Hầu như các trường hợp phẫu thuật đều rất phức tạp

Kết thúc chương trình phẫu thuật từ thiện do Vinmec (Tập đoàn Vingroup) phối hợp với Đoàn phẫu thuật viên Hoa Kỳ thực hiện vào trung tuần tháng 6 vừa qua, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS. Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

  

GS Nguyễn Thanh Liêm (ngồi giữa)

GS Nguyễn Thanh Liêm (ngồi giữa)

 
Ông có thể tổng kết tóm tắt về chương trình phẫu thuật từ thiện cho các bệnh nhân bị các loại bệnh liên quan đến các dị tật phức tạp tại Vinmec lần này?

 

Chương trình phẫu thuật từ thiện lần này có tổng số 55 trường hợp được các bác sỹ đoàn Hoa Kỳ và các bác sỹ Vinmec khám sàng lọc, trong đó 15 trường hợp bị các dị tật phức tạp đã được phẫu thuật thành công.

 

Có thể kể đến một số dị tật khá phức tạp được phẫu thuật như: Sẹo xấu sau bỏng vùng mặt, ngực; Cứng khớp hàm 2 bên (di chứng sau tai nạn); Liệt dây VII sau phẫu thuật u má hoặc do bẩm sinh; Liệt tay sau tai nạn, do tổn thương đám rối TK cánh tay do tai biến sản khoa; Sụp mí mắt; Bỏng axit, mất vành tai; U xơ bì thần kinh má; U mạch bạch huyết 2 chân; Liệt tay U hắc tố lớn vùng mặt...

 

Có thể nói các ca phẫu thuật cho 15 bệnh nhân này đều diễn ra thành công và tất cả họ đều đã khỏe và ra viện.

 

GS Nguyễn Thanh Liêm đang trao đổi với GS Joseph Mark Rosen trong lúc khám sàng cho bệnh nhân

 

Trong số các bệnh nhân được phẫu thuật lần này, có “ca khó” nào khiến các bác sĩ phải “đau đầu" không thưa ông?

 

Hầu như các trường hợp được phẫu thuật lần này đều có những dị tật rất phức tạp. Trong đó, có một vài ca khá khó và để lại cho tôi nhiều ấn tượng, đó là 2 ca vi phẫu đám rối thần kinh cánh tay của 2 cháu bé 6 tháng tuổi (Hoàng Kim Yến Nhi và Nguyễn Đức Minh) và ca phẫu thuật tạo hình tai cho anh Nguyễn Tiến Thuận. Ở trường hợp cháu Yến Nhi, cháu đã bị tổn thương đám rối thần kinh, đứt 1 dây thần kinh số 5, liệt 2 dây số 6 và 7 do hậu quả kéo mạnh cháu ra của hộ lý. Không những thế, tại Việt Nam hiện nay, chưa có nơi nào mổ nối dây các thần kinh trên thành công và theo mẹ cháu kể thì một đoàn bác sĩ đến từ Australia khám cho bé, cũng lắc đầu, do đó, bé Yến Nhi có khả năng phải đối mặt với nguy cơ bị liệt cánh tay suốt đời. Rất may là cháu đã được phẫu thuật thành công tại Vinmec và sau khoảng 6 tháng, toàn bộ dây thần kinh phục hồi và cánh tay của bé Nhi có thể cử động bình thường.

 

Hay trường hợp anh Thuận, do bị tạt axit từ năm 2011 nên nửa khuôn mặt trái và tai trái của anh bị bỏng nặng. Một mình Thuận đã 10 lần lặn lội sang Singapore để chữa chạy và khắc phục các vết thương. Duy chỉ có vành tai, các bác sĩ ở Singapore đã tạo hình và đeo cho anh tai giả được làm bằng silicon nhưng vẫn không thể hoàn thiện. Trong cuộc phẫu thuật cho anh tại Vinmec, các bác sĩ đã dùng kỹ thuật tạo hình tiên tiến nhất thế giới để mổ tạo hình vành tai ngoài bằng sụn sườn. Các bác sĩ đã lấy vạt sụn sườn số 6,7 và 8 của anh ghép vào cẳng tay phải của chính anh, nhằm mục đích trong môi trường nuôi cấy này, sụn sẽ phát triển thành vành tai. Và khoảng 6 tháng sau, vành tai sụn này sẽ được lấy ra và ghép vào bên tai đã bị axit ăn mòn của anh. Khi đó, chiếc tai bằng sụn sườn này có thể đảm bảo về thẩm mỹ tới 70% so với nguyên bản.

 

Được biết, các bác sĩ Hoa Kỳ đã có những buổi hội thảo đào tạo kỹ thuật tạo hình tiên tiến thế giới tại Vinmec, đây có phải là những kỹ thuật được áp dụng vào đợt phẫu thuật lần này không và ông có thể kể một vài ca phẫu thuật điển hình áp dụng kỹ thuật hiện đại này?

 

Nhiều kỹ thuật tiên tiến trong phẫu thuật thẩm mỹ và tạo hình đã được giới thiệu trong các buổi hội thảo và sau đó được áp dụng và trình chiếu trong đợt phẫu thuật, điển hình nhất là kỹ thuật tạo hình tai bằng cách lấy sụn sườn tạo hình tai rồi nuôi dưới da ở cánh tay và vi phẫu nối dây thần kinh đám rối cánh tay. Đây cũng chính là hai ca phẫu thuật điển hình cho anh Thuận và bé Yến Nhi mà tôi đã nói ở trên.

 

Xin ông cho biết kế hoạch hợp tác giữa Vinmec với đoàn bác sĩ Hoa Kỳ và các chương trình hợp tác quốc tế nói chung của Vinmec trong thời gian tới?

 

Có thể nói Vinmec đã và đang có rất nhiều chương trình hợp tác quốc tế để trao đổi chuyên môn cũng như cập nhật những kỹ thuật y khoa tiên tiến thế giới. Hằng tháng cũng đều có các chuyên gia y tế hàng đầu của Pháp đến thăm và trao đổi chuyên môn với các bác sĩ Vinmec.

 

Về kế hoạch làm việc với đoàn bác sĩ Hoa Kỳ thì sau đợt làm việc tại Vinmec vừa qua,  đoàn bác sĩ Hoa Kỳ sẽ quay trở lại Việt Nam vào tháng 9/2013 để khám lại cho những bệnh nhân chưa được phẫu thuật lần này vì lý do sức khỏe cũng như các bệnh nhân đã có lịch hẹn khám lại sau phẫu thuật.

 

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác toàn diện với các trường đại học hàng đầu của Hoa kì để xây dựng 5 trung tâm kỹ thuật cao, đó là: Trung tâm ung thư; Trung tâm phẫu thuật tạo hình; Trung tâm sức khỏe bà mẹ và thai nhi; Trung tâm phẫu thuật Robot.

 

Tít dự bị: Phẫu thuật dị tật phức tạp giúp 15 bệnh nhân tự tin hơn trong cuộc sống.