Hè 2010: Đa số các tai nạn xảy ra tại gia đình
(Dân trí) - Trẻ mất bộ phận sinh dục vì điện giật, trẻ tử vong do ngã cầu thang, trẻ mất đôi bàn tay, hỏng mặt do ngã hố vôi… Hầu hết các tai nạn xảy ra tại gia đình. Nếu thận trọng hơn, có thể phòng tránh những đáng tiếc trên, TS.BS Nguyễn Hải An, chia sẻ.
Đầu tháng 7/2010, viện Bỏng Quốc Gia tiếp nhận cháu P.V.S (8 tuổi, Thủy Nguyên, Hải Phòng), bị điện giật cháy đen phần dương vật, bỏng sâu vùng cổ và hai bên đùi. Cháu nhập viện trong trạng thái hôn mê, chấn thương nhiều chỗ. Nguyên nhân được gia đình cho biết do cháu S nghịch gậy sắt, không may vướng vào đường dây 220V trước nhà, dẫn đến tình trạng trên.
Mới đây, do sự bất cẩn của người lớn, bé L.P.Y.N. (3 tuổi ở An Lão, Hải Phòng) ngã nhào vào nồi nước tắm bà nội vừa nấu xong để ở góc sân. Cú ngã khiến bé bị bỏng kín từ cổ xuống hai chân với 70% diện tích cơ thể.
Cánh phòng ngừa tốt nhất là nâng cao nhận thức, cảnh giác của người lớn trước các nguy cơ có thể gây nguy hiểm cho trẻ
Một tai nạn thương tâm gần đây xảy ra do sự bất cẩn của người lớn, khiến bé gái 3 tuổi (Sóc Sơn, Hà Nội) trượt chân, ngã dọc theo cầu thang. Cú ngã quá mạnh làm bé bất tỉnh tại chỗ, các bác sĩ bệnh viện Việt Đức chẩn đoán bé bị chấn thương sọ não (để lại di chứng suốt đời).
Tiếp đó là hàng loạt các tai nạn khác như: ngã vào chậu nước bé 3 tuổi tử vong, chơi bắt súng bé trai ở TPHCM thủng mắt, bố nướng mực khiến con cháy mặt, bé gái 2 tuổi ngã vào nồi nước nóng…
Trao đổi với Dân Trí, TS.BS Nguyễn Hải An, Phó Trưởng khoa Bỏng trẻ em, viện Bỏng Quốc Gia cho biết: “Hầu hết các tai nạn thương tâm xảy ra tại gia đình. Tính riêng trong mùa hè năm 2010, Viện đã tiếp nhận hàng trăm trẻ gặp nạn tại gia đình. Số trẻ nhập viện tăng 20-30% (chủ yếu ở nông thôn). Trong đó, phần lớn trẻ bị đa chấn thương để lại di chứng suốt đời, thậm chí tử vong. Những tai nạn này có thể phòng tránh được nếu cha mẹ nâng cao cảnh giác, có biện pháp phòng ngừa”.
Biện pháp phòng ngừa
Theo TS.BS Nguyễn Hải An, cha mẹ trẻ cần chú ý thiết kế các ổ điện, phích cắm xa tầm với của trẻ đề phòng điện giật. Nên có những hình thức cách ly trẻ với khu vực bếp, đường xuống cầu thang, không để trẻ leo trèo hoặc chui qua các khe cửa sổ, ban công, tay vịn cầu thang... Trẻ nhỏ thường rất hiếu động, do đó không để những chất dễ cháy như xăng, dầu, axit, cồn, thuốc trừ sâu, nước sôi… trong tầm với của trẻ. Tuy nhiên, cánh phòng ngừa tốt nhất là nâng cao nhận thức, cảnh giác của người lớn trước các nguy cơ kể trên.
Trong trường hợp không may trẻ tai nạn nên sơ cứu cho trẻ trước khi đưa đến viện. Nếu trẻ bị bỏng do nước sôi, hóa chất, điện... hãy cởi bỏ quần áo, để lộ vùng bị bỏng và rửa vết bỏng bằng nước sạch, lấy mảnh vải sạch phủ lên vết bỏng. Tuyệt đối, không bôi kem đánh răng hay nước mắm lên vết bỏng. |
Thu Hà