Hi hữu bào thai hóa đá 50 năm trong bụng cụ bà
(Dân trí) - Trong khi chụp x-quang vùng chậu thường qui, các bác sĩ Chile đã bất ngờ phát hiện một trong những trường hợp mang “thai đá” hi hữu trong lịch sử y học.
Sau khi bị ngã, một cụ bà 92 tuổi ở San Antonio (Chile) đã được nhanh chóng đưa tới bệnh viện để chụp X quang thông thường. Tại đây các bác sĩ đã phát hiện ra một điều đáng kinh ngạc: một bào thai nặng gần 2kg mà các bác sĩ tin là người phụ nữ này đã mang trong mình khoảng 50 năm. Tình trạng kỳ lạ này được gọi là thai đá, xảy ra khi bào thai chết và bị vôi hóa bên ngoài tử cung.
Thai đá(lithopedion) hiếm gặp đến mức mới chỉ có khoảng 400 trường hợp được ghi nhận trong lịch sử. Theo Margo Vargas Lazo, giám đốc bệnh viện ở Chile, bào thai vôi hóa này “lớn và đã phát triển” và có lẽ chết khi được khoảng 7 tháng tuổi. Như với phần lớn các trường hợp thai đá, người phụ nữ hoàn toàn không biết về thai nhi đã chiếm trọn ổ bụng của mình. Do đã khá cao tuổi, nên các bác sĩ quyết định tốt nhất không lấy bào thai ra và cho cụ bà ra viện sau đó vài giờ.
Thai đá thường xảy ra do hậu quả của thai lạc chỗ, khiến cho thai nhi phát triển bên ngoài tử cung của người mẹ. Trong các trường hợp thai đá, bào thai đã chết không có đường ra khỏi cơ thể. Thay vì để bào thai hoại tử trong ổ bụng và khiến người mẹ có nguy cơ bị nhiễm trùng, thì cơ thể người mẹ đã vôi hóa nó - bao nó trong lớp can xi. Vôi hóa về cơ bản là sự tích tụ các muối khoáng mà cơ thể sử dụng như một rào cản để chống lại nguy cơ nhiễm trùng.
Khi đã vôi hóa, thai nhi sẽ nằm trong cơ thể người mẹ - như trong trường hợp cụ bà Chile – nhiều năm mà không gây ra bất kỳ biến chứng nào. Như được giải thích trong một báo cáo năm 2000, khoảng 2/3 số bệnh nhân nhận được chẩn đoán ở độ tuổi trên 40, mặc dù trường hợp trẻ nhất được ghi nhận là một phụ nữ mới chỉ 23 tuổi. Các trường hợp mang thai này là cực kỳ hiếm và chỉ xảy ra trong chưa đến 2% số trường hợp mang thai ngoài ổ bụng (vốn chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1/11.000 trường hợp mang thai.
Cẩm Tú
Theo Medical Daily