Hãy tốt bụng với cột sống

(Dân trí) - Đau lưng mới chỉ là triệu chứng đầu tiên của sự tổn thương cột sống. Hãy quan tâm đến cột sống trước khi một chuỗi những biển đổi bất lợi tiếp theo xảy ra.

Khởi nguồn của các vấn đề về cột sống thường là do nó bị quá tải hay bị cong bất thường. Khi ấy sức căng cơ bắp nâng đỡ cột sống sẽ bị gia tăng đột ngột.

 

Dần dần, cơ bắp bị căng ra quá mức này sẽ mất khả năng co giãn bình thường và vị trí các khớp xương đặt không đúng chỗ sẽ dễ dẫn đến đủ loại chấn thương, thí dụ - Thoát vị đĩa đệm.

 

Đa số người sau tuổi 30 thường là nạn nhân của những sự cố tương tự.

 

Liệu có thể phòng ngừa trực trặc liên quan đến cột sống?

 

Tất nhiên là có thể. Và không hề quá khó, nếu như bạn không quên những lưu ý sau đây:

 

1. Né tránh trạng thái quá tải

 

Ngay việc ngồi, cứ tưởng không mệt mỏi gì, song lại dẫn đến gánh nặng đáng kể đối với cột sống, nhất là đoạn sống lưng. Cụ thể là:

 

+ Nếu bạn nặng 70 Kg, chỉ riêng tư thế ngồi những khúc xương này đã bị lực nén cỡ 140kg.

 

+ Một khi bạn đứng, lực nén- khoảng 100kg.

 

+ Khi nằm nghiêng, lực nén- khoảng 75kg.

 

Thế nhưng, một khi ở tư thế bất lợi, cột sống sẽ bị bẻ cong, gánh nặng mà cột sống phải gánh có thể lên tới 300kg! Còn trường hợp tăng cân, cứ mỗi kg tăng thêm, các đốt sống lưng sẽ phải gánh thêm 7kg!

 

2. Hãy chọn môn thể thao thích hợp.

 

Sự vận động hài hòa giữa cơ sườn và cơ bụng sẽ rất có lợi cho cột sống và dưới đây là các môn thể thao được các chuyên gia chỉnh hình khuyên lựa chọn:

 

+ Bơi lội

 

+ Dạo bộ nhẹ nhàng vài ba cây số

 

+ Chạy nhẹ trên thảm cỏ hoặc nền đất mềm, không chạy đường nhựa (hoặc bê tông)

 

+ Đi xe đạp (tránh tư thế gò lưng)

 

3. Giường đệm

 

Trường hợp sáng dậy người đau nhừ, thủ phạm chắc chắn là đệm hoặc gối. Chúng ta phải làm thế nào để cột sống có thể nghỉ ngơi thoải mái?

 

+ Tốt nhất, chọn đệm loại cứng vừa phải và dĩ nhiên- phẳng lì. Đệm quá mềm người sẽ bị “chìm”, quá cứng-  cơ thể sẽ chỉ dựa vào một số điểm.

 

+ Thay vì gối to đùng, mềm nhũn hãy chọn loại gối nhỏ, đủ sức làm chỗ dựa cho đầu và cổ.

 

4. Tư thế ngủ thích hợp

 

Tư thế ngủ ngon giấc là tư thế mà khi thức dậy vào sáng hôm sau sẽ ở "y xì" như lúc đặt mình hôm trước. Tư thế ngủ tốt nhất là nằm vì nó đảm bảo cột sống không bị quá tải.

 

Tư thế có hại cho sức khỏe nhất là nằm sấp bởi đoạn cột sống phía dưới sẽ bị uốn cong. Ngoài ra, ngủ sấp, đầu nghẹo về một bên sẽ làm kéo căng xương cổ. Trái lại nằm ngửa, đầu đặt lên gối có thể là nguyên nhân khiến cổ cứng. Còn nếu ngủ không gối sẽ dễ dẫn đến chứng ngáy khi ngủ.

 

5. Thường xuyên tập thể dục cột sống.

 

+ Động tác thứ nhất: Đứng dạng chân, hai tay thả lỏng. Ngẩng cao đầu, sau đó nhẹ nhàng ngả đầu về phía vai trái và tiếp theo ngả đầu về phía vai phải. Nhắc lại mỗi bên 15 lần nhằm tăng cường sức mạnh đoạn xương cổ gắn với xương sống.

 

+ Động tác thứ hai: Nằm ngửa xuống sàn nhà, nắm tay vào hai mắt cá chân chống sàn. Hãy co cơ bụng, cố kéo hai bàn chân lên cao, đầu giữ thẳng. Nhắc lại 15 lần – động tác tăng cường sức bên đoạn xương sống ở lưng.

 

+ Động tác thứ ba: - Nằm sấp, quàng hai tay vào gáy. Kéo mạnh hai chân. Ngửa đầu đưa lên cao, mông không cử động. Giữ nguyên tư thế, đếm đến 10. Lặp lại 15 lần – động tác củng cố xương sống đoạn ngực. 

P.M (st)