có chứa bạc hà, trà đậm… cũng sẽ làm kích thích niêm mạc dạ dày, gây ra ợ nóng.

Nổi mụn: có thể là do căng thẳng, môi trường ô nhiễm, thời tiết nắng nóng khiến đổ nhiều mồ hôi hoặc do mắc một số bệnh như các bệnh về gan, bệnh truyền nhiễm, tiểu đường… Nguyên nhân khác có thể là do chế độ ăn ít rau, ít trái cây, ít chất xơ khiến gan phải làm việc nhiều hơn, từ đó dễ làm suy yếu chức năng thải độc của gan.

Nhiệt miệng: do bị tổn thương trong quá trình vệ sinh răng miệng như bị xước, chảy máu, rối loạn hormone trong kì kinh hoặc mang thai hay căng thẳng mệt mỏi trong thời gian dài. Về mặt dinh dưỡng, thiếu các loại vitamin như B6, B2, C, kẽm và acid folic cũng có thể gây nhiệt miệng.

Hiện tượng nổi mụn, ợ nóng sau khi ăn cần được hiểu như thế nào cho đúng? - 1

PGS. TS. Phạm Văn Hoan cũng nhấn mạnh, xét một cách tổng thể, những biểu hiện mà mọi người coi là nóng do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Và trong số đó, cần để ý đến lý do chế độ ăn uống không hợp lý như ăn quá nhiều thịt và các loại chất đạm khác (do protein cần nhiều năng lượng để tiêu hoá nhất và do vây sẽ sinh ra nhiều nhiệt năng hơn), hoặc uống ít nước… Còn theo y học cổ truyền, “âm hư sinh nội nhiệt”, nóng trong người là do âm hư bởi các nguyên nhân sau: nội nhân - do chức năng hoạt động của các tạng phủ yếu không thể thải các chất độc sinh ra trong quá trình chuyển hóa, gan và thận suy yếu nên các chức năng thanh lọc không đủ sức giải độc, làm độc chất bị tích tụ lại, và biểu hiện thành các chứng như ợ nóng, mụn nhọt, nhiệt miệng.

Hiện tượng nổi mụn, ợ nóng sau khi ăn cần được hiểu như thế nào cho đúng? - 2

Nổi mụn, nhiệt miệng vì ăn mì ăn liền - Đúng hay sai?

TS.BS. Trương Hồng Sơn - Viện Y học Ứng Dụng cho biết, hoàn toàn không tìm thấy thành phần nào trong mì ăn liền là thủ phạm gây nóng để gây ra nổi mụn hay nhiệt miệng. Xét về mặt giá trị dinh dưỡng, trung bình, một gói mì ăn liền loại thông dụng (75g) chứa chủ yếu là chất bột đường (40g-50g); 10-13gr chất béo (bao gồm cả gói dầu) và thường không ít hơn 6,8g đạm, có thể cung cấp cho cơ thể 300-350Kcal (tương đương 15% -17% nhu cầu năng lượng mỗi ngày đối với người trưởng thành). Chiếu theo phân nhóm thực phẩm thì mì ăn liền thuộc nhóm ngũ cốc và sản phẩm chế biến, cùng nhóm với gạo/cơm, cháo, bún, phở, bánh mì… được coi là thực phẩm cơ bản trong bữa ăn. Vì thế, khi chế biến mì ăn liền, bạn cũng nên biến tấu, kết hợp với các thực phẩm thuộc nhóm khác để có bữa ăn hoàn chỉnh, cân bằng dinh dưỡng.

Hiện tượng nổi mụn, ợ nóng sau khi ăn cần được hiểu như thế nào cho đúng? - 3

Tình trạng nổi mụn, nhiệt miệng sau khi ăn mì, theo TS.BS. Trương Hồng Sơn có thể do nhiều yếu tố và rơi vào một số trường hợp thường thấy như những người bận rộn, có chế độ ăn uống không hợp lý, thường hay thức khuya… Việc không cân bằng trong ăn uống, sinh hoạt góp phần làm rối loạn các quá trình chuyển hóa, hấp thu của thực phẩm trong cơ thể, từ đó có thể dẫn đến các thay đổi về hormone, và có thể dẫn đến những tình trạng trên. Do vậy, mì ăn liền không phải là nguyên nhân gây nên nóng trong người, nổi mụn, nhiệt miệng.

Loại trừ các yếu tố “phá bĩnh” sức khỏe bằng chế độ ăn đúng cách

Để tránh các vấn đề khó chịu như ợ nóng, nhiệt miệng, nổi mụn, chúng ta cần tuân thủ và thực hiện nguyên tắc dinh dưỡng cân bằng, hợp lý. Theo đó, các bữa ăn trong ngày cần cung cấp đầy đủ 4 nhóm chất cho cơ thể: chất bột đường, chất đạm, chất béo, khoáng chất và vitamin. Điều này giúp cho các quá trình chuyển hóa trong cơ thể được xảy ra bình thường và không gây tích tụ các độc tố.

Hiện tượng nổi mụn, ợ nóng sau khi ăn cần được hiểu như thế nào cho đúng? - 4

Bên cạnh đó, lượng dinh dưỡng nạp vào cơ thể cũng nên điều chỉnh cho vừa đủ và phù hợp với nhu cầu của từng người, giúp đảm bảo cho các hoạt động và chuyển hóa hàng ngày. Ví dụ, nhu cầu năng lượng dành cho người trưởng thành 20 tuổi, lao động nhẹ là khoảng 1980 Kcal/ngày, khuyến nghị cần ăn khoảng 65g protein, 58g lipid và 360g carbohydrate. Tương tự, lượng nước cần cho quá trình chuyển hóa các chất sinh năng lượng trong cơ thể bị thiếu hụt cũng gây ra tình trạng khát nước, nóng trong người. Do đó, đừng quên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.