“Hậu” bão lũ, dịch bệnh hoành hành
(Dân trí) - Hết ngâm mình trong lũ lại chôn chân trong bùn non dọn dẹp nhà cửa xóm làng, cùng với đó là nguồn nước sinh hoạt và môi trường bị ô nhiễm nặng, hàng ngàn người dân Quảng Nam, Đà Nẵng đang đối mặt với dịch bệnh hậu bão lũ.
Lội lũ, nhiều người không thể tránh được bệnh nước ăn chân (Hội An)
Bà Bốn, người dân huyện Đại Lộc, bươn chân trong bùn non dọn vết lũ bám khắp nhà than thở: “Nước rút mấy hôm rồi mà chưa có cơn mưa to dội bùn, cứ nắng hanh hao miết. Đã rứa còn chưa có điện, chưa có nước… Khổ quá con ơi”.
Lội bùn dọn dẹp "hậu bão" (huyện Đại Lộc, Quảng Nam)
Theo thống kê sơ bộ ban đầu, chưa đầy đủ của Trung tâm y tế tỉnh Quảng Nam, đã có hơn 4.000 người mắc các bệnh “hậu bão lũ”. Các cơ quan chức năng cũng triển khai phương án phòng chống dịch bệnh bùng phát sau lũ theo phương châm “nước rút đến đâu, khẩn trương xử lý môi trường đến đó”.
TP. Đà Nẵng: Các bệnh dịch sau bão lũ hoành hành
Những bãi rác khổng lồ luôn ẩn chứa nguy cơ dịch bệnh (một tuyến đường của TP Đà Nẵng)
Tại Đà Nẵng, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Út, phó Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết: đã có hơn 20 nghìn nhà dân ngập trong nước lũ, toàn bộ hơn 17 nghìn giếng nước sinh hoạt cũng ngập lũ và ô nhiễm nặng. Toàn thành phố, “hậu bão lũ” có 349 khu dân cư, hơn 200 điểm trường học và chợ bị ô nhiễm.
Các bệnh mắt đỏ, tiêu chảy, bệnh ngoài da, sốt siêu vi, nước ăn chân… đang hoành hành với số lượt người mắc tăng gấp đôi, gấp ba bình thường thường. Trong đó, nhiều nhất là bệnh đau mắt đỏ, bệnh ngoài da (nước ăn chân) và đặc biệt là sốt siêu vi, tập trung tại các quận, huyện vùng ven chịu ảnh hưởng nặng do bão lũ như Hoà Vang, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Liên Chiểu. đáng chú ý, tuyến đường từ đèo Hải Vân đến ngã ba Hoà Nhơn (tuyến đường tránh xe Bắc - Nam) bị ô nhiễm nặng do rác, thải của hành khách bị tắc đường trên các chuyến xe đường dài.
Các cán bộ y tế đang khẩn trương xử lý vệ sinh môi trường để giảm bớt dịch bệnh
Ngành chức năng đã cơ bản xử lý vệ sinh nguồn nước của hơn 90% số giếng nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn, 80% điểm trường học và chợ ngập rác và nước đọng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Sở cũng đã cấp về các quận, huyện cơ sở 150 cơ số thuốc, gần 200 ngìn viên Cloramin B và hơn 200kg Cloramin B bột tiếp ứng cơ sở xử lý môi trường, tránh lây lan dịch bệnh ra diện rộng.
Do khu thu dung điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1 tại bệnh viện đa khoa Đà Nẵng bị tốc mái nên việc tiếp nhận và điều trị sẽ chuyển sang bệnh viện C. Trường hợp nhẹ được hướng dẫn điều trị cách ly tại trung tâm y tế cơ sở các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Được biết, hiện toàn bộ số bệnh dương tính với cúm A/H1N1 đã xuất viện. Còn lại 41 ca nghi nhiễm đang được cách ly, theo dõi điều trị bệnh; trong đó, tại bệnh viện C thu dung 30 ca, Trung tâm y tế quận Sơn Trà: 7 ca và Trung tâm y tế quận Thanh Khê; 4 ca. |
Khánh Hiền