Hẹn hò trực tuyến: Lợi bất cập hại!
(Dân trí) - Trước khi có điện thoại thông minh, những người độc thân thường đến quán bar hoặc câu lạc bộ và cố gắng gặp "Người tình suốt đời", hoặc ít nhất là “người tình một đêm”. Nhờ sự can đảm do rượu và những đụng chạm ở quầy bar sau đó, những người độc thân sẽ thắng, hoặc thua, trong cuộc chơi - cho đến cuối tuần tiếp theo.
Công nghệ đã ngăn tách người độc thân khỏi tất cả những điều này. Với điện thoại thông minh, giờ đây chúng ta có thể mang hàng triệu “người yêu tiềm năng” trong túi của mình. Người tiếp theo sẽ chỉ là một vài lần vuốt, nhấp chuột hoặc nhắn tin.
Các ứng dụng hẹn hò đang ngày càng phát triển phổ biến, không có dấu hiệu chững lại. Match.com có hơn 7 triệu người đăng ký trả phí, tăng từ 3,4 triệu người năm 2014. Theo Tinder, ứng dụng tạo ra 1,6 tỷ lượt xem mỗi ngày, dẫn đến 1,5 triệu lượt hẹn hò (trung bình một hoặc hai lượt hẹn hò/người dùng) mỗi tuần.
Tuy nhiên, văn hóa “móc nối” trên Tinder không phải là thứ khiến nó được sử dụng thường xuyên. Có vẻ “tình một đêm” mới là thứ mà nhiều người dùng “thèm muốn”, theo một nghiên cứu mới được công bố bởi Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy. Với ngày càng có nhiều người dùng có ham muốn thay đổi, sự kỳ thị đối với việc tìm bạn trên mạng đang giảm dần.
Nhưng liệu việc hẹn hò dễ dàng này có khiến chúng ta hạnh phúc hơn không? Có lẽ là không.
Bị từ chối là có thật, ngay cả trên mạng
Bạn gửi tin nhắn đến một người mà không được trả lời. Bạn thích một ai đó và không bao giờ có sự đáp lại. Bạn dấn thân vào một cuộc hẹn, chỉ để trở thành "bóng ma" sau đó.
Sự từ chối gây đau đớn, và không chỉ theo nghĩa bóng. Việc bị từ chối sẽ kích thích cùng một vùng não xử lý đau đớn thể xác, theo một nghiên cứu năm 2011 từ Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia.
"Sự từ chối xã hội và đau đớn thể chất giống nhau không chỉ ở chỗ cả hai đều gây khổ sở, mà chúng còn có chung biểu hiện trong hệ thống tri giác tâm-thể ", tác giả của nghiên cứu viết. Về cơ bản, bộ não của chúng ta không thể nhận ra sự khác biệt giữa một trái tim tan vỡ và một cái xương bị gãy.
Thay vì một lần bị từ chối tại một quán bar nào đó vào tối thứ Bảy, sự phổ biến của hẹn hò qua mạng khiến người dùng có nhiều cơ hội hơn để cảm thấy bị từ chối nhanh hơn.
“Đứng núi này trông núi nọ” và sự tự tôn
Sự phổ biến của hẹn hò trực tuyến cũng có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta cảm nhận chính mình, theo một nghiên cứu năm 2017 được công bố trên tạp chí Body Image.
Khoảng 1.300 người, phần lớn là sinh viên đại học, đã được hỏi về việc sử dụng Tinder, hình dung cơ thể và sự tự tôn. Nghiên cứu cho thấy nam và nữ sử dụng ứng dụng có vẻ có sự tự tôn thấp hơn so với những người không sử dụng ứng dụng này. Nói chung, người dùng Tinder đã báo cáo ít hài lòng hơn với cơ thể và ngoại hình của họ minh so với người không dùng, tác giả nghiên cứu Jessica Strübel viết.
"Hệ quả của cách thức hoạt động của ứng dụng và những gì nó đòi hỏi ở người dùng, những người dùng Tinder sau một thời gian có thể bắt đầu cảm thấy bị mất đi tính cách riêng và bị vứt bỏ trong các mối tương tác xã hội của mình, tăng nhận thức (và chỉ trích) về ngoại hình và cơ thể, và tin rằng luôn có một cái gì đó tốt hơn ở đâu đó, hoặc ở lần vuốt tiếp theo trên màn hình, ngay cả khi họ nghi ngờ giá trị của bản thân", Strübel đã viết.
Thời đại nghiện công nghệ
Năm ứng dụng hẹn hò - Tinder, Bumble, Match, Plenty Of Fish và Zoosk - được xếp hạng trong top 50 ứng dụng mạng xã hội có doanh thu cao nhất trong Apple Store, với Tinder trở thành ứng dụng có tổng doanh thu hàng đầu trong tháng 9 nhờ Tinder Gold, một tính năng "add-on" caoa cấp có phí.
Nhưng khi các ứng dụng hẹn hò đạt được mức độ phổ biến và khả năng sinh lời, liệu cái giá phải trả cho sự thuận tiện có lớn hơn hạnh phúc không?
Năm ngoái, Match.com đã công bố một nghiên cứu trên người tình nguyện về các xu hướng hẹn hò gần đây. Mặc dù khảo sát không mang tính khoa học, kết quả đã được tiết lộ. Gần 1/6 số người độc thân (15%) đã báo cáo cảm giác nghiện quá trình tìm kiếm cuộc hẹn trực tuyến. Những “công dân thiên niên kỷ” dễ cho biết họ cảm thấy nghiện hẹn hò hơn 125%. Nam giới dễ có cảm giác nghiện hẹn hò hơn 97% so với nữ giới, nhưng 54% phụ nữ cảm thấy nôn nóng hơn bởi quá trình này.
"Những người tự mô tả là có hành vi kiểu nghiện thực sự đối với internet và điện thoại di động có điểm cao hơn nhiều trên thang điểm trầm cảm và lo âu", Alejandro Lleras, giảng viên tâm lý của trường Đại học Illinois, người đã tiến hành nghiên cứu năm 2016 liên hệ giữa nghiện công nghệ với lo âu và trầm cảm, cho biết. Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 300 sinh viên đại học về sức khỏe tâm thần, sử dụng điện thoại di động và internet, và động cơ sử dụng các thiết bị điện tử.
"Với sự ủng hộ ngày càng tăng về mối liên quan giữa sử dụng công nghệ và sức khỏe tâm thần, giữa động cơ sử dụng điện thoại di động hoặc internet và sức khỏe cần được tìm hiểu thêm", ông nói.
Cẩm Tú
Theo CNN