1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hi hữu thai làm tổ trong ổ bụng sau cắt hai vòng trứng

(Dân trí) - Một thai phụ đã cắt hai vòi trứng phải làm thụ tinh nhân tạo bơm thẳng phôi thai vào tử cung. Tuy nhiên, phôi thay này đã “chạy” ra khỏi tử cung đến một vị trí vô cùng hiểm, ở trong ổ bụng sau phúc mạc, sát tĩnh mạch chủ dưới, đoạn ngang thận.

Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo sau ca phẫu thuật lấy khối thai nằm ở vị trí hiểm. Ảnh: H.Hải
Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo sau ca phẫu thuật lấy khối thai nằm ở vị trí hiểm. Ảnh: H.Hải

Thai làm tổ trong ổ bụng

“Đây là một ca bệnh vô cùng hi hữu, hơn 30 năm làm trong chuyên ngành sản khoa tôi mới gặp có 3 ca, nhưng trước đó là 2 ca nằm trong ổ bụng, ca này vị trí làm tổ của thai còn hiểm hơn, ngay sau phúc mạc trong ổ bụng, sát với rất nhiều mạch máu, nếu không phát hiện sớm sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng thai phụ”, PGS.TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho biết.

Trước đó, từ năm 2005 và 2010 bệnh nhân Đ.T.T (35 tuổi, Thái Nguyên) đã phải lần lượt cắt bỏ cả hai vòi tử cung bên trái và bên phải do chửa ngoài dạ con. Đến ngày 30/5/2015, chị đã được thụ tinh ống nghiệm thành công.

Sau khi được thụ tinh, chị T có đầy đủ các dấu hiệu lâm sàng của mang thai. Chỉ số xét nghiệm trong máu cho thấy βhCG cao ở mức 19.920 IU cao chứng tỏ chị đã có thai. Thế nhưng, điều làm các bác sĩ băn khoăn nhất là siêu âm không thấy thai ở trong buồng tử cung? Vậy cái thai này nằm ở đâu là một câu hỏi lớn của các bác sĩ, bởi cả hai vòi trứng của bệnh nhân đã cắt.

“Đã biết là thai ngoài tử cung, nhưng ở vị trí nào thì hình ảnh siêu âm không ghi nhận. Thậm chí bệnh nhân đã được chỉ định mổ nội soi thăm dò vẫn không tìm thấy khối chửa. Trong khi đó, xét nghiệm βhCG càng lúc càng tăng, cho thấy rõ ràng bệnh nhân có thai”, PGS.TS Vũ Bá Quyết chia sẻ những băn khoăn của các bác sĩ khi mời ông hội chẩn về ca bệnh.

TS Quyết nghĩ ngay đến nguy cơ chửa trong ổ bụng vì cách đây 3 năm ông có xử lý cho 2 ca tương tự. Bệnh nhân khi siêu âm, nội soi đều không tìm thấy tổ thai. Nhớ đến ca bệnh lâm sàng được chia sẻ trong một lần đi dự hội nghị quốc tế, TS Quyết đã mời BV Việt Đức phối hợp, chụp MRI và phát hiện khối thai nằm trong ổ bụng và đã phối hợp với BV Việt Đức phẫu thuật nội soi lấy khối thai an toàn.

Vì thế, khi đến ca bệnh này, trước một bệnh nhân dấu hiệu lâm sàng thì có thai nhưng đi siêu âm không có thai, thậm chí đã làm nội soi thăm dò không thấy khối chửa đâu TS Quyết nghĩ ngay đến nguy cơ này. Tuy nhiên, hình ảnh chụp MRI còn khiến ông bất ngờ hơn bởi vị trí làm tổ của thai quá hiểm, thai làm tổ ngay trong ổ bụng sau phúc mạc, sát tĩnh mạch chủ dưới, đoạn ngang thận.

Theo TS Quyết, với vị trí thai làm tổ này, nếu không phát hiện kịp thời, khối thai chỉ lớn thêm một vài tuần nữa thì sẽ vô cùng nguy kịch cho người bệnh, thậm chí phối hợp nhiều chuyên khoa, nhiều bệnh viện cũng khó cứu.

“Bệnh nhân bị chửa sau phúc mạc, trong khi đó rau thai có tính chất đâm xuyên, thai ngày càng lớn, rau thai sẽ ngày càng phát triển bám rộng vào các mạch máu, gây tổn thương mạch máu và nếu lúc này mà mổ lấy thai thì rất nguy hiểm, bởi các mạch máu bị tổn thương gây mất máu ồ ạt cho bệnh nhân”, TS Quyết giải thích.

BS Nguyễn Bá Phê, Phó trưởng Khoa phụ ngoại cho biết hình ảnh chụp MRI cho thấy thai 8 tuần, kích thước khoảng 2cm nhưng tại sao lại nằm ở vị trí sau phúc mạc thì chưa thể giải thích. Đây là trường hợp hy hữu, khá đặc biệt, rất ít gặp trên thực tế.

Ngay khi phát hiện vị trí làm tổ của thai, TS Vũ Bá Quyết đã trực tiếp phẫu thuật nội soi lấy khối thai cho bệnh nhân hôm 8/7.  Tuy nhiên, đây là ca mổ rất phức tạp vì khối chửa không hề nhỏ, lại nằm sát mạch máu nếu không cẩn thận sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Bên cạnh đó, việc xử lý cầm máu cũng không hề đơn giản do không được khâu, không được đốt vì quá gần mạch máu. Sau một ngày, bệnh nhân đã tỉnh táo, dậy tập đi và ăn uống như bình thường. Ca bệnh này hoàn toàn do BV làm chủ kỹ thuật phẫu thuật.

Lưu ý bệnh nhân cắt vòi trứng

TS Quyết chia sẻ thêm, cả 3 trường hợp ông gặp thai làm tổ trong ổ bụng đều có tiền sử cắt một (hoặc cả hai bên) vòi trứng. Có trường hợp cắt một bên vòi trứng có thai tự nhiên và thay vì di chuyển từ vòi trứng còn lại vào tử cung, thai lại di chuyển lên ổ bụng. Và trường hợp này, bệnh nhân đã được cắt hai vòi trứng, thụ tinh ống nghiệm mà phôi thai vẫn “chạy” ra vị trí khác.

Nhân ca bệnh này TS Quyết muốn chia sẻ cả với nhân viên y tế tuyến dưới và cả thai phụ để có thể theo dõi. Theo đó, trên một bệnh nhân với các dấu hiệu lâm sàng cho thấy có thai, nội soi hai bên vòi trứng vẫn không thấy thai (đặc biệt ở bệnh nhân có cắt vòi trứng)... thì có thể nghĩ đến nguy cơ chửa trong ổ bụng sớm để bệnh nhân được chẩn bệnh, điều trị kịp thời,

Bệnh nhân đã được mổ chửa ngoài tử cung hay vì lý do nào đó cắt một bên, hai bên vòi trứng vẫn có thể chửa trong ổ bụng Vì thế, khi khám thai phát hiện những bất thường nên đến cơ sở y tế sớm để được phát hiện, điều trị.

Hồng Hải