Hậu vụ tiêm vắc-xin hết “đát”: Phụ huynh lo lắng!

(Dân trí) - Sau vụ phát hiện tiêm vắc xin hết “đát” cho trẻ tại phòng tiêm chủng 131 Lò Đúc (Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ), nhiều bà mẹ mới giật mình vì lâu nay khi đưa trẻ đi tiêm vắc-xin, hầu như không biết đến vỏ hộp thuốc vì sợ làm phật ý người tiêm…

 

Hậu vụ tiêm vắc-xin hết “đát”: Phụ huynh lo lắng! - 1

 Những phòng tiêm chủng như thế này mà cán bộ cơ sở nói không sao khi tiêm vắc-xin hết "đát" thì người dân biết tin vào đâu? (Ảnh: Hồng Hải)

 

Không hỏi vì y tá giục giã
 
Tại Trung tâm y tế dự phòng 70 Nguyễn Chí Thanh Hà Nội, hầu như ngày nào cũng đông người đưa trẻ đến tiêm vắc xin, nhất là ngày thứ 7, chủ nhật. Sau khi nộp tiền, các mẹ bế con đợi hàng dãy ghế dài chờ gọi đến lượt.

 

Chị Tú cho con là T.A (14 tháng tuổi) đi tiêm vắc-xin cúm tại đây cho biết: Sau khi đóng tiền, đến lượt, chị chỉ biết nhanh chân bế con ngồi vào ghế, cán bộ y tế tiêm xong là phải đứng dậy nhanh để đến lượt bé khác. Thế nên tiêm cho con ở đây đã nhiều mũi tiêm nhưng chưa một lần chị được tận mắt chứng kiến điều dưỡng tiêm lấy thuốc từ đâu chứ đừng nói là tiếp cận vỏ hộp vắc-xin để xem hạn sử dụng.

 

“Khi mình cho con vào tiêm đã thấy cô y tá đang bơm mấy giọt thuốc từ xi lanh ra. Mình thắc mắc thì được giải thích đây là liều vắc-xin cho người lớn, trẻ nhỏ thì bỏ bớt ra. Tiêm xong là y tá gập sổ đưa cho mình rồi gọi ngay bé khác nên dù rất muốn hỏi xem vỏ hộp thuốc cũng đành tặc lưỡi bỏ qua”, chị Tú nói.

 

Chị Vũ Thị Hải cho con đi tiêm vắc-xin lao ở đây kể: y tá lúc nào cũng giục giã để khỏi mất thời gian. Ví như vì trời lạnh, chị không cởi áo sẵn cho con trước khi tiêm, y tá lập tức càu nhàu: “Sao các mẹ không chuẩn bị từ trước, vào đây mới cởi từng cúc áo cho con, mất bao nhiêu thời gian”. Mình bực quá nói lại thì cô y tá tiếp tục: “Sau khi cởi áo sẵn ra, lại chùm khăn vào. Khi vào tiêm chỉ việc vạch khăn ra là xong, có gì mà lạnh!”. Dù rất bực mình nhưng mình đành cười trừ, chỉ sợ nói nữa y tá lại tiêm con đau.

 

Vừa tiêm, cô y tá vừa dặn, nói nhanh như bắn, rằng sau một tháng con xuất hiện nốt mủ không được cạy. Nói dứt lời thì cũng là lúc y tá rút mũi tiêm ra lại gập sổ tiêm đưa cho mình rồi gọi đến lượt khác.

 

Chị Tú cho biết, trước đây nhà chị ngay phố Sơn Tây, chị rất thích cho con đi tiêm tại phòng tiêm chủng ngay sát Sở Y tế vì dù đông, nhưng khi gọi đến lượt, y tá bao giờ cũng nói: “Mẹ nhìn kỹ lọ vắc-xin này, con mình tiêm vắc-xin này, hạn dùng đây, tiêm xong mẹ theo dõi con…” Còn ở đây, mình đã tiêm cho con bé đến hơn chục mũi tiêm mà chưa bao giờ được y tá cho xem vỏ lọ vắc-xin, khi nào vào thì cũng đang trong tình trạng y tá đã lấy thuốc vào xi-lanh, chẳng lẽ do đông bé tiêm quá?

 
Ngại hỏi vì sợ con bị tiêm đau

Tại các điểm tiêm chủng đều có dán biển quy trình tiêm chủng an toàn. Người dân nên đọc bản này, theo dõi xem cán bộ y tế thực hiện có đúng không, để nhắc nhở. Vì trong quy trình đã quy định, trong quá trình tư vấn phải cung cấp cho người dân tên, loại thuốc, nhãn vỏ, hạn sử dụng của thuốc… Cán bộ y tế tuyệt đối không vì đông đúc mà bỏ qua các khâu này, dễ dẫn đến vi phạm quy trình tiêm chủng an toàn.

Sau vụ việc y tá tiêm bảo không sao khi gia đình phát hiện tiêm vắc-xin hết “đát” cho con mình và rồi lãnh đạo Viện vệ sinh dịch tế thừa nhận có thêm 4 trẻ trước đó cũng được tiêm loại vắc-xin này nhưng chẳng gia đình nào phát hiện, nhiều phụ huynh mới giật mình vì đã chủ quan, quá tin vào uy tín của nơi tiêm chủng.

 

Chị Ngọc Hà (Mai Dịch, Cầu Giấy) cho biết: “Kể từ khi biết vụ việc em bé bị tiêm phải vắc-xin hết “đát”, chị mới giật mình. Không biết trong hơn 10 mũi vắc-xin tiêm vào người cô con gái 15 tháng tuổi của mình có mũi nào như sự cố kia không? Thứ 5 này là lịch tiêm mũi vắc-xin viêm gan A, mình sẽ yêu cầu xem vắc-xin, hạn sử dụng trước khi tiêm, nhất định không thể vội vàng dù cán bộ tiêm phòng có giục giã”.

 

Còn chị Nguyễn Thị Thu (ngõ 22 đường Chiến thắng, Hà Đông) cho biết, ngay sau khi biết thông tin về sự việc cũng là ngày chị đưa con gái 4 tháng tuổi đi tiêm nhắc lần 3 loại vắc-xin 6 trong 1 tại cơ sở hai của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội tại Nguyễn Viết Xuân, Hà Đông. Theo lệ thường, y tá lấy thuốc rồi vứt thẳng vỏ thuốc vào thùng rác nhưng mình đã yêu cầu lấy lại, xem hạn dùng trước khi tiêm cho con. Dù khó chịu nhưng cô này vẫn phải cúi xuống lấy cho mình xem, rồi trước khi về còn “dúi” cả vỏ hộp thuốc vào tay mình và nói: “Mẹ mang về đọc cho yên tâm”.

 

“Ông chồng mình thì cứ sợ yêu cầu, đòi hỏi thế họ tiêm đau cho con mình. Thực sự là dù con đau một tí còn hơn là lo lắng không biết liệu vắc-xin có hết “đát” và rồi sẽ ảnh hưởng gì tới sức khỏe của bé về lâu dài hay không”, chị Thu nói.

 

Hồng Hải