Hiện tượng “hành quân” ngoài kỳ kinh
(Dân trí) - Bị ra máu khi không phải trong kỳ kinh nguyệt rõ ràng là nỗi lo lắng của bất cứ phụ nữ nào. Có những người vừa sạch kinh tuần trước thì đã lại thấy “hành quân” trở lại. Đây thực sự không phải là vấn đề bình thường.
Thế nào là kinh nguyệt bình thường?
Thời gian “bị” trong mỗi kỳ kinh bình thường kéo dài từ 4-5 ngày. Và dù có vẻ như bạn mất khá nhiều máu nhưng thực ra, trong những lần như thế, lượng máu mất đi chỉ từ 30-120ml. Nhìn chung, chu kỳ kinh nguyệt là 28 ngày song cũng có một số trường hợp, chu kỳ 21 hoặc 35 ngày cũng được xem là bình thường.
Bất thường với kinh nguyệt
Những phụ nữ đã mãn kinh hoặc với các em gái dưới 11 tuổi, nếu thấy có kinh nên lập tức hỏi ý kiến bác sỹ. Tất nhiên, họ càng nên làm như vậy nếu thấy ra máu giữa các kỳ kinh bởi nguyên nhân cần phải làm rõ: máu đó chảy từ âm đạo hay từ trực tràng, đường tiết niệu,v.v.
Những nguyên nhân chung
Mặc dù nguyên nhân gây ra máu bất thường ở phụ nữ khá đa dạng, tuỳ theo tình trạng sức khoẻ ở mỗi người, nhưng dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất:
- Thai làm tổ/có bầu
- Sẩy thai
- Thay đổi hormone
- Bắt đầu, ngừng hoặc quên uống thuốc tránh thai hay thuốc có chứa estrogens
- Suy tuyến giáp trạng
- Stress
- Vòng tránh thai đôi khi cũng gây chảy máu nhẹ.
- Tổn thương âm đạo do các vật lạ đưa vào cơ thể
- Các khối u ác tính
- Những thương tổn âm đạo chưa xác định rõ
- Do tác dụng của thuốc, nhất là các loại thuốc chống đông tụ
- Khô âm đạo
- Thủ thuật phụ khoa
- Một số phụ nữ bị ra máu nhẹ trong khi rụng trứng, điều này là rất bình thường.
Nằm nghỉ ngơi là việc nên làm. Bạn cũng nên ghi lại số lượng băng vệ sinh đã sử dụng, đây là thông tin cần thiết giúp bác sỹ biết bạn có bị ra quá nhiều máu hay không.
Trừ khi bác sỹ kê đơn còn đừng bao giờ dùng thuốc aspirin trong kỳ kinh. Thuốc aspirin có thể khiến việc ra máu kéo dài và trầm trọng hơn.
Khi khám bệnh, bạn nên cung cấp đầy đủ thông tin về tiền sử sức khoẻ của mình để bác sỹ có thể chẩn đoán tốt nhất nguyên nhân. Bạn cũng nên kiểm tra vùng chậu và làm xét nghiệm Pap.
Để trả lời các câu hỏi của bác sĩ, bạn cần theo dõi cẩn thận chu kỳ kinh nguyệt của mình. Đây là những câu hỏi thường gặp:
- Bạn bị ra máu giữa các kỳ kinh như thế này mấy hôm rồi?
- Chuyện này xảy ra hàng tháng hay đây là lần đầu tiên?
- Kỳ kinh nguyệt bắt đầu ngày nào?
- Kỳ kinh của bạn kéo dài bao lâu?
- Bạn có bị đau bụng khi ra máu giữa các kỳ kinh?
- Có chuyện gì khiến việc ra máu khó chịu hơn không?
- Có gì khiến chuyện này dễ chịu hơn?
- Chuyện ra máu có khó chịu hơn không khi bạn tăng hoạt động thể chất?
- Hiện bạn có cảm thấy mình đang hơi căng thẳng không?
- Bạn có thấy cơ thể xuất hiện những triệu chứng khác như đau khung chậu, khó nuốt, đau rát khi tiểu tiện?
- Bạn có thấy máu lẫn trong phân hay nước tiểu?
Bạn cũng nên nói với bác sỹ những loại thuốc đang dùng (kể cả thảo dược). Bác sỹ cũng sẽ hỏi bạn độ tuổi bạn bắt đầu có kinh nếu bạn đã có quan hệ tình dục và bạn đã từng bị ra máu ngoài kỳ kinh như thế bao giờ chưa.
Nếu bạn đang dùng thuốc viên tránh thai, bác sỹ cũng cần được biết vì việc ra máu bất thường ngoài kỳ kinh đôi khi có thể chỉ vì lý do rất đơn giản là bạn không uống thuốc vào đúng thời điểm bắt buộc trong ngày.
Đỗ Dương
Theo About